PV: Đây chính là một xưởng sửa chữa đầu máy toa xe của Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Các công nhân vẫn đang làm việc, ồn ã và náo nhiệt. Sao anh lại chọn trưng bày tác phẩm của mình trong không gian khác với thông thường như thế này?
Họa sỹ Trịnh Minh Tiến: Phải nói là tôi đã rất may mắn khi được xếp một mặt tại phân xưởng sản xuất trong thời gian triển lãm. Cũng phải “năn nỉ” đấy vì đây là một trong những xưởng hoạt động chính và nhà máy đã rất tạo điều kiện ngay trong thời gian bận rộn các công việc cuối năm. Tôi được bày tác phẩm trong không gian đặc biệt, vừa động, vừa có bề dày lịch sử, lại có các câu chuyện liên quan... Nhà máy xe lửa Gia Lâm hơn một trăm năm tuổi, nhắc đến tên đã gợi lên rất nhiều cảm xúc về một biểu tượng của đường sắt Việt Nam cũng như nền công nghiệp Hà Nội. Việc của nghệ sĩ chỉ còn là khai thác bối cảnh sẵn có, kết nối quá khứ với hiện tại, không để không gian chế ngự và cũng không biến không gian này thành một gallery sạch sẽ đẹp đẽ. Có cái may nữa là tác phẩm của tôi cũng mang tinh thần công nghiệp, trên đồ vật chất liệu có sẵn là nắp ca-pô xe ô-tô, vừa đương đại vừa kể được những câu chuyện có dấn ấn lịch sử.
Trịnh Minh Tiến và tác phẩm được giải nhất UOB Painting of the Year 2023 |
Tại sao anh lại chọn nắp ca-pô làm chất liệu cho tác phẩm của mình
Đó cũng là cái duyên, tôi đã đi một tiến trình từ cực thực và trong chặng đường tìm hiểu về hiện thực chung quanh tôi đã phát hiện vẻ đẹp của những hình ảnh được phản chiếu trên nắp ca-pô, chúng biến đổi sinh động trên nền nước mưa. Tôi cũng học được kỹ thuật phun sơn ô-tô từ các nhóm chơi xe và rất thích hiệu ứng của súng phun sơn. Những hiệu ứng mà súng mang lại đến bút có khi cũng không thể hiện hết được, nó giúp tôi vừa vẽ vừa làm không gian vừa đặt chi tiết, phát triển không gian giữa hình và nền thuận lợi, đến đâu xong đến đấy, nhiều trong một ngày một lúc... Có thể từ chính những hiệu ứng như thế này, cộng với thông điệp mà tôi hướng tới là sự hiện diện của những di sản trong đời sống của đô thị hiện đại, nên các giám khảo của cuộc thi UOB đã chấm tôi chăng?
Tác phẩm được giải nhất cuộc thi UOB Painting of the Year của anh cũng mang tên Thủy phủ, cũng được thể hiện trên nắp ca-pô ô-tô. Đã có những thành công nhất định, vậy anh sẽ còn khai thác chất liệu này dài dài chứ?
Cũng chưa biết được. Có thể tôi sẽ thành một nghệ sĩ hoạt động đa năng hơn. Hiện tại tôi vẫn thiên về điêu khắc ý niệm nhưng biết đâu sau này tôi lại làm 3D, visual, AI... Nghệ sĩ, nhất là với những người trẻ bây giờ không còn cục bộ trong hội họa giá vẽ nữa mà có nhiều lựa chọn hơn, nhiều cả phương tiện, công cụ để thể hiện lựa chọn của mình.
Ngoài trị giá tiền mặt 500 triệu đồng, giải thưởng UOB Painting of the Year của anh còn được nhà tổ chức kết nối, giao lưu với các nghệ sĩ trẻ khu vực ASEAN và Nhật Bản. Anh thấy trong khu vực Đông Nam Á, các nghệ sĩ tạo hình của ta đang đứng ở đâu?
Một góc không gian triển lãm Thủy phủ đang được hoàn thiện tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm |
Nghệ sĩ mình dường như chưa mấy quan tâm đến bên ngoài. Nếu chúng ta để mắt nhiều hơn đến thế giới, xem bên ngoài người ta đang làm ra sao, hoạt động thế nào thì biết đâu nghệ thuật của chúng ta đã khác nhiều. Nhiều nghệ sĩ, nhất là những họa sĩ giá vẽ đang bận chăm sóc khách hàng, quan tâm đến khách hàng để bán tranh, tính toán những điều thực tế, khá hài lòng với những gì đang có, coi vẽ cũng là một nghề để kiếm sống, giàu có thì chưa hẳn nhưng sống tốt; trong khi đó bên ngoài đã là một thế giới rất mở, các nghệ sĩ nước ngoài kể được các câu chuyện riêng biệt, có được tiếng nói cá nhân rõ ràng. Thực tế thì vẫn có những nghệ sĩ chịu khó thử nghiệm, kết nối với bên ngoài, họ biết mình cần nỗ lực nhiều hơn, phá bỏ nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn.
Nhưng các nghệ sĩ đương thời, như anh nói, có vẻ đang có khuynh hướng cộng đồng, chiều chuộng số đông nhiều hơn?
Nghệ sĩ như một cái máy nhào, có thể cuốn vào mình mọi thứ rồi nhào nặn, xay giã... Nhưng dầu gì, nghệ sĩ cũng là con người, con người thì luôn chịu sự tác động của xã hội, cũng chịu sự phản chiếu của xã hội. Khuynh hướng cộng đồng có thể là con dao hai lưỡi, nếu bị chi phối dẫn dắt quá, hướng ngoại quá sẽ giống showbiz. Lúc đó nghệ sĩ có thể rất giỏi, rất thành công nhưng khó mà làm nghệ thuật được nữa, Quá thông minh thì dễ thành công ở hướng khác, chứ khó làm nghệ thuật. Nghệ thuật khó khăn hơn, vô hình hơn, không có một đáp số cụ thể nào. Nó như một cái nghiệp, vướng vào là đau đớn, không hề sung sướng, phải dốc hết tinh thần sức lực. Với tôi nghệ thuật như một cách thức khai sáng bản thân, khai mở nhận thứ. Làm nghệ thuật, tôi như thấy được khai mở.
Một góc không gian triển lãm Thủy phủ đang được hoàn thiện tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm |
Thế nhưng trước đây, anh cùng nhiều đồng nghiệp của mình đã thực hiện nhiều sự kiện nghệ thuật, giống như kiểu các hội chợ để giới thiệu tác phẩm tới công chúng, kết nối nghệ sĩ với các nhà sưu tầm?
Đúng vậy, những sự kiện này diễn ra cách đây gần chục năm, khi mối liên hệ giữa tác phẩm và công chúng vẫn còn khoảng cách, đời sống nghệ thuật hơi bị phụ thuộc vào đối tượng khách hàng quốc tế, đầu ra hơi bị tiêu cực. Vài năm gần đây, thị trường bùng nổ hơn, các nghệ sĩ có nhiều không gian trưng bày tác phẩm hơn, nghệ sĩ và công chúng đã tự tìm đến nhau mua bán trao đổi. Gallery mọc lên như nấm, triển lãm diễn ra hàng ngày. Đây là những tín hiệu tích cực để cộng đồng cởi mở gắn kết. Tất nhiên cứ tự phát thế này thì thị trường nghệ thuật cũng không đi xa được vì rốt cục vẫn cần đến sự chuyên nghiệp: từ hệ thống gallery chuyên nghiệp, đến hệ thống các giám tuyển (curator) chuyên nghiệp, từ các nhà đấu giá chuyên nghiệp đến các nhà phê bình chuyên nghiệp. Giờ phê bình nghệ thuật cũng còn mấy ai đâu, toàn nghệ sĩ viết cho nhau. Khi mà những Thái Bá Vân, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng người thì đã mất, người thì tập trung sáng tác người lại chuyên sâu nghiên cứu... thì phê bình nghệ thuật đang thật sự thiếu vắng.
Vậy nghệ sĩ sẽ bằng cách nào để hiểu được bản thân mình và tác phẩm của mình?
Làm nghệ thuật không thể nói dối, anh có thế nào tác phẩm sẽ phản chiếu đúng bản chất mà có khi anh cũng không biết, hoặc chưa nhận ra. Nghệ sĩ thường làm việc cá nhân, thiên về khuynh hướng cá nhân nhưng tác phẩm thì cần phải có tác động tích cực tới xã hội, lan tỏa được các nguồn năng lượng tích cực. Tôi quan niệm vẽ là một quá trình vô thức và khi kết thúc, khi tác phẩm đã hoàn thành và công bố thì nó đã nằm ngoài nghệ sĩ. Mọi khen chê, bình phẩm, đánh giá rất tốt cho nghệ sĩ nhìn lại mình để đi tiếp, nhưng dù gì, người nghệ sĩ - tác giả lúc đó cũng chỉ như một khán giả - khán giả đầu tiên đối diện với tác phẩm của chính mình...
Trân trọng cảm ơn họa sỹ.