Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Trăn trở nhiều vấn đề an sinh xã hội

Bước sang tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, rất nhiều vấn đề kinh tế-xã hội được các đại biểu thảo luận sôi nổi, cử tri cả nước quan tâm theo dõi.
0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: DUY LINH
Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: DUY LINH

ĐI sâu vào chương trình xây dựng luật, Quốc hội đã tập trung tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi); thảo luận về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023,… Trong đó, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tiếp tục được trình Quốc hội xem xét và nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 147 điều (tăng 1 chương và tăng 11 điều so dự thảo Luật do Chính phủ trình) cùng 15 điểm mới, cơ bản bám sát các chính sách được Quốc hội định hướng, thông qua ở các kỳ họp trước, như: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở các chính sách trên, trong số nhiều điểm mới của dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự quan tâm, thậm chí lo lắng, quan ngại xa hơn về vấn đề thực thi, đưa luật vào đời sống.

Trong Báo cáo tóm tắt các Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc thay thế "mức lương cơ sở" bằng "mức tham chiếu" chưa được dự liệu đầy đủ khi Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, đồng thời chỉ ra bốn điểm và đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá tác động, nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật. Theo đó, đáng chú ý là yêu cầu, quy định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW để hài hòa với khu vực Nhà nước sau cải cách tiền lương, bảo đảm mọi người lao động khi về già có mức lương hưu đủ sống, không thấp hơn mức sống tối thiểu.

Cùng đó, tại phiên thảo luận hội trường và bên hành lang Phòng Diên Hồng, trả lời phóng viên Nhân Dân cuối tuần, một số đại biểu Quốc hội còn ý kiến khác nhau về quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần (điểm đ khoản 1 Điều 74 và điểm đ khoản 1 Điều 107). Về vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án, song đến nay, ý kiến các đại biểu chưa thật sự nghiêng về phương án nào, một số đại biểu còn đề xuất chắt lọc hai phương án để tìm ra giải pháp hợp lý nhất, bảo đảm quyền lợi người lao động và phù hợp với thực tiễn lâu dài.

Song, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Tuy nhiên, Chính phủ cần sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

CHẾ độ ốm đau, thai sản, quy định về tuổi nghỉ hưu, về ngành nghề, lĩnh vực lao động nặng nhọc độc hại, vấn đề trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước.

Đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Luyến (Hưng Yên) nêu ý kiến cơ bản thống nhất cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để hoàn thiện dự thảo Luật, vị đại biểu này nhấn mạnh đến biện pháp xử lý vi phạm, cụ thể: "Để tăng thêm chế tài, nâng cao trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động, tôi đề xuất bổ sung thêm một khoản vào nội dung của Điều 40 dự thảo Luật - Biện pháp xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể như sau: Không được đấu thầu, thi công, mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị từ nguồn vốn của Nhà nước; không được các tổ chức tín dụng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; không được hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ đào tạo nghề, học nghề cho người lao động".

Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần và Điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến hàng triệu người đã, đang và sẽ hưởng lương hưu. Do đó, vấn đề này cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo trong bối cảnh cải cách tiền lương và cần đánh giá kỹ tác động đối với người hưởng lương hưu ở các thời điểm khác nhau, trong các khu vực, lĩnh vực khác nhau.

Nhằm nhanh chóng đồng bộ với tiến trình chuyển đổi số quốc gia, vấn đề giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội được quy định trong dự thảo Luật cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu và cử tri, nhất là các quy định trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc tổ chức đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế,...

Cử tri cả nước kỳ vọng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này sẽ sớm được cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh, tiếp thu tối đa các ý kiến, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 25/6 theo kế hoạch.