Lửa nhiệt huyết vẫn cháy nơi đảo xa

Huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đã chứng kiến nhiều thế hệ giáo viên không tiếc tuổi xuân cho sự nghiệp trồng người - những người trẻ luôn ý thức được trách nhiệm với cộng đồng, với Tổ quốc. Họ đã thắp lên những ngọn lửa của lý tưởng sống cao đẹp bằng chính sự cống hiến thầm lặng của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Thầy giáo trẻ Tiến Anh bên những học trò hải đảo. Ảnh: Ninh Cơ
Thầy giáo trẻ Tiến Anh bên những học trò hải đảo. Ảnh: Ninh Cơ

Bởi những thôi thúc trong tim

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú đã có 5 năm dạy học trên xã đảo Song Tử Tây. Câu chuyện về người thầy sinh ra trong một gia đình lao động đông con, phải vượt qua gánh nặng mưu sinh để theo đuổi ước mơ trở thành thầy giáo cũng không còn xa lạ với cộng đồng mạng. Cũng vì những trải nghiệm gian khó của bản thân, thầy đã hai lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa, để mang con chữ đến cho những đứa trẻ nơi hải đảo, nhưng phải đến năm 2018 mới được chấp thuận.

Trường tiểu học xã đảo Song Tử Tây chỉ có hai giáo viên, hoạt động theo mô hình lớp ghép. Thầy Phú cùng lúc phải dạy học cho các em học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5. Thế nên, thầy và đồng nghiệp phải vừa dạy học vừa đóng vai "người mẹ hiền" bao bọc các em bằng sự dịu dàng, ấm áp. Các thầy luôn theo sát từng học sinh, liên tục thay đổi phương pháp dạy cho phù hợp.

Nguyễn Hữu Phú tâm sự: Giúp đỡ mọi người trên đảo không chỉ là trách nhiệm công dân, mà cũng chính là thực hiện tôn chỉ "Sống là cho đi" mà anh luôn tâm niệm. Lý tưởng tốt đẹp ấy cũng không ít lần trải qua thử thách. Ít ai biết, năm 2021, cơn bão số 9 quét qua xã đảo Song Tử Tây với sức mạnh kinh hoàng. Sợ nhà cửa không đứng vững, nhiều gia đình phải gửi con em đến trường để cùng thầy Phú tránh bão trong thư viện. Ở trong cảnh gió rít đập cửa từng hồi, thầy trò cùng chèn cửa rồi ôm nhau chờ cơn thịnh nộ của thiên nhiên dịu lại. Bão tan, thầy Phú không cầm được nước mắt khi thấy đồ dùng học tập, sách vở, truyện tranh… của các em bị hư hại, vùi trong bùn đất.

Nhưng như vàng được thử lửa, khó khăn càng trui rèn nên bản lĩnh. Thầy trò không ai bảo ai, chia ra dọn dẹp và "cứu" sách vở cùng trang thiết bị, nhanh chóng trở lại với nhịp học tập thường ngày. Đó là minh chứng cho sức sinh tồn mãnh liệt của người dân Việt Nam, nhất là những con người lựa chọn vươn khơi, bám đảo để góp phần gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc thân yêu.

Thầy Phú không nói nhiều về cống hiến của bản thân. Vì anh tin, mỗi người Việt Nam đều mang trong tim tình yêu nguồn cội to lớn. Anh cũng rất hạnh phúc khi biết có nhiều bạn trẻ thay mình tiếp tục sự nghiệp trồng người ở nơi đảo xa.

Năm nay, tiếp nối nhiệm kỳ của thầy Phú, là chàng trai trẻ Bùi Tiến Anh (sinh năm 1998), đã được chọn ra đảo sau hai lần đăng ký xét tuyển. Hành trang Tiến Anh mang theo là trái tim rực cháy hoài bão cống hiến, cùng tình yêu dành cho nghề giáo.

Những ngày cận Tết Nguyên đán, người thầy trẻ lần đầu đón năm mới xa gia đình, phải tự tập tành lo toan đủ mọi thứ, từ chuẩn bị đồ ăn, dọn dẹp, trang hoàng trường học... Tiến Anh đùa: "Sau chuyến này về người ngạc nhiên nhất chắc chắn là bố mẹ của tôi!".

Thắp lại lửa nghề

Khác với Tiến Anh hay Hữu Phú, thầy Lưu Quốc Thịnh (sinh năm 1983) đến với xã đảo Đá Tây (Trường Sa, Khánh Hòa) với nhiều tâm tư hơn. Cách đây sáu tháng, thầy đang làm việc tại Trường tiểu học Vạn Giã 1, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ra trường và đi dạy từ năm 2005, sau gần 20 năm đứng lớp, bỗng thầy Thịnh tự thấy mình mất phương hướng. Thầy tự đặt ra nhiều câu hỏi: "Bản thân sẽ dừng chân mãi tại đây hay sao? Mục tiêu của mình là gì? Phấn đấu tiếp theo thế nào?". Sau hàng loạt những câu hỏi ấy, thầy lựa chọn giấu gia đình nộp đơn xét tuyển đi làm giáo viên tình nguyện nơi hải đảo. Mãi đến khi nhận được thư đồng ý, thầy mới thuyết phục vợ - người bạn đồng nghiệp, cũng là bạn học từ thời sinh viên. Dù lo lắng, chị vẫn ủng hộ anh tìm lại tâm huyết, thắp lại ngọn lửa với nghề.

Sau ba ngày rong ruổi trên tàu, thầy Thịnh mới thấy "hóa ra mình nhỏ bé đến vậy, hóa ra đất nước mình rộng lớn và đẹp đẽ đến thế". Và sau sáu tháng, những cô cậu học trò nơi xã đảo Đá Tây đã khiến thầy thay đổi. Không chỉ bận rộn lên lớp, thầy còn cố gắng gửi về đất liền những chiếc USB nhỏ, nhờ đồng nghiệp đất liền ghi lại những bài giảng ngoại ngữ, để các trò có thêm điều kiện học tập. Thầy bảo: "Mình dạy chuyên toán, nên sợ nói tiếng Anh không chuẩn!".

Được các quỹ học bổng hỗ trợ hai máy tính và một ti-vi, hai thầy lại lọ mọ dòng dây, nối dây, lắp được dàn máy vi tính cho các cháu học tin học cơ bản. Chiếc ti-vi, vốn là tiêu chuẩn của các thầy, cũng được lắp luôn trong phòng tiểu học, cho các cháu học tiếng Anh. Thế là Trường tiểu học xã đảo Đá Tây có thêm hai lớp: Tiếng Anh và Tin học.

Khi được hỏi về nỗi niềm xa vắng gia đình, thầy Thịnh nhẹ nhàng: "Khi muốn người ta sẽ tìm cách, còn nếu không muốn, người ta sẽ viện lý do". Tối nào cũng vậy, luôn có những cuộc điện thoại về nhà đều đặn. Với bạn nhỏ, thầy ân cần hỏi việc học, dành thời gian soạn giáo án ở nơi xa gửi về để học cùng con. Với bạn lớn đang bước vào tuổi dậy thì, thầy soạn hẳn một bảng câu hỏi về những điều cụ thể nhất, như: Một ngày con muốn dành ra bao nhiêu thời gian để học? Bao nhiêu để giải trí? Bao nhiêu cho hoạt động thể thao? Thầy hiểu tâm lý của con - một cậu bé đang muốn chứng minh mình là người lớn, nên cố gắng đồng hành cùng con. Thầy mong, từ đó, cậu bé sẽ hiểu rõ hơn về hành trình cống hiến cho Tổ quốc và tìm lại chính mình của cha.