Lỗ hổng quản lý “thực phẩm sạch” online

Chỉ cần một cú điện thoại hay một tin nhắn, người tiêu dùng dễ dàng có được thứ mình cần từ các trang bán thực phẩm sạch online. Kèm theo đó là những cam kết chắc nịch về “độ sạch” của sản phẩm như: “cây nhà lá vườn”, “tự làm”, “nông sản nhà trồng, không thuốc kích thích, không thuốc bảo vệ thực vật”. Nhưng, chất lượng của các sản phẩm đó không phải lúc nào cũng đúng như quảng cáo.
0:00 / 0:00
0:00
Quầy bán thịt sạch tại siêu thị. Ảnh: NAM ANH
Quầy bán thịt sạch tại siêu thị. Ảnh: NAM ANH

Chứng nhận “sạch từ vườn”

Vì làm việc theo giờ hành chính, cơ quan xa nhà, đi làm kết hợp đưa đón hai con đi học, chị Phạm Thị Ngân (quận Tây Hồ, Hà Nội) không có nhiều thời gian mua sắm, thực phẩm cho gia đình, chị toàn đặt mua online. Chỉ cần chọn đồ trên mạng, người bán sẽ giao tận nhà hoặc cơ quan. Chị thường đặt thực phẩm đã sơ chế, cả rau cũng được nhặt sẵn để tiết kiệm thời gian. Chị Ngân tin tuy giá có hơi cao so mua ngoài chợ nhưng thuận tiện và biết được nguồn gốc. Combo rau chị hay đặt cả tuần, các loại rau được chia nhỏ theo từng bữa ăn, được sơ chế qua và luôn được người bán bảo đảm rau “vườn nhà trồng”. Cho đến khi thấy một loại rau xuất hiện quá nhiều, mà trái mùa, chị thắc mắc thì được trả lời “vườn nhà… bác trồng”. Chị Ngân bắt đầu nghi ngờ về nguồn gốc, yêu cầu được xem các chứng chỉ an toàn thực phẩm, chứng nhận “hữu cơ” như quảng cáo thì người bán thoái thác… “Liệu họ có lấy rau từ chợ đầu mối, giá rẻ và không nguồn gốc, bán cho mình không?”, chị nghi ngại.

Thông tin về thực phẩm bẩn tràn lan khiến người tiêu dùng dè chừng với thực phẩm ngoài chợ, tạo cơ hội cho kinh doanh thực phẩm sạch lên ngôi, đặc biệt là hình thức kinh doanh online. Thực phẩm được quảng cáo là sạch, đã được sơ chế, được giao tận nơi…. trở thành lựa chọn của nhiều bà nội trợ. Tuy nhiên, khắt khe với thực phẩm chợ truyền thống bao nhiêu, chính họ lại dễ dãi đối với thực phẩm online bấy nhiêu. Chỉ cần vài lời quảng cáo, như rau được lấy từ quê, cà chua sạch vườn, lợn nuôi từ bã rượu…. người tiêu dùng sẵn sàng lùng mua mặc dù giá đắt gấp 2-4 lần thực phẩm chợ truyền thống. Tham khảo giá tại một số cửa hàng bán thực phẩm sạch, giá các loại rau củ được quảng cáo “hữu cơ” được trồng tại Bắc Hà cao hơn các loại rau tại chợ truyền thống từ 20 nghìn - 30 nghìn đồng. Cụ thể, cà rốt 60 nghìn đồng/kg (cao hơn 25 nghìn đồng); cà chua 50 nghìn đồng/kg (cao hơn 15 nghìn đồng), cải ngọt 55 nghìn đồng/kg (cao hơn 20 nghìn đồng), trứng gà ta 55 nghìn đồng/chục (cao hơn 20 nghìn đồng)… Đặc biệt các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm có sự chênh lệch khá cao, từ 40 nghìn - 100 nghìn đồng/kg. Giá cả tỷ lệ thuận với hình ảnh bắt mắt, tươi ngon nên nhiều người thường bỏ qua việc kiểm tra nguồn gốc.

Mua của người quen và mua khi đã biết rõ nguồn gốc là kinh nghiệm đi chợ online chị em mách nhau. Tham khảo thông tin từ chủ trang bán thực phẩm online được các chị em trong hội nhóm đánh giá cao thì thấy đa phần người tiêu dùng lựa chọn mua hàng theo cảm tính là chính. Chính vì vậy khi có những sự cố, hỏi đến giấy tờ kiểm nghiệm chất lượng, nguồn gốc thực phẩm, chứng nhận an toàn… lúc đó chủ cửa hàng mới đổ lỗi cho bên cung ứng thứ ba.

Không biết kêu ai

Lo lắng trước những thông tin về thực phẩm nhiễm độc, thuốc trừ sâu, chất bảo quản, chị Mai Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) phải tham gia nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để tìm mua thực phẩm sạch. Không ít lần sản phẩm nhận được không như hình ảnh quảng cáo, chị đành vứt bỏ, không dám sử dụng hoặc không mua hàng ở nhà đó nữa chứ cũng không biết phản ánh với ai.

Thống kê cho thấy, hầu hết các loại thực phẩm rao bán online theo kiểu nhà làm đều là tự phát nên thường không có giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm. Được biết hằng năm, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội vẫn có những cuộc thanh, kiểm tra thực tế một số địa chỉ kinh doanh thực phẩm sạch nhỏ lẻ trên địa bàn. Nhiều trường hợp không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, cũng như chất lượng hàng hóa chưa bảo đảm được tiêu chí sạch, an toàn thực phẩm bị phát hiện, bị xử phạt. Nhưng phạt xong đâu lại vào đó. Hàng hóa không nguồn gốc vẫn xuất hiện nhan nhản trên các trang bán hàng.

“Để tránh xảy ra những sự cố nguy hại sức khỏe cho người dân, thiết nghĩ, cần có cơ quan quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng tại các chợ thực phẩm online để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng”, ý kiến của chị Trang cũng là điều mà nhiều người tiêu dùng khác mong đợi.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đang được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng. Hiện, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang được đăng tải để lấy ý kiến hoàn thiện tại địa chỉ http://legal.moit.gov.vn/du-thao-van-ban/18.html.