Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Hướng tới bao quát các nguồn thu và phù hợp thông lệ quốc tế

Thuế giá trị gia tăng có phạm vi điều tiết rất rộng và “đánh vào” hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ. Do đó, việc sửa đổi quy định trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) cần bảo đảm giúp sản xuất, thương mại cùng phát triển và thống nhất theo đúng chiến lược thuế đã ban hành. Theo hướng này, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế giá trị gia tăng để bao quát được các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu đi đôi với phù hợp thông lệ quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Ảnh nguồn: Quochoi.vn
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Ảnh nguồn: Quochoi.vn

Cần có thời gian thực hiện phù hợp điều kiện tình hình thực tế

Tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) chiều 24/6, việc quy định áp thuế giá trị gia tăng phân bón là 0% hay 5%, hay không chịu thuế đã làm nóng nghị trường và được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận.

Đánh giá cao Ban soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định công phu, theo lộ trình cải cách thuế quốc gia, tuy nhiên đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung một số nhóm đối tượng chịu thuế như dự thảo luật.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tức là đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng theo hướng tiếp tục giảm thuế (giảm thuế 2% cho đến cuối năm 2024). Đồng thời, tiếp tục sẽ có những biện pháp để kích cầu tiêu dùng và sản xuất đến cuối năm 2025, khi đó mới bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng. Việc sửa đổi luật đưa mức chịu thuế lên 5% đối với một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất giúp các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này sẽ giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Thực tế, việc thiết kế hai chính sách này dễ gây xung đột chính sách khi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhưng lại đưa đối tượng mới chịu thuế, sẽ làm giảm chính sách tài khóa mở rộng chúng ta đang thực hiện.

Chính vì vậy, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, cần thiết kế chính sách theo lộ trình, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp phải tính toán lại chính sách thuế hợp lý, có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% như dự thảo luật để doanh nghiệp được khấu trừ thuế. Khi đó, sản phẩm lương thực, thực phẩm đầu ra không bị áp lực tăng giá mà vẫn thực thi chính sách tài khóa mở rộng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Ngoài ra, trong dự thảo luật chưa thiết kế lộ trình áp dụng như thế nào; hơn nữa, từ nay đến cuối năm 2025, cần tiếp tục thực hiện những chính sách tài khóa mở rộng, trong đó chính sách tài khóa còn dư địa rất nhiều. Do đó, cần thiết kế theo hướng giao Chính phủ đưa vào đối tượng chịu thuế đúng với lộ trình cải cách thuế nhưng cần có thời gian thực hiện phù hợp điều kiện tình hình thực tế.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) cũng góp ý về khoản 2, Điều 9 của dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) quy định mức thuế suất 5% áp dụng đối với 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ, trong đó có phân bón.

Hướng tới bao quát các nguồn thu và phù hợp thông lệ quốc tế ảnh 1
Nếu dự thảo luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu mức thuế suất 5% như dự kiến thì có thể sẽ gia tăng áp lực cho nông dân.

Đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị, Quốc hội nên xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%. Nếu luật vẫn giữ 5% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỷ đồng. Nếu dự thảo luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu mức thuế suất 5% như dự kiến thì tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất. Còn nếu dự thảo luật áp dụng thuế giá trị gia tăng 0% đối với mặt hàng phân bón thì khoảng 2.000 tỷ đồng thay vì được bổ sung vào nguồn thu ngân sách nhà nước thì sẽ hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và nông dân. Như vậy nông dân sẽ được giảm đáng kể chi phí đầu vào. Quốc hội và Chính phủ nên chọn cái được cho nông dân để thể hiện rõ các chính sách sẽ được luật hóa.

Cần lựa chọn giải pháp phù hợp

Tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) nêu rõ, việc đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp, giúp cho doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, qua đó giúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Thực tế, hầu hết các nước trên thế giới đều coi phân bón là đối tượng chịu thuế như: Nga, Trung Quốc, Thái Lan...

Cho rằng đây là dự án luật thuế liên quan đến 25% thu ngân sách, liên quan đến mọi đối tượng, khi phát biểu tại hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) chỉ ra, cần có một sắc thuế trung lập, khách quan để xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh. Việc Chính phủ đề xuất mức thuế 5% đối với mặt hàng phân bón và các mặt hàng nông nghiệp là có cơ sở. Đồng thời, lưu ý cần đánh giá chính sách nhiều chiều, hết sức bình tĩnh và phân tích thấu đáo, bởi người dân đang theo dõi và đánh giá Quốc hội, Chính phủ làm chính sách thế nào. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc giá phân bón tăng thời gian qua có phải do tăng thuế không? Hay còn do chi phí đầu vào, do vật tư…? Nếu tăng mức thuế mặt hàng này lên 5%, ảnh hưởng đến giá bán, vậy nên, cần phải đánh giá hết sức kỹ lưỡng. Nếu doanh nghiệp được khấu trừ 5% này thì họ được đầu tư mở rộng thêm. Giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với giá nhập khẩu, từ đó người dân được lợi chứ không phải bị thiệt.

Hướng tới bao quát các nguồn thu và phù hợp thông lệ quốc tế ảnh 2

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) phát biểu ý kiến tại hội trường.

Hơn nữa, để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thì cần nhiều phương án, chính sách khác nhau, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này. Tuy nhiên, không nên khấu trừ hoặc đưa về mức thuế suất 0%, bởi 0% chỉ áp dụng với hàng hóa xuất khẩu, không thể phá vỡ nguyên tắc của thế giới. Chúng ta cần lựa chọn một giải pháp phù hợp như: Chính phủ cần xây dựng các tiêu chí, xác định rõ xem mặt hàng nào là không chịu thuế, mặt hàng nào là 0%, mặt hàng nào là 10%...

Giá bán phân bón không chỉ chịu mỗi tác động từ thuế

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế giá trị gia tăng có phạm vi điều tiết rất rộng và đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ. Do đó, đây là luật khó và liên quan đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh.

Hướng tới bao quát các nguồn thu và phù hợp thông lệ quốc tế ảnh 3

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, giá bán phân bón còn chịu tác động của “cung - cầu” thị trường, chứ không phải chịu mỗi tác động từ thuế.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phân tích, theo chiến lược đến năm 2030 phải huy động vào ngân sách 16-17% GDP, trong đó thuế và phí là 14-15% GDP, tỷ lệ thu nội địa phải đạt được 86- 87%. Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, lắng nghe ý kiến và đánh giá lại tác động của từng gói chính sách và những vấn đề đang còn tranh luận để đến kỳ họp sau bảo đảm thống nhất khi ban hành. Đối với hàng hóa phân bón, có những quan điểm đưa vào nhóm hàng hóa không chịu thuế, lại có quan điểm áp thuế suất 5%. Thực tế, theo thống kê, sản lượng phân bón trong nước 73,3%, còn lại 26,7% nhập khẩu (tương ứng 4 triệu tấn/năm). Dự thảo đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế 5% giúp doanh nghiệp trong nước không bất bình đẳng với doanh nghiệp nhập khẩu và được hoàn thuế, để tạo nguồn lực cho doanh nghiệp có thể đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trước đây, mặt hàng phân bón từng được đưa vào diện chịu thuế, xong Quốc hội bỏ ra, nay lại đưa vào áp thuế, cơ quan soạn thảo sẽ phải đánh giá lại tác động để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay. Về số tiền hoàn thuế, Bộ trưởng nêu rõ, trên cơ sở đánh giá tác động lên giá bán phân bón và ảnh hưởng tới người dân, mỗi hộ nông dân chỉ phải trả thêm 461.000 đồng/năm, tương ứng mỗi tháng 38.000 đồng.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, giá bán phân bón còn chịu tác động của “cung - cầu” thị trường, chứ không phải chịu mỗi tác động từ thuế. Nguồn cung tăng lên thì giá bán phân bón hạ xuống và ngược lại. Vì vậy, việc sửa đổi quy định trong dự thảo cần bảo đảm sản xuất phát triển, thương mại phát triển và thống nhất theo đúng chiến lược thuế đã ban hành. Theo hướng này, ban soạn thảo nghiên cứu hết sức chặt chẽ và đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế giá trị gia tăng để bao quát được các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu và phù hợp thông lệ quốc tế.