Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Không để thất thoát nguồn lực quốc gia

Ngay sau phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 20/5, một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm là công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, đồng thời tìm cách sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Năm 2023, nhìn chung, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nổi bật ở việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về tài chính, ngân sách; bội chi ngân sách nhà nước tiếp tục được kiểm soát. Nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện tiết kiệm triệt để, chống lãng phí được quán triệt và thực hiện từ khâu lập dự toán đến phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách.

Kết quả tiết kiệm theo Báo cáo của Chính phủ là 83.087 tỷ đồng, cao hơn so năm 2022 (đạt 53.887 tỷ đồng). Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp và chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiều dự án. Công tác quản lý nợ công, tái cơ cấu nợ công được thực hiện chặt chẽ và cơ bản đạt các mục tiêu đề ra, bảo đảm an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, báo cáo tóm tắt kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 của Chính phủ do Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vẫn cho thấy, cả bảy lĩnh vực quan trọng theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn diễn ra tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm, vẫn còn vi phạm, sai sót ở các mức độ khác nhau.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công chưa đầy đủ; còn nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm; còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí; việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nhất là tại các huyện, xã khu vực miền núi còn lãng phí do thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý.

Việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất tại một số địa phương còn chậm; công tác phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát nhu cầu; chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương chưa cao. Đáng chú ý, còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích lên tới 18.308/28.155 ha chưa được xử lý.

Trong khi đó, việc xử lý các dự án, cụm dự án theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, mới có phương án xử lý đối với 17/51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 11/13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 14/19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 501/880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Tính đến thời điểm này, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 cũng đã đi vào đời sống ngót mười năm. Tuy thế, những vấn đề vướng mắc, bất cập cần giải quyết vẫn thường tập trung ở các lĩnh vực: sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công; nhất là trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên...

Đã có không ít ý kiến cử tri khắp cả nước gửi đến Quốc hội kỳ này, bày tỏ mong mỏi, Quốc hội tăng cường giám sát, đôn đốc các cơ quan chức năng sớm có giải pháp quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên, nhất là về đất đai, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương.

Khi thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với chín nhiệm vụ trọng tâm và năm nhóm giải pháp năm 2024 được đề ra, đồng thời nhấn mạnh, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai khẩn trương một số nhiệm vụ cấp bách. Theo đó, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện hành; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định về tiêu chuẩn, chế độ, định mức.

Đặc biệt, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; phê duyệt phương án kinh doanh, liên kết kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tránh lãng phí, thất thoát và nguy cơ tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, tài sản công, lao động…

Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV lần này theo kế hoạch được chia làm hai đợt: đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6 và đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 28/6, họp tập trung tại Nhà Quốc hội, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.