Hương vị bánh quê ở phố chợ Cà Mau

Ba năm trở lại đây (2021-2023), Cà Mau thường xuyên tổ chức Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ, quy tụ đông đảo khách thập phương. Họ đến ngày hội không chỉ để thưởng thức “đại tiệc” với vô vàn loại bánh mà nhiều người trong số đó còn muốn tìm lại ký ức tuổi ấu thơ, tưởng nhớ về nguồn cội thời khai hoang, mở đất...
0:00 / 0:00
0:00
Ban tổ chức tham quan các hàng bánh dự thi Ngày hội bánh dân gian lần thứ nhất năm 2021 tại Cà Mau.
Ban tổ chức tham quan các hàng bánh dự thi Ngày hội bánh dân gian lần thứ nhất năm 2021 tại Cà Mau.

Duyên nợ với bánh quê

Một trong nhiều tiết mục cuốn hút khách thập phương tại Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ ở Cà Mau vừa qua là phần thi “Làm bánh dân gian và Nghệ nhân trình diễn gói bánh tét”. Về nhất ở phần trình diễn gói bánh tét là vợ chồng bà Nguyễn Thị Nở (Sáu Nở, 67 tuổi) và ông Thái Văn Mức (Năm Mức, 70 tuổi), ngụ khóm 4, phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau.

Chỉ trong 1 giờ, đôi vợ chồng ấy đã hoàn thiện được 17 đòn bánh tét (cả nhân mặn và nhân ngọt) đầy đặn, đẹp mắt... mang về giải thưởng cao nhất cho tập thể nghệ nhân làm bánh của phường. Đến giờ, khi nhớ lại thời khắc lên nhận thưởng, đôi vợ chồng già vẫn còn cảm giác lâng lâng, sung sướng. “Nhờ bả khéo tay, cũng nhờ thường xuyên giúp bả làm bánh mà tôi mới buộc các đòn bánh tét được lẹ và chặt như vậy”, ông Năm Mức khoe khi đề cập đến phần thi vừa đoạt giải.

Còn cô Sáu Nở tiết lộ, không phải ngẫu nhiên tay nghề gói bánh được thuần thục như bây giờ. Hơn 40 năm trước, ngay những ngày đầu mới về làm dâu, cô gái trẻ Nguyễn Thị Nở đã được mẹ chồng chăm bồi dần kỹ năng làm bánh tét. “Ông nội chồng thích ăn bánh, mẹ chồng sợ mai này già yếu không ai gói bánh cho ăn nên truyền nghề lại cho tôi. Lâu ngày thành quen, cảm giác làm bánh tét dễ như nấu nồi cơm, kho mẻ cá kho quẹt”, cô Sáu Nở hóm hỉnh.

Từ những nguyên liệu vốn có ở đồng đất quê nhà, cô Sáu Nở liên tục cho ra những nồi bánh tét dân dã, thơm ngon vào những ngày rằm, dịp lễ, Tết hằng năm. Tuy là nghề “tay trái” nhưng việc làm bánh được gia đình cô Sáu Nở duy trì hàng chục năm qua. Trong xóm khi có tiệc, có đám... nhờ tới, cô Sáu không bao giờ từ chối, đến tận nơi phụ nêm nếm gia vị, gói bánh.

Có lẽ, chính cái chất bình dị, gần gũi, dân dã ấy mà lâu dần, dân trong xóm gắn cho cô luôn biệt danh “cô Sáu Bánh Tét”. Như lời nhận xét của anh Trương Đình Hảo, công chức Văn hóa-Xã hội phường Tân Xuyên: “Ở cái phường này, nhà nào ăn bánh tét của cô Sáu rồi thì hầu như không muốn ăn bánh tét nơi khác làm nữa. Không màu mè, cầu kỳ nhưng bánh của cô làm có hương vị không chê vào đâu được, ai ăn cũng khen ngon”.

Tuy chưa được “chân truyền” từ người lớn tuổi nhưng nhờ tò mò, thích khám phá mà đến giờ, cô giáo mầm non Phan Thị Diễm Tú (sinh năm 1991, ngụ phường 1, thành phố Cà Mau) đã thuần thục hơn chục loại bánh dân gian. Trải lòng với chúng tôi sau giờ tan trường, Tú khoe rằng, tại Ngày hội bánh dân gian vừa rồi, em cùng các bạn trong đội đại diện cho Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Cà Mau tham gia làm bánh dân gian và đạt giải cao nhất. Đây cũng là năm thứ 3 liên tục Tú cùng đội tham dự ngày hội bánh dân gian tại Cà Mau và đạt thành tích cao, trong đó có đến 2 giải nhất, 1 giải nhì.

Tú là người hoạt bát, hiếu động. Tuổi thơ của Tú gắn liền với những lần theo cha mẹ đi dự đám giỗ ở quê. Gặp mọi người tụ hội làm bánh phục vụ đám, Tú tò mò làm theo, bị la rầy miết bởi chẳng giúp được gì mà còn bầy ra bừa bộn. Song, ít ai biết làm bánh cũng là sở thích của Tú.

Đam mê tưởng chừng bị lãng quên thì cơ duyên tình cờ đến với Tú vào đúng cao điểm đợt dịch Covid-19. Thời điểm ấy, khối mầm non Cà Mau tạm ngưng việc đưa trẻ đến trường. Có nhiều thời gian rảnh, Tú lang thang trên mạng xem clip chỉ dạy làm bánh dân gian. Tú nghĩ bụng, nếu làm ngon sẽ phục vụ luôn bữa ăn tại nhà trong thời gian giãn cách. Ban đầu là các loại bánh gói lá như bánh tét, bánh ít, bánh đòn tay, dần dà Tú chuyển qua các loại bánh khác như bánh ít trần, bánh quy, bánh phu thê, bánh khọt, bánh bò rễ tre, bánh bột lọc cùng một số loại chè.

“Em làm nhiều loại để đổi bữa, cả nhà ăn đỡ ngán. Ăn thấy ngon, em dần dà hoàn thiện công thức, trang trí sáng tạo thêm rồi gởi bạn bè ăn thử, ai cũng khen ngon. Cũng từ đó, em có ý tưởng làm bánh bán online. Dần dà em có nhiều mối đặt hàng và duy trì làm nhiều loại bánh dân gian cho đến nay”, Tú chia sẻ.

Hương vị bánh quê ở phố chợ Cà Mau ảnh 1

Chỉ tự học trên mạng, cô giáo mầm non Phan Thị Diễm Tú (thứ 3 từ trái qua) đã thuần thục hơn chục loại bánh dân gian.

Bánh quê ra chợ, phố...

Vượt lên bộn bề gian khó, các nghệ nhân làm bánh ở Cà Mau tiếp tục nỗ lực duy trì, gìn giữ, phát huy những món bánh truyền thống mà ông cha ta đã dày công sưu tầm, sáng tạo từ thời đặt chân lên vùng đất phương nam. Đây cũng là một trong những lý do tỉnh này duy trì tổ chức Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ liên tục trong 3 năm qua.

Cà Mau nói riêng, Nam Bộ nói chung là vùng đất mới. Quá trình vào rừng khẩn hoang thiếu điều kiện nấu nướng, thế hệ ngày trước mang theo một số loại bánh gói lá như bánh tét, bánh lá dừa, bánh ú... để ăn giúp no lâu mà trữ được lâu ngày. Khi rừng hoang thành làng, nếp, gạo, khoai, dừa... sẵn có ở quê lại được tận dụng làm bánh để ăn thường xuyên hơn, bởi “chợ” xa “quê”.

“Trong quá trình dài phát triển, các loại bánh quê không chỉ phục vụ no bụng, ăn trong lúc lao động mà còn sử dụng như một loại thức ăn tráng miệng bổ sung cho bữa cơm chính. Bánh quê ra đời theo cách đó, về sau được gọi là bánh dân gian Nam Bộ như ngày nay” - Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Cà Mau Trần Hiếu Hùng, lý giải.

Trải qua quá trình cộng cư lâu dài, cộng đồng nhiều dân tộc tại Cà Mau nói riêng, Nam Bộ nói chung đã tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhau, giúp cho bánh dân gian ngày thêm đa dạng. Cũng vì lẽ đó, từ những chiếc bánh mộc mạc, đơn sơ ban đầu, đến nay Cà Mau đã có hàng chục loại bánh dân gian được làm nên từ những nguyên liệu thuần quê. Như Ngày hội bánh dân gian vừa qua, các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh mang đến ít nhất hơn 40 loại bánh khác nhau: loại ngọt, mặn; loại có nhân và không nhân; loại bánh gói có lá, loại không có lá; đủ các hình dáng từ tròn, dẹp, vuông, tháp đến hình trụ...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau Tăng Vũ Em, qua 3 lần tổ chức tại Cà Mau, trong đó có 2 lần thành phố đăng cai, số lượng gian hàng trưng bày và nghệ nhân tham gia làm bánh dân gian ngày càng nhiều hơn. Điều đó cho thấy, phần lớn người dân vẫn yêu thích và muốn giữ gìn những món ngon truyền thống được kế thừa từ đời này sang đời khác. “Quá trình kết tinh văn hóa ẩm thực đa dạng, các nghệ nhân tài hoa đã tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo thêm để giúp bánh dân gian ngày thêm phong phú mà không làm mất đi bản sắc hương đồng, cỏ nội của những chiếc bánh quê bản địa. Nhiều loại bánh trong số đó còn vinh dự được ban tổ chức chọn làm vật phẩm để dâng lên Quốc Tổ Hùng Vương vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, qua đó nhắc nhở và giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc” - ông Vũ Em chia sẻ.

Giữa bộn bề phố thị Cà Mau ngày nay, không khó để bắt gặp những gian hàng bày bán bánh dân gian với vô vàn chủng loại. Trong các khu chợ phường của thành phố Cà Mau, nhiều nhất là khu vực đường Đề Thám nằm ngay trung tâm chợ phường 2, có cả một dãy với gần chục quầy bán bánh tét, bánh ít, bánh quy, bánh bò, bánh ú, bánh da lợn, bánh bông lan... Len lỏi trong các khu phố, còn có nhiều hàng gánh bán bánh, thỉnh thoảng lại ngân lên lời chào mời ngọt lịm: Có ai chồng bỏ chồng chê; ăn vô cái bánh ú chồng mê trở về... Bánh ú hôn...!.

Rất có thể, trong quá trình đô thị hóa, các loại bánh dân gian đã theo chân các bà, các mẹ... từ miền quê sông nước len lỏi vào chốn thị thành, dần dà trở thành một phần của ẩm thực đường phố Cà Mau. Ở chốn ấy, vẫn có những người con xa xứ mong ngóng hương vị bánh quê, như một phần ký ức tuổi thơ, nơi từng có làn hương quen thuộc phất phơ trong khói bếp lam chiều, nơi có những ngày thơ bé bỏng tựa cửa chờ mẹ đi chợ về để được thưởng thức hương vị bánh quê.

Trong chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến” từ năm 2021 đến nay, chúng tôi luôn duy trì sự kiện “Ngày hội bánh dân gian” nhằm khuyến khích hơn nữa sự nỗ lực sáng tạo biến từng loại bánh dân gian bình dị trở thành những món đặc sản, qua đó góp phần đưa văn hóa ẩm thực của người dân địa phương đến gần hơn với các vùng miền khác trên khắp đất nước - Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Cà Mau.

-------------------------------------------------

Hầu hết các loại bánh ở quê giờ được bày bán ở phố chợ. Tôi xem đây là một bước chuyển mình có ý nghĩa quyết định cho sự tồn tại và phát triển của bánh dân gian ở Cà Mau nói riêng, Nam Bộ nói chung. Từ những nguyên liệu thuần quê, nghệ nhân làm bánh đã “thổi” vào sản phẩm cái tâm, cái tình... và hơi thở của cư dân miệt vườn. Vì lẽ đó, khi thưởng thức bánh dân gian, ta cảm thấy như có chút ấm áp, chút hồn quê chan chứa cái tình của người dân Cà Mau chất phác, thật thà, mến khách - Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.