Khoảng cách mênh mông

Đội tuyển bơi và điền kinh Việt Nam vừa tham dự giải vô địch thế giới với những gương mặt xuất sắc nhất. Tuy nhiên, thành tích đạt được lại vô cùng khiêm tốn, nếu không muốn nói là thất bại. Vậy nhưng, nhiều vận động viên trong khu vực Đông Nam Á từng bị chủ nhà Việt Nam đánh bại ở kỳ SEA Games 31 lại thành công ở giải đấu này.
0:00 / 0:00
0:00
Quách Thị Lan đang hụt hơi so thành tích tốt nhất của cô tại kỳ Asiad 2018.
Quách Thị Lan đang hụt hơi so thành tích tốt nhất của cô tại kỳ Asiad 2018.

Những thất bại liên tiếp

Kết thúc môn bơi SEA Games 31, đội tuyển bơi Việt Nam giành 11 huy chương vàng, 11 huy chương bạc, ba huy chương đồng và phá bốn kỷ lục. Trong thành tích chung đáng khích lệ đó, các tuyển thủ Việt Nam đạt thông số bơi rất tốt, đạt chuẩn A và B của giải bơi thế giới 2022 diễn ra ở Hungary. Đáng chú ý, Nguyễn Huy Hoàng là một trong hai vận động viên Đông Nam Á tại SEA Games 31 có thành tích vượt chuẩn A giải bơi thế giới ở nội dung 400m tự do và 1.500m tự do nam.

Tuy nhiên, khi bước vào giải thế giới vừa qua, kình ngư quê Quảng Bình chỉ hoàn thành với thời gian 3 phút 54 giây 05, xếp hạng 26 trên tổng số 42 vận động viên dự thi nội dung 400m tự do. Thông số của Hoàng kém xa thành tích 3 phút 48 giây 06 giúp anh đoạt huy chương vàng SEA Games 31. Trong khi đó, thông số của anh ở nội dung 1.500 m tự do cũng kém thành tích đoạt huy chương vàng SEA Games 31 của chính anh tới gần 15 giây (15 phút 00 giây 75). Chung cuộc, Huy Hoàng xếp hạng 16/23, không lọt vào chung kết.

Ngoài Huy Hoàng, tám người khác của đội tuyển bơi đều không ai vượt qua vòng loại. Đặc biệt, ở nội dung tiếp sức 4x200m tự do nam, chính đội hình từng bất ngờ đánh bại cả đội bơi Singapore lại chỉ đạt thông số 7 phút 29 giây 74. Thành tích này kém xa thông số 7 phút 20 giây 31 của đội Singapore, ngay cả họ không có sự góp mặt của Schooling.

Ở môn điền kinh, Quách Thị Lan thi đấu nội dung 400m rào nữ tại giải điền kinh vô địch thế giới theo dạng đặc cách. Lan là chân chạy Đông Nam Á duy nhất tham dự nội dung này. Tuyển thủ sinh năm 1995 không thể tạo ra bất ngờ như ở Olympic Tokyo 2020 (vào bán kết) khi về thứ sáu trong số bảy vận động viên chạy vòng loại (người xếp cuối vốn bỏ cuộc).

Quách Thị Lan có thành tích 58 giây 84, thấp hơn so với thông số 56 giây 33 từng giúp cô đoạt Huy chương vàng SEA Games 31 trên sân Mỹ Đình. Đây cũng là thông số kém xa thành tích cá nhân tốt nhất của chính cô gái xứ Mường là 55 giây 30 từng giúp cô đoạt Huy chương vàng Asiad 2018 tại Indonesia bốn năm trước.

Thước đo nào cho ngành thể thao?

Một lãnh đạo Tổng cục Thể dục-Thể thao thừa nhận các vận động viên Việt Nam đã dồn hết sức lực vào SEA Games, cho nên việc thi đấu không tốt ở giải thế giới cũng là… bình thường. Huy Hoàng, Quách Thị Lan rõ ràng chọn điểm rơi ở SEA Games, vì thế việc dự giải thế giới chỉ mang tính cọ xát, không đặt mục tiêu về thành tích.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu thể thao Việt Nam "rơi rụng" khi ra đấu trường thế giới. Ở Olympic Tokyo 2020, chúng ta "trắng" huy chương, còn ở Asiad 2018 chỉ có một tấm huy chương vàng nhảy xa của Bùi Thị Thu Thảo. Sau đó, Quách Thị Lan được đôn lên huy chương vàng do chân chạy Nirmala Sheoran bị hủy bỏ thành tích vì dương tính với chất cấm. Trước khi tham dự hai sân chơi lớn trên, các vận động viên Việt Nam đều thi đấu ấn tượng ở SEA Games.

Nguyên Vụ trưởng Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh nhận định, thể thao Việt Nam không nên quá vui mừng với những gì đã làm tốt ở sân chơi SEA Games. Ở đây, chúng ta không phủ nhận các cá nhân chủ lực của bơi, điền kinh… đã có một kỳ SEA Games tỏa sáng với nhiều kỷ lục, nhưng thước đo chuẩn nhất vẫn phải là Asiad hay Olympic. Dù đạt chuẩn vượt qua vòng loại, tâm lý thi đấu cũng luôn là nguyên nhân ảnh hưởng tới thành tích của các vận động viên. Chúng ta thường bị "khớp" khi gặp những đối thủ mạnh.

Phó Tổng cục trưởng Thể dục-Thể thao Trần Đức Phấn chia sẻ, sau SEA Games 31, do Asiad 19 hoãn sang năm 2023 nên các kế hoạch chuẩn bị của thể thao Việt Nam buộc phải điều chỉnh lại. Hơn thế nữa, vận động viên Việt Nam khi ra đấu trường thế giới thua thiệt nhiều về thể hình, thể lực và chưa thể tiệm cận trình độ thế giới để có thể tranh chấp huy chương.

Ngành thể thao nhìn rõ điều này, nhưng rút ngắn được khoảng cách giữa các cá nhân trong nước với các vận động viên thế giới phụ thuộc quá nhiều yếu tố. Trong đó, vấn đề nan giải nhất là kinh phí để có nhiều chuyến tập huấn nước ngoài, thuê thầy ngoại, tham dự các giải đấu để nâng cao trình độ. Đây vẫn là câu chuyện muôn thuở và là trăn trở của thể thao Việt Nam. Và có một sự thật đáng buồn: chúng ta đang đi giật lùi về thành tích ở những sân chơi tầm cỡ.

Dẫu vậy, trước khi nghĩ tới việc tranh chấp huy chương ở tầm châu lục và thế giới, thể thao Việt Nam lại tất bật chuẩn bị bước vào chiến dịch bảo vệ ngôi đầu ở SEA Games, trong chưa đầy một năm nữa…