Làng cổ và hai mệnh đề biện chứng

Câu chuyện những làng quê nông thôn đẹp như tranh với những kiến trúc truyền thống dần dần bị phá vỡ bởi những kiến trúc hiện đại đã không còn xa lạ. Trước áp lực của sự phát triển, những giá trị đặc sắc của làng quê cần được khảo cứu và có phương thức ứng xử thích hợp.

Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm (Hà Nội) có vị trí đặc biệt trong đời sống tín ngưỡng của người dân.
Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm (Hà Nội) có vị trí đặc biệt trong đời sống tín ngưỡng của người dân.

Giá trị đặc sắc, đã trường tồn và vẫn đang “sống”

Một ngôi làng cổ chứa đựng nhiều giá trị lịch sử - văn hóa, quy hoạch - môi sinh qua đó có thể “đọc” được một thái độ sống hài hòa giữa mỗi con người, mỗi gia đình với cả cộng đồng và thiên nhiên. Tính cộng đồng được củng cố bền chặt trong những phong tục, tập quán được duy trì ở làng từ đời này qua đời khác. Làng và văn hóa làng Việt truyền thống là một cấu trúc chặt chẽ về tổ chức. Cấu trúc xã hội ấy được phản chiếu qua mô hình tổ chức những không gian chung của ngôi làng, trong không gian từng khuôn viên, từng nếp nhà thôn quê.

Nhìn từ khía cạnh kiến trúc - quy hoạch có thể thấy “đồ án” quy hoạch không gian cư trú của nhiều ngôi làng cổ đến nay không những không hề cũ mà còn là điểm nhấn tham quan/tham khảo của nhiều du khách và nhà nghiên cứu. Có thể thấy điều đó ở quy hoạch huyện Kim Sơn (Ninh Bình) được Nguyễn Công Trứ thực hiện từ năm 1829 hoặc những ngôi làng cổ vài trăm năm tuổi điển hình ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng như Hành Thiện (Nam Định), Thổ Hà (Bắc Ninh) hay ở miền trung như làng Phước Tích (Thừa Thiên Huế),v.v.     

Một quần thể kiến trúc quy mô gia đình ở nông thôn mang đầy đủ nét truyền thống, rất phổ biến trong các làng châu thổ sông Hồng sẽ có đủ nhà ở - vườn - ao - chuồng như một tổ hợp sinh thái tuần hoàn - tái tạo tương đối khép kín. Qua đó, có thể nhận ra thông điệp của tiền nhân về một thái độ sống hòa đồng với thiên nhiên, tự sản xuất và tận dụng tối đa những sinh phẩm thiết yếu, tiêu thụ ít năng lượng và ít phát thải. Những điều đó cũng tương đồng với “cách sống xanh” đang được cổ vũ ở cấp toàn cầu trước những nguy cơ suy thoái môi trường.

Cầu nối cho phát triển

Tuy nhiên, mô hình làng truyền thống, đặc biệt là những giá trị cảnh quan, kiến trúc ở hầu hết các ngôi làng hiện đang chịu áp lực mạnh mẽ từ cuộc sống hiện đại và buộc phải biến đổi như một quy luật tất yếu. Đó là xu hướng phát triển “nông nghiệp công nghệ cao” dẫn tới những hệ lụy ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, mất an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ sinh thái bị tổn thương. Việc “cứng hóa” hệ thống giao thông, thủy lợi đã đem lại bộ mặt mới cho nhiều vùng nông thôn, thuận tiện hơn cho sản xuất và sinh hoạt, môi trường sạch sẽ hơn nhưng cũng có tác động không nhỏ đến cảnh quan tự nhiên, tính đa dạng và khả năng linh hoạt tự điều chỉnh của hệ sinh thái. Khai thác du lịch nông thôn thiếu kiểm soát, đồng thời sẽ làm gia tăng nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên. Tất cả những nguy cơ này đã hiện hữu và trong tương lai nếu không có định hướng và kiểm soát tốt có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường và cả hệ sinh thái nói chung. Những mảnh quá khứ đang vỡ vụn dần đặt ra yêu cầu chọn lọc để giữ gìn những giá trị tinh hoa như “của để dành” cho đời sau.

Làng cổ mang nhiều giá trị di sản văn hóa nhưng đó là những di sản “sống”. Những di sản từ quá khứ của làng thời nay  vẫn đang vận động để phát triển. Làng và kiến trúc làng có thể phát triển lành mạnh nếu lấy di sản ấy làm cầu nối giữa quá khứ hiện tại và tương lai. Điều quan trọng hơn là phải khơi tìm những đường hướng để những ngôi làng “già nua” nhưng chứa đầy giá trị văn hóa nhân văn đó vừa kế thừa và vừa phát triển tiếp nối một cách tự nhiên. Những giá trị cảnh quan và kiến trúc, nếp sống gia đình, dòng họ và văn hóa cộng đồng, những giá trị tinh thần gắn chặt với những không gian công cộng của làng “cây đa, bến nước, sân đình”, đền, miếu, lễ hội... cần được coi như những tài nguyên văn hóa. Nếu biết giữ gìn và phát huy, những tài nguyên văn hóa này vẫn có thể cùng góp phần sinh lợi trong cuộc sống đương đại.

Bảo tồn và phát huy giá trị là hai mệnh đề luôn được nhắc đến khi nói về di sản. Hai mệnh đề này có liên hệ biện chứng - bảo tồn để (còn có cái mà) phát huy và phát huy tốt sẽ giúp bảo tồn tốt hơn. Với một di sản “sống” như làng, chủ thể của việc bảo tồn và phát huy giá trị chính là cộng đồng sở hữu di sản. Khi cộng đồng nhận thức được, tự hào khẳng định những giá trị của mình cần gìn giữ thì di sản sẽ được bảo vệ tốt nhất. Và cũng cần lưu ý rằng không chỉ những di sản kiến trúc đơn lẻ mà cả tổng thể quy hoạch, cảnh quan của làng cũng là di sản cần gìn giữ.