Không thể chậm trễ

Để làm rõ hơn những vấn đề đang gây trở ngại cho câu chuyện xây dựng thương hiệu của nông sản Việt, Báo Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi ý kiến với TS Nguyễn Trí Ngọc  - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, người có nhiều tâm huyết và kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
TS Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
TS Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

- Xin ông cho biết, đâu là những yếu tố khiến công tác xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trong những năm qua còn ì ạch?

- Có nhiều nguyên nhân, có thể kể đến một số nguyên nhân chính như: Sản xuất nông nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, manh mún, năng lực phân phối thương mại còn yếu, chưa thúc đẩy được sự phát triển của các thương hiệu nông sản. Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu còn thiếu tập trung, chưa có sự tham gia chủ động của hệ thống doanh nghiệp dẫn đến hiệu quả của các hoạt động này chưa có sức lan tỏa và bền vững. Việt Nam thiếu chương trình tổng thể về xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản làm cơ sở để xác định rõ định hướng cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu quốc gia cần rõ ràng về định hướng, cụ thể về đối tượng áp dụng là thương hiệu sản phẩm chủ lực hay thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản địa phương, nhưng vai trò và trách nhiệm của các chủ thể, các cơ quan quản lý, các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng… chưa rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc xác định ai là chủ thể trong quản lý và thúc đẩy thương hiệu nông sản…

- Đã từng có không ít thương hiệu sản phẩm nông sản của Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm. Theo ông, vì sao?

- Câu chuyện về nước mắm Phú Quốc, cà-phê Trung Nguyên, hay gạo ST25… bị gian lận thương hiệu là những thí dụ điển hình, vẫn thường được các doanh nghiệp đề cập tới như những bài học về hậu quả của việc chưa nhận thức đầy đủ và lơ là trong bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Việt Nam thường chờ cho đến khi có thị trường xuất khẩu rồi mới đăng ký nhãn hiệu. Còn đối với các công ty nước ngoài thì quy trình này diễn ra theo chiều ngược lại. Thường ít nhất là sáu tháng đến một năm trước khi đưa hàng hóa vào thị trường Việt Nam hay bất kỳ một thị trường nào, họ đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu. Ở cấp trung ương, đến nay vẫn chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Sự phối hợp chưa chặt chẽ và liên tục giữa các bộ, ngành có liên quan.

Một khó khăn nữa đến từ việc chưa xác định được quyền lợi và nghĩa vụ rõ ràng của các thành viên tham gia sử dụng, khai thác thương hiệu tập thể đối với nông sản. Việc xác định tổ chức đứng tên chủ thể quản lý và khai thác thương hiệu tập thể đòi hỏi tổ chức đó phải đủ mạnh, có uy tín và phải nắm vững việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm mà mình làm ra; có kiến thức về thị trường, có kiến thức tổ chức, quản lý cũng như phải có hiểu biết về sở hữu trí tuệ và giá trị của tài sản trí tuệ. Ngoài ra, chi phí đăng ký bảo hộ tại nước ngoài khá lớn và những rào cản về pháp lý dẫn đến tình trạng chậm trễ trong đăng ký bảo hộ tại nước ngoài. Chính sự chậm trễ này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhãn hiệu hàng hóa hay chỉ dẫn địa lý nông sản Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký trước và khai thác.

- Vậy theo ông, đâu là những giải pháp cần thực hiện để công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản Việt đạt hiệu quả hơn?

- Trước hết, các doanh nghiệp cần có ý thức chủ động bảo vệ tài sản trí tuệ của mình ngay trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu. Việc chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu giúp sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp hạn chế nguy cơ bị xâm hại về nhãn hiệu trên thị trường, loại bỏ các chi phí cho việc theo đuổi tranh chấp liên quan đến việc xác định chủ sở hữu nhãn hiệu. Thứ hai, cơ quan chức năng Nhà nước cần hoàn thiện những quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho sản phẩm nông nghiệp đặc thù; nâng cao vai trò của quản lý nhà nước về kiểm soát sử dụng nhãn hiệu trên thị trường, điều đó giúp xây dựng môi trường phát triển thương hiệu quốc gia thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu. Thứ ba, xác định các sản phẩm có chất lượng, có giá trị kinh tế cao, có lợi thế trong phát triển sản xuất của từng địa phương để có chính sách ưu tiên, hỗ trợ sản xuất kịp thời. Các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tạo nên giá trị cốt lõi của mình thông qua xây dựng thương hiệu sản phẩm dựa trên chính chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp…

Thương hiệu không chỉ những là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp này với sản phẩm của doanh nghiệp khác, mà còn là tài sản vô hình rất có giá trị của doanh nghiệp, là uy tín và thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Sản phẩm có thương hiệu đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm được công nhận và ngược lại, muốn có thương hiệu sản phẩm thì chất lượng sản phẩm phải đạt yêu cầu. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu là biện pháp hữu hiệu và hướng đi không thể chậm trễ nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững các mặt hàng nông sản Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!