Lạc bước cõi thiền “Địa Tạng phi lai tự”

Về với Địa Tạng phi lai tự là về với cõi thiền tự, tĩnh lặng và an nhiên. Nơi đây, nét đẹp cổ kính, trầm mặc hòa quyện cùng cảnh sắc thiên nhiên chan chứa hữu tình.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh chùa Địa Tạng phi lai. Nguồn | Báo ảnh Việt Nam
Toàn cảnh chùa Địa Tạng phi lai. Nguồn | Báo ảnh Việt Nam

Không gian thiền định trầm mặc

Đông đúc mà không ồn ã, xô bồ. Dập dìu Phật tử, du khách nhưng không gian vẫn êm đềm, tĩnh tại. Về với ngôi chùa đang là điểm đến tâm linh thu hút bậc nhất của tỉnh Hà Nam, bước chân ai cũng đột nhiên chậm lại, lời nói ai cũng bất giác nhẹ nhàng, hành xử ai cũng trở nên từ tốn, khoan thai. Bởi thế, tuy lượng khách thập phương đổ về vãn cảnh, chiêm bái dịp lễ lạt, cuối tuần khá đông nhưng trong khuôn viên chùa vẫn tràn ngập tiếng lanh canh reo vui của dãy chuông gió treo dọc những mái già lam, như bản hòa ca của chư thiên, trời đất và lòng người an lạc.

Những chiếc chuông gió cùng những khoảng vườn trải sỏi trắng đã trở thành điểm nhấn và cũng là đặc trưng của Địa Tạng phi lai tự. Bởi thế, với nhiều người, chỉ cần nhìn thấy 12 vòng tròn tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người được vẽ trên nền sỏi trắng ngay trước khu Tổ đường, nhìn thấy những vườn thiền phủ sỏi trắng thanh tịnh hay xanh mướt cỏ mịn trên những tấm hình ngập tràn mạng xã hội là đủ biết bối cảnh chụp ở đâu rồi.

Lặng lẽ men theo con đường đá đen nổi bật trên nền sỏi trắng tinh khiết, khách hành hương nghiêm cẩn chắp tay bước vào các công trình thờ tự với kiến trúc trầm mặc, đẹp tinh tế như tòa Tam Bảo, nhà thờ Tổ, tháp Đại Bi, điện Đức Thánh... và thành kính dâng lên Phật Bà Quan Thế Âm, đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, hai vị Hộ Pháp Kim Cang cùng 42 vị sư tổ từng trụ trì trong suốt nghìn năm lịch sử thăng trầm của ngôi chùa những lời nguyện cầu thân tâm an lạc.

Sắc màu kiến trúc Zen xuyên suốt mang lại vẻ đẹp vô cùng tinh tế, thống nhất cho cảnh quan tổng thể của ngôi chùa. Là phong cách kiến trúc hiện thực hóa tinh thần Phật giáo có nguồn gốc từ Nhật Bản, Zen luôn mang lại một không gian yên bình, nơi mọi người tìm thấy sự an yên trong tâm thức khi được trọn vẹn hòa mình vào thế giới thiên nhiên. Zen, trong tiếng Nhật có nghĩa là Thiền. Thiền ở kiến trúc Zen bộc lộ rõ nét trong sự cân bằng và hài hòa giữa mọi yếu tố cấu thành và gắn liền với phong cách tối giản cùng sự tinh khiết. Khi nhịp sống đương đại ngày một gấp gáp, xô bồ, bức bối thì kiến trúc Zen giúp tâm hồn con người tìm thấy sự tĩnh tâm, an trú.

Lạc bước cõi thiền “Địa Tạng phi lai tự” ảnh 1

Nghê-linh vật thuần Việt trong khuôn viên chùa

Với mầu sắc chủ đạo nâu - vàng - trắng, chùa thành hình từ những nguyên liệu thiên nhiên gần gũi như gỗ, tre, trúc, ngói ta, đất nung, gốm, sứ... Gạch in hình hoa sen hay họa tiết hình rồng, ngói mũi hài, tượng chim thần Garuda hay bia đá khắc hình công phượng là những cổ vật từng trang điểm cho ngôi chùa cổ tên Đùng cả nghìn năm về trước. Cùng với linh vật nghê, lá đề thời Lý và những bức tượng Phật mang phong cách tạo hình của tiền nhân, các mẫu phiên bản cổ vật kể trên đều được hiện diện và trở thành những điểm nhấn trang trí giúp làm nên sắc màu dân tộc truyền thống cho quần thể tâm linh này.

Chốn tiên cảnh bồng lai nơi hạ giới

Chùa Địa Tạng phi lai thuộc thôn Ninh Trung, xã Liên Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách thủ đô Hà Nội khoảng 70 km. Ngôi cổ tự có tên gốc là chùa Đùng được xây dựng từ thời Lý- Trần, vào khoảng từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, theo một phân tích chuyên sâu của GS sử học Lê Văn Lan. Cũng theo ông, chùa nằm trên địa danh từng được nhắc tới trong cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi với tên gọi Đọi Sơn hoặc Điệp Sơn, nơi phên dậu phía Nam của kinh thành Thăng Long nhờ địa thế rất lạ, đột khởi lên một dãy núi trùng điệp ngay giữa đồng bằng. Như một chiếc ngai có điểm tựa vững chãi là dãy núi luôn rì rào tiếng thông reo phía sau, ngôi chùa lớn từng có quy mô cả trăm gian được đặt ở vị trí địa lý phong thủy đắc địa “tả thanh long, hữu bạch hổ”.

Sau nhiều năm rơi vào tình trạng hoang phế, các hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng, chùa Đùng được hồi sinh từ cuối năm 2015. Đức Địa Tạng Vương từng có đại nguyện, “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ Đề” nghĩa là nếu chưa độ hết chúng sinh thì Ngài không chứng quả Bồ Đề, nếu sự thọ khổ trong địa ngục vẫn còn, Ngài thề không thành Phật.

Bởi thế, ngài được Phật tử khắp nơi coi là đấng cứu rỗi của lòng từ bi bao la, người tìm cách cứu chúng sinh bị mắc kẹt trong cõi trầm luân bể khổ. Và chùa Đùng ngày trước được mang tên mới Địa Tạng phi lai, nghĩa là nơi nào đức Địa Tạng Vương Bồ Tát không quay lại, nơi đó sẽ hóa đất Phật.

Lạc bước cõi thiền “Địa Tạng phi lai tự” ảnh 2

Pho tượng Phật với tạo hình độc đáo.

Nhờ tâm nguyện, sức tài của Đại đức Thích Minh Quang cùng đông đảo Phật tử, chốn tiên cảnh bồng lai đã thành hình. Không dừng lại là một không gian thờ tự trang nghiêm, quần thể này còn trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn với mọi đối tượng du khách xa gần. Sau khi chiêm bái và dâng hương, khách thoải mái nghỉ ngơi, chuyện trò, đọc sách hay thiền định, tĩnh tâm trong những vườn thiền tuyệt đẹp được phân bố rải rác khắp nơi. Không gian thưởng trà với những bộ bàn đá yên bình giữa sắc xanh cây lá, trong những chiếc lều tranh tre nứa lá đẹp thanh tịnh. Xen cài giữa những công trình đơn lẻ là vườn hoa, vườn trái cây, vườn thảo dược bên vườn rau, nhà trồng nấm...

Những pho tượng Phật tuyệt đẹp xuất hiện rải rác trên khắp lộ trình cũng là điểm nhấn thu hút những người yêu mỹ thuật. Tạo hình có sự giao thoa, cộng hưởng của nhiều phong cách Ấn Độ, Chiêm Thành, Chân Lạp, Đại Việt mang lại những xúc cảm thẩm mỹ độc đáo và thú vị cho người thưởng lãm. Tượng nép mình bên cỏ cây, tượng yên bình dưới tán thông, tượng trở thành một chi tiết giúp hoàn thiện chỉnh thể

Người yêu thiên nhiên có thể men theo những lối nhỏ quanh chùa để khám phá dãy núi phía sau. Men theo dòng suối, chui qua lòng hang, đu bám dây thừng trèo núi... là một số hoạt động mà du khách có thể trải nghiệm khi khám phá cảnh sắc núi rừng. Phải dành cả ngày trời cho hành trình chinh phục núi non, còn trèo thật nhanh từ chân núi lên tới đỉnh cao nhất, nơi lúc lỉu những vườn ổi, nhãn cũng mất chừng hai tiếng.

Với nét đẹp phối trộn hài hòa cảnh quan thiên nhiên cùng kiến trúc đặc sắc, chùa còn là điểm đến lý tưởng của những bạn trẻ mê chụp hình, khi chỉ cần giơ ống kính lên và bấm máy ở bất cứ góc độ nào cũng có thể có được những khuôn hình sống ảo đẹp lung linh. Không hàng quán nhộn nhịp bán mua, không dịch vụ sắp lễ viết sớ, không mời chào chèo kéo hương hoa vàng tiền, không bị làm phiền bởi những hoạt động thế tục xô bồ, bước vào cổng chùa ta như ngập trong bầu không khí an yên, nhẹ bẫng, thanh sạch và có tác dụng chữa lành.