Làm gì để giảm thiểu thiệt hại?

Hiện tượng thời tiết cực đoan không còn bất ngờ với người dân Việt Nam, nhất là ở miền trung và miền bắc. Tuy nhiên, những tổn thất do thiên tai như đang ngày một gia tăng, khiến các cơ quan chức năng cũng như mỗi người dân đứng trước một câu hỏi lớn: Làm sao để có thể chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại?

Làm gì để giảm thiểu thiệt hại? ảnh 1

Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương:

Trước diễn biến thời tiết phức tạp, nhận thức rõ việc ảnh hưởng của thiên tai đến đời sống của nhân dân và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trong ngành Công thương, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương khắc phục các sự cố do mưa lũ vừa gây ra và chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của thiên tai. Đồng thời rà soát, bổ sung để hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thích ứng với mưa, lũ cực đoan, bão mạnh và siêu bão theo Chỉ thị số 30/CT-BCT ngày 17-11-2014 của Bộ Công thương. Đặc biệt Bộ chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát thiết kế, quy hoạch các bãi thải, đường sá, thiết bị xem xét đã phù hợp với các điều kiện cực đoan của khí hậu; tính toán kiểm tra mức độ an toàn, độ chịu tải của các bãi thải và xây dựng các giải pháp khắc phục. Phối hợp với chính quyền địa phương rà soát quy hoạch khu dân cư, đề xuất phương án di dời các hộ dân về các khu tái định cư bảo đảm an toàn. Không để các hộ dân sống ở khu vực chân bãi thải, gần kênh thoát nước. Xây dựng phương án trồng cây xanh, phục hồi môi trường tại các bãi thải.

Làm gì để giảm thiểu thiệt hại? ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Gia, chuyên viên tổ chức phi Chính phủ về phòng, chống đói nghèo ActionAid Việt Nam:

Nhiều năm làm công tác cứu trợ khẩn cấp và phòng, chống thiên tai, tôi nhận ra một điều: Dân ta rất sợ nói đến thiên tai. Ai cũng ngại đề cập đến rủi ro vì sợ nó "vận vào mình", thế nên không muốn nghe những lời cảnh báo, ngay cả khi chính quyền gọi loa, nói phải sơ tán khẩn cấp thì vẫn tự nhủ: "Chắc nhà mình không sao!". Ít ai muốn chuẩn bị trước và khi thiên tai đổ xuống thì đã quá muộn. Vậy phải làm gì để chuẩn bị phòng chống, hay đúng hơn là tránh thiên tai? Trước hết, hãy nhìn lại xem nhà mình có nằm trong vùng rủi ro (lũ quét, sạt lở đất, cây đổ, đá lăn...) không? Đường làng mình lên nương rẫy, đi học, đi chợ... có nguy cơ gì không? Nếu có thì sẽ tránh thế nào? Hãy luôn quan sát (trời, mây, mưa, dông, sông, suối, lũ...) và xác định trước nơi nào an toàn để trú ẩn khi có hiện tượng thiên tai. Hãy trang bị những kỹ năng tự bảo vệ: Không cần bơi giỏi, nhưng phải biết tránh con nước dữ. Biết kêu cứu khi bị nguy hiểm, hoặc thấy người khác gặp nguy hiểm. Và cuối cùng: Đoàn kết cùng cộng đồng sẽ giảm thiểu rủi ro.

Làm gì để giảm thiểu thiệt hại? ảnh 3

Tiến sĩ Xã hội học Đỗ Thị Vân Anh, Đại học Công đoàn Việt Nam:

Việt Nam chưa phải là nơi chịu những thảm họa khốc liệt nhất so với thế giới. Tuy nhiên, với một đất nước đang phát triển, chúng cũng gây ra những tổn thất khá nặng nề. Số người chết vì thiên tai bất thường cũng gia tăng. Điều này cho thấy một số vấn đề: Quy hoạch đô thị còn yếu kém. Mật độ xây dựng dày đặc nhưng kém chất lượng. Hệ thống thoát nước kém nên tạo ra môi trường sống nguy hiểm. Hệ thống cảnh báo của trung tâm khí tượng thủy văn chưa hiện đại, nên việc thông báo tình hình thời tiết bất thường không kịp thời và chính xác. Chưa quan tâm tuyên truyền mạnh những kỹ năng, kinh nghiệm phòng, chống thiên tai cho người dân. Những thiếu khuyết trên đây cần sớm được khắc phục.

Làm gì để giảm thiểu thiệt hại? ảnh 4

Ông Hoàng Duy Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lào Cai:

Bài học kinh nghiệm chúng tôi rút ra trong công tác phòng tránh thiên tai là: Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, dự báo tình hình mưa lũ, để người dân nắm được và biết cách phòng tránh; đồng thời các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị mình, địa phương mình, đặc biệt là phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy - lực lượng - hậu cần -phương tiện tại chỗ). Công tác tuyên truyền rất quan trọng, nếu mỗi người dân biết cách phòng tránh và có ý thức tốt về phòng tránh thiên tai tự bảo vệ mình thì sẽ tránh thiệt hại về người ít nhất.

Làm gì để giảm thiểu thiệt hại? ảnh 5

Ông Vũ Anh Tuấn - Trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn ngắn - Trung tâm Dự báo - Khí tượng thủy văn Trung ương:

Kiến thức về khí tượng thủy văn phải được thấu hiểu đến từng người dân, nhất là phải phổ biến đến từng học sinh - những con người sau này sẽ là tài nguyên của đất nước. Từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng. Điều này là tối quan trọng. Vì khi cộng đồng nhận thức được về các hiện tượng thiên tai thì mức độ phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại sẽ tăng lên rất nhiều.

Làm gì để giảm thiểu thiệt hại? ảnh 6

GS, TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương:

Hiện nay chúng tôi đã có những biện pháp sẵn sàng ứng phó với vấn đề thiên tai bất thường như đang xảy ra ở Quảng Ninh và một số tỉnh miền núi. Chúng tôi luôn dự trữ một cơ số thuốc cần thiết như: thuốc khử trùng, thuốc phòng chống dịch, hóa chất sát trùng, thuốc lọc nước,... để kịp thời cung cấp cho các vùng bị ô nhiễm. Cùng đó, chúng tôi cũng phối hợp các đồng nghiệp, các trung tâm y tế ở tuyến tỉnh, huyện để giúp đỡ bà con khi cần thiết.

Trong trường hợp mưa lũ bất thường, hay nắng nóng dài ngày, chúng tôi sẽ chuẩn bị những hóa chất để có thể giúp bà con lọc nước nhanh chóng, phòng, chống các dịch bệnh thường gặp, nhất là dịch tiêu chảy.

Làm gì để giảm thiểu thiệt hại? ảnh 7

Ông Lê Văn Dương, Điều phối viên Quốc gia về Cứu trợ và giảm nhẹ thiên tai thuộc tổ chức World Vision tại Việt Nam:

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ diễn ra không theo quy luật, không theo một địa phận hành chính nhất định. Bởi vậy, mỗi người dân cần được tham gia vào việc nhận biết các loại rủi ro, lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động phòng, chống thiên tai tại địa phương. Đây là một nội dung quan trọng mà Chính phủ Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ đang cố gắng thúc đẩy thông qua việc thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13-7-2009).