“Có tờ ấy, mình sẽ photocopy giúp các bạn. Còn tách khỏi cả bộ để bán lẻ thì không”, Phong trả lời sau 3 tuần lễ lục tìm bộ sưu tập. Nhưng phía kia vẫn khẩn thiết mua lại với mọi giá rồi bật mí: Đó là món quà đặc biệt để tặng nhân vật chính trong bài báo.
Đắn đo, “khổ chủ” tặc lưỡi đồng ý tặng, chứ nhất quyết không bán. Đến lượt người mua áy náy, ngại ngần. Rồi, cái kết đẹp diễn ra: Thay vì trả Phong 5-10 triệu như đề nghị, một bản in đặc biệt giống hệt tờ báo gốc được gia công và gửi tới anh, kèm món quà lưu niệm nhỏ.
Những chuyện như thế tưởng lạ, nhưng lại diễn ra khá thường xuyên với Tạ Thu Phong, người đang sở hữu khoảng 1 vạn cuốn sách cũ và 12 vạn tờ báo cũ ở Hà Nội.
Từ 1 vạn tờ báo Nhân Dân cũ
Hai ngôi nhà của Phong nằm ven sông Đuống, cách nhau vài trăm mét. Một để ở. Nguyên căn còn lại, anh dùng làm nơi lưu trữ bộ sưu tập của mình. Trong nhà, báo xếp ngồn ngộn. Mỗi lần tìm kiếm tư liệu, gia chủ phải bỏ ra ít nhất nửa tiếng để bốc-xếp-mở các chồng báo.
Sơ sơ, trong tay Phong có vài trăm đầu báo khác nhau, được soạn theo từng chủ điểm: báo ở giai đoạn khởi thủy trước 1930, báo tiền chiến, báo trước 1954 (ở cả chiến khu và trong thành), báo miền nam và miền bắc trước 1975. Rồi báo thời bao cấp, báo Xuân, báo theo các dòng sự kiện lớn như Đại hội Đảng hay cải cách ruộng đất.
Tất nhiên, dễ gây ấn tượng nhất ở đó là những tờ báo ra đời ngót nghét 80-100 năm trước như Nam Phong, Phong Hóa, Tri Tân, Khai hóa nhật báo, Thực nghiệp dân báo, Tràng An báo... Hoặc, bộ báo Tết anh cũng có khoảng 400 tờ - mà khá nhiều trong số đó là những tờ báo cũ, có bìa được vẽ tay bởi những danh họa như Lemur Cát Tường, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Văn Cao, Sỹ Ngọc.
Nhưng gia tài của anh không chỉ có vậy. Một lượng lớn báo còn lại là những bộ báo “cơ bản” như Văn nghệ, Hà Nội mới, Phụ nữ, Nhân Dân... Chúng được đóng theo năm và cơ bản có đủ các số từ những kỳ đầu tiên tới khoảng thập niên 1980.
Giới sưu tập báo cũ ở Hà Nội vốn không nhiều - và thường cũng chỉ chọn tìm theo những dòng đặc biệt như báo Xuân, báo cổ, báo thời tiền chiến. Phong thì khác. Anh không dừng ở hình thức cổ-độc-lạ mà lại đặc biệt hứng thú với lượng tư liệu mà mọi tờ báo cũ mang theo.
Thật ra, Phong cũng nhiều năm sưu tập sách cũ trước khi đến với báo. Thập niên 2000, nơi lui tới quen thuộc của anh là làng giấy Đống Cao (Bắc Ninh), thủ phủ thu gom giấy phế liệu của miền bắc. Một tối, nghe có lô sách báo cũ mới về, Phong hớt hải từ Hà Nội chạy lên. Anh mừng rơn khi bắt gặp chồng sách cũ in giữa thập niên 1950 của Nhà xuất bản Văn nghệ - để rồi lại ngây người: Chủ vựa nhất định chỉ bán nguyên lô giấy, trong đó có hơn 1 vạn tờ báo Nhân Dân được lưutừ những năm 1960 - cuối 1980.
“Họ bán cả lô theo cân, mỗi cân giá 35 ngàn. Tổng tiền cho mấy tấn giấy cũng vào khoảng một chiếc xe máy” - Phong nhớ lại - “Đắn đo mãi, tôi bấm bụng trả tiền rồi tìm xe tải chở về. Bạn bè tới xem, kêu trời”.
Trước đó, Phong cũng từng có lúc tìm mua những tờ Thiếu niên Tiền phong gắn với tuổi thơ mình. Nhưng phải tới khi trở thành chủ nhân bất đắc dĩ của 1 vạn tờ Nhân Dân, báo cũ mới dần “hớp hồn” anh. Hớp hồn, không chỉ bởi cảm giác hoài cổ từ những tờ giấy ố vàng với công nghệ in ấn cũ. Xa hơn, nhẩn nha lật giở những dòng thông tin theo thời gian, anh nhận ra đó là một kho tư liệu giá trị nếu được tập hợp, xâu chuỗi và tiếp cận lại từ những góc nhìn đa chiều.
“Ta thường coi báo chỉ là nguồn thông tin hằng ngày chứ không phải tri thức cần lưu giữ. Nhưng nó lại có thế mạnh riêng, với những thông tin rất chi tiết khó tìm thấy ở bất cứ cuốn sách nào” - Phong nói - “Biết gom lại, các hạt màu sẽ tạo ra từng bức tranh lớn...”.
Anh hào hứng thí dụ: Đọc các số Nhân Dân theo thời gian, độc giả có thể hiểu về sự thay đổi trong chính sách ruộng đất tại miền bắc hay đường lối đối ngoại của Việt Nam suốt lịch sử hiện đại. Tương tự, đọc một cách hệ thống các tờ báo từ thời Pháp thuộc tới bây giờ, ta sẽ biết về sự biến đổi của mỗi đô thị, hay trong ngôn ngữ quảng cáo hơn một thế kỷ qua...
Ân phẩm Nhân Dân Tết 1952 thuộc BST của ông Tạ Thu Phong - Ảnh: NVCC |
Phía sau một thú chơi
Ở tuổi 50, tính ra, Tạ Thu Phong cũng có ngót nghét 3 thập niên “săn lùng” những tờ báo cũ. Đó là một hành trình với sự kiên nhẫn đặc biệt, khi rất nhiều trong số đó được anh gom nhặt dần từ các hàng giấy vụn, tủ sách gia đình cần thanh lý - và cả giới sưu tập - theo một danh mục do mình lập ra.
Đơn cử, bị ám ảnh bởi lượng báoNhân Dân mua từ Đống Cao vẫn “khuyết” chục năm thuộc thập niên 1950 cộng cùng vài trăm số lẻ, Phong mất 10 năm tròn để tìm đủ. Trong đó, anh phải trả số tiền khá lớn để sở hữu các số báo in đầu tiên, sau khi ra mắt tại tại chiến khu Việt Bắc vào tháng 3/1951.
“Bao năm nay, tôi giữ một thói quen vô thức: Qua hàng giấy vụn đồng nát nào là lập tức liếc vào. Hoặc tới nhà bạn bè, thấy tờ báo lạ lót dưới bàn kính là ngừng uống nước, nhớn nhác ngó xem” - anh kể - “Còn nếu có duyên, gặp tờ báo mình cần đang được rao với mức giá trên trời, đó lại là một vụ đau đầu mới”.
Hỏi về một vụ “đau đầu” điển hình, Phong nhắc tới lần phải vay thêm tiền để mua trọn bộ tạp chí G.P, xuất bản giữa thập niên 1950 - ước mơ của nhiều nhà sưu tập. Thấy anh luẩn quẩn trong hiệu sách cũ, có người hỏi, rồi dẫn Phong về nhà để xem tận mắt. Hóa ra, chúng từng được chào bán vài nơi. Nhưng trước Phong, chưa người nào dám bỏ ra số tiền 60 triệu đồng cho trọn bộ 5 tờ tạp chí này.
Thực tế, so với các thú sưu tập tranh, đồ cổ hay gốm sứ, người sưu tập sách báo cũ như Tạ Thu Phong ít gặp cảnh phải bỏ ra vài trăm triệu trở lên cho một món hiện vật. Nhưng ngược lại, tích tiểu thành đại, kho báo mênh mông tính bằng tấn - với không ít loạt báo mà chủ nhân phải mua bằng số tiền ngang một chiếc xe máy - vẫn là một gia sản khổng lồ.
Hai ấn phẩm Nhân Dân Xuân Ất Tỵ 1965 và Xuân Đinh Tỵ 1977 thuộc BST của ông Tạ Thu Phong - Ảnh: NVCC |
Nghề luật sư giúp Phong có thu nhập ổn định. Nhưng như lời kể, cũng không ít lần anh toát mồ hôi rồi bần thần khi nhẩm lại số tiền mình đã chất lên giá sách. “Thậm chí, những lúc công việc khó khăn, tôi tự hỏi: Nếu tất cả đống sách báo cũ đều hóa thành tiền nguyên bản thì liệu mình có đủ sức để gật đầu một lần nữa với thú chơi này?” - Phong cười.
Nhưng cũng chỉ cảm thán vậy. Trong câu chuyện, nhà sưu tập này hồ hởi kể về những cảm xúc khác nhau mà báo cũ mang lại cho mình, cũng như những độc giả tìm đến với anh. Ở đó, có người rơi nước mắt khi cầm tờ báo đăng thông tin quảng cáo về hiệu buôn của ông mình từ thời Pháp. Có người run rẩy bàng hoàng khi được đọc lại bài báo của cha mình từ trước đó mấy chục năm. Ngược lại, kiên quyết không bán, nhưng cũng khá nhiều lần khổ chủ phải “phá lệ” trước những trường hợp đặc biệt.
“Một lần, ông bạn thân tới nhà cực kỳ thích thú, ngồi đọc đi đọc lại một tờ báo xuất bản đúng ngày sinh của mình để xem hôm ấy có những sự kiện gì tại Việt Nam và thế giới” - anh kể - “Sinh nhật, tôi tặng hắn tờ báo. Ai ngờ mấy năm sau, liên tục, tôi gặp thêm nhiều lời đề nghị về những “tờ báo sinh nhật” ấy. Có cả những người lạ hoắc cũng tìm tới, khẩn thiết bảo anh chỉ cần nói giá, em chỉ muốn một tờ báo để mừng sinh nhật ông cụ ở nhà...”.
Chưa hết, với Tạ Thu Phong, ngoài cảm xúc của một nhà sưu tập, vốn kiến thức khổng lồ mà những tờ báo cũ mang lại còn giúp anh hoàn thành 3 cuốn sách biên khảo được ra mắt và nhận về những đánh giá tích cực trong những năm qua: Tiếng thét Yên Bái, Hà Nội một thân, Hà Nội chuyện xưa phố cũ. Để có thể thực hiện những cuốn sách này, Phong đã phải bỏ ra một thời gian dài tìm kiếm các nguồn tư liệu. Trong đó, riêng với Tiếng thét Yên Bái, anh bỏ ra hơn 200 triệu đồng tìm mua các số Trung hòa Nhật báo để nắm bắt được thông tin về cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học năm 1930.
Còn bây giờ, từ 2 năm nay, Tạ Thu Phong lại hì hục lập các phiếu tư liệu và cất công sưu tập hàng loạt số báo Thần dân, Ngày xanh, Nói thật, Việt Thanh... để chuẩn bị cho một cuốn sách mới về Hà Nội thời tạm chiếm trước 1954. Nghề chơi lắm công phu, trong mắt nhiều người, có thể Phong vất vả. Nhưng từ xúc cảm của mình, anh đang là người hạnh phúc.
“Nét rất riêng của những tờ Tết Nhân Dân trong thập niên 1960 là những bài thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch được in ngay trên bìa báo. Nội dung và hình thức báo Tết Nhân Dân cũ cũng thường mang không khí vui tươi, có tính giải trí và mang hơi thở đời sống chứ không chỉ thiên về xã luận” (Tạ Thu Phong).