Lửa nghề vẫn cháy

Với 27 vở diễn của 22 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cùng sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 trở thành sự kiện văn hóa ý nghĩa của những người làm nghề và người dân Long An, địa phương lần thứ hai liên tiếp đăng cai tổ chức. Và ghi nhận quý giá nhất là ngọn lửa khát khao đam mê nghệ thuật truyền thống vẫn rực cháy trong lòng các nghệ sĩ.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn viên Thu Mỹ (trái), đoàn nghệ thuật Cải lương Long An, trong vở "Bên dòng Long Khốt".
Diễn viên Thu Mỹ (trái), đoàn nghệ thuật Cải lương Long An, trong vở "Bên dòng Long Khốt".

Tín hiệu vui từ các nghệ sĩ trẻ

Theo nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan, điều dễ dàng nhận diện nhất ở tất cả các nghệ sĩ tham dự Liên hoan lần này là lửa nghề, tình yêu dành cho nghệ thuật cải lương và nỗi khát khao được thể hiện tài năng trước khán giả. Điều đó càng đáng trân trọng hơn trong điều kiện các loại hình nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật cải lương nói riêng đang ở trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. "Các đơn vị, nghệ sĩ, diễn viên đã vượt lên tất cả những khó khăn đến với liên hoan với ý nghĩ đây là ngày hội lớn của những người làm nghề, và đó cũng là nơi trao truyền nhanh nhất, hiệu quả nhất những kỹ năng sáng tạo đặc biệt về nghề nghiệp"- nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức chia sẻ. Ông cho biết thêm, sự tiếp nối thế hệ là một trong những điểm sáng của Liên hoan. Nhiều đơn vị nghệ thuật đã mạnh dạn đặt niềm tin vào lứa nghệ sĩ trẻ, giao cho họ những vai diễn "nặng đô" với sự hỗ trợ hết lòng của những nghệ sĩ dạn dày kinh nghiệm. Đặc biệt hơn, một số đơn vị đã rất táo bạo khi quyết định đưa toàn bộ lực lượng trẻ đảm nhận các vai diễn quan trọng. Đây có lẽ cũng là liên hoan có sự tham gia thi diễn của nhiều nghệ sĩ trẻ nhất từ trước đến nay. Đáng mừng là hầu hết các diễn viên trẻ được đào tạo chính quy, bài bản, có chất giọng và diễn xuất khá tốt, đáp ứng yêu cầu chuyển tải nhiều thông điệp sâu sắc tới khán giả đương đại.

Lần đầu đảm nhận vai đào chính trong Liên hoan Cải lương toàn quốc, diễn viên trẻ Thu Mỹ, đoàn nghệ thuật Cải lương Long An đã hoàn thành khá tốt vai diễn Đa Vi trong vở Bên dòng Long Khốt. Dù còn phải rèn luyện nhiều, nhưng với lối ca diễn mộc mạc, có cảm xúc, Thu Mỹ đã nhận được Huy chương vàng cá nhân. Đây được xem là động lực để diễn viên này tiếp tục phấn đấu, thể hiện nhiều vai diễn ấn tượng hơn trong tương lai. Diễn viên trẻ Băng Châu (Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai), lần đầu tham dự Liên hoan cải lương toàn quốc. Dù không đoạt huy chương, nhưng cô vẫn xem Liên hoan là một dấu mốc thành công đối với bản thân khi có điều kiện thể hiện tài năng, được học hỏi nhiều từ các nghệ sĩ đi trước, các diễn viên đến từ các đoàn bạn. Những bài học ấy sẽ giúp Băng Châu có thêm kinh nghiệm trong ca, diễn.

Những sắc màu hấp dẫn

Suốt hai tuần diễn ra Liên hoan, bà Nguyễn Thị Ba, phường 4, thành phố Tân An, tỉnh Long An dường như không bỏ sót một vở cải lương nào. Dù diễn sáng hay tối, bà cùng với một số người yêu thích cải lương trong khu phố đều phấn khởi đến Nhà hát cải lương Long An để thưởng thức những vở mới của các đơn vị tham gia Liên hoan. Bà Nguyễn Thị Ba cho biết: "Tôi thích cải lương từ nhỏ nên khi tỉnh nhà tổ chức Liên hoan cải lương toàn quốc là tôi đi xem liền. Tôi phải sắp xếp việc gia đình để có thể đi xem tất cả các vở tham gia liên hoan". Theo lời chia sẻ của bà, đi xem cải lương là thích rồi, nhưng điều bà thích nhất tại Liên hoan chính là được xem các đoàn phía bắc biểu diễn. Mỗi đơn vị dự thi đều mang đến màu sắc khác nhau khiến cho Liên hoan trở nên hấp dẫn hơn.

Không chỉ có khán giả ở trung tâm thành phố Tân An, nhiều khán giả từ các địa phương khác cũng tìm đến với liên hoan khi biết đoàn cải lương tỉnh nhà tham gia thi diễn. Điển hình như buổi thi của Nhà hát nghệ thuật tỉnh Đồng Nai với vở Sứ mệnh có khá đông khán giả từ Đồng Nai đến xem. Bà Trần Thị Mai, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho biết, bà và những người bạn đã thuê xe về Long An để ủng hộ vở diễn của đơn vị tỉnh nhà. Không chỉ thế, một số khán giả quê Đồng Nai đang sinh sống và làm việc tại Long An cũng tranh thủ sắp xếp công việc để đến xem các vở diễn của đoàn nghệ thuật quê mình. Điều này cho thấy tình yêu mãnh liệt của người dân dành cho môn nghệ thuật truyền thống cải lương.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho hay, rút kinh nghiệm từ lần đăng cai năm 2018, tại Liên hoan lần này, tỉnh Long An đã tổ chức tuyên truyền về liên hoan sớm hơn, sâu rộng hơn để nhiều người dân, cán bộ công chức, học sinh, sinh viên yêu thích môn nghệ thuật cải lương đến xem. "Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, khán giả đến xem các đơn vị dự thi trong suốt quá trình diễn ra liên hoan khá đông. Nhiều đêm diễn khán giả ngồi kín cả nhà hát, vỗ tay ủng hộ nghệ sĩ, diễn viên rất nhiệt tình"- bà Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.

Sau thời gian dài phải gián đoạn vì dịch Covid-19, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 là minh chứng sinh động cho thấy sự tiếp nối, kế thừa những giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc vẫn là dòng chảy mạnh mẽ, lan tỏa và phát triển.