Biết Hiên qua những tờ báo biếu, cơ duyên tôi cũng có bài in cùng số báo với em. Trang viết của Hiên vô tư, nhẹ nhàng và thanh thoát đến lạ kỳ… Không ít lần những con chữ ngập tràn nắng gió miệt biển ấy đã chập chờn trong tôi suốt nhiều ngày, bởi cách Hiên kể về biển, đẹp và buồn đến ngây ngất. Cắt những trang viết của Hiên trên báo, tôi dán chúng vào một cuốn sổ nhỏ. Ba năm, cuốn sổ cộm dày và bao giờ đọc lại hết thảy những con chữ ấy, từ một hòn đảo mông lung địa chỉ, tôi thấy dường như đảo ở rất gần.
Tôi nhận được hai tờ báo biếu, in chung bài với Hiên. Một trong hai bài của em, tiết lộ rằng qua đò Bãi Cát, là đến ngôi trường mà Hiên đang sống và dạy học. Tấm ảnh trong một bài viết nhỏ của em, chụp cảnh những đứa học trò xóm đảo nghèo, chân không, mặt lấm lem, cầm quyển vở giơ cao. Không thấy mặt cô giáo đâu, nhưng cũng đủ hình dung được lớp học ấy đơn sơ và ấm áp đến mức nào qua những con chữ như có thể nảy mầm sự sống. Bài viết ngắn, không kể rằng các em học sinh trên đảo sống ra sao, chỉ thấy bảo rằng mỗi năm vào mùa Tết, ngôi trường lại sôi động hơn hết. Bởi đó là mùa ba mẹ lũ trẻ ra khơi, cô giáo gom đám trẻ lại trường, vừa dạy học, vừa nấu ăn cho mấy mươi miệng cơm suốt ròng hơn tháng. Vùng biển này thật lạ, cứ vào mùa Giêng là lại trúng cá to. Chút thông tin ấy làm tôi xao động, phần muốn biết cảnh đảo ra sao, phần cũng muốn gặp người đã viết những tản văn đầy hồn vía ấy. Chẳng có chút thông tin gì ngoài những con chữ, nhưng tôi lại bị một tiếng gọi âm thầm thúc giục.
Hành lý chẳng có gì nhiều ngoài những quyển tản văn của Márai Sándor, tôi thầm nghĩ Hiên sẽ thích. Nắm mớ thông tin duy nhất về đò Bãi Cát; xe đò hai lượt, phải sang đò dọc hết nửa ngày, xuyên hết rừng tràm, qua đến những đoạn kinh ngang mọc đầy mắm đước. Đặt chân đến một miền đất lạ, mấy ngôi nhà còm nhom cửa mở toang hoác như muốn đón hết gió biển vào thăm. Ngơ ngác hỏi bến đò ở đâu, mấy đứa trẻ chạy theo bảo rằng, "ông theo cháu, dắt ông tận nơi".
Đến chỗ bến đò thì chẳng thấy đò đâu, tôi lơ ngơ trước đám trẻ dân bản địa. Có đứa bảo, "chắc ông lái đò đi nhậu rồi, ông ngủ lại đây, biết đâu giữa khuya ổng mới về". Chỗ đám trẻ chỉ, là căn nhà nhỏ, có mấy bộ quần áo vắt trên vách lá đung đưa. Trong chòi chẳng có gì quý giá ngoài cái lò xô, mấy thau nồi, chén dĩa cũ mèm và con chó mực nằm lim dim không thèm sủa. Đám trẻ vẫn không bỏ đi, chúng lại hỏi:
- Ông ra đảo Vọng làm gì hả ông?
Không biết phải nói sao cho chúng hiểu, có đứa lại nhanh trí hỏi thêm:
- Ông có bà con ngoài ngoải sao?
Có đứa tranh nhau kể chuyện, đảo chẳng có gì ngoài mớ rong hay đóng ngoài bãi đá cạn. Cây cối chẳng mọc nổi hoa trái gì, đến con chó ông lái đò cho người ta nuôi, mới mấy bữa chịu không thấu, nó nhảy đò trở về đất liền. Sự nhiệt tình của đám trẻ thuyết phục tôi đừng ra đảo Vọng, được vun bồi bằng nhiều câu chuyện khác nhau. Cũng như những trang viết của Hiên về Vọng, nếu chịu ngồi nghe chắc sẽ không bao giờ hết được. Trời bắt đầu thu lại những ánh nắng gắt gỏng của mình, dìu dịu trên từng tán lá. Đám trẻ chỉ nhận lại được những cái gật đầu và mấy câu hỏi bâng quơ gợi mở nên cũng chán.
Đám trẻ bỏ đi không lâu thì người lái đò từ trong lối rừng trở về. Trên tay cầm mấy kèo ong đang tươm mật, cùng một xâu cá, ông nhìn tôi chẳng lấy gì làm lạ. Gửi đến câu hỏi khi còn cách ở xa, gương mặt dửng dưng như không cảm xúc, "giờ này mà định ra ngoài đảo à?". Tôi trả lời rằng, "dạ, không biết kịp hông anh ha?".
Người đàn ông đã đến căn chòi, bước vào rồi vội bước ra trả lời, "muốn đi thì sẽ kịp, nhưng đêm khuya rồi, sáng sáng hãy đi. Mấy khi tôi có khách lạ đến chơi. Nếu không gấp thì ở lại lai rai".
Chiều đó mặt trời đỏ rực phía biển, hắt lên chỗ chúng tôi như bóng đèn pha sân khấu. Ở trần, người đàn ông lộ ra mớ cơ bắp cuồn cuộn, và không giấu được những vết sẹo chằng chịt. Ông không hỏi tôi ra đảo làm chi, chỉ bảo rằng nơi này là cùng trời cuối đất, chỉ có nước ra đảo ấy thôi chứ chẳng thể đi đâu hơn. Đêm vừa chớm tới làm tắt những tia nắng cuối ngày, xâu cá vừa nướng xong, nồi cơm cũng vừa chín tới. Đoán không sai, ông mang ra chai rượu đế, bảo rằng, "ở đây buồn, chỉ có thứ này bầu bạn là vui, chú em uống được bao nhiêu thì uống, không uống được cũng không sao, đừng ngại". Rót một ly khấn vái lầm rầm trong miệng rồi thả xuống đất, ông bảo rằng đất có thổ công, sông có hà bá, sống ở đây cũng phải nhớ đến ơn người khai mở cho mình. Xong thủ tục, ông tự rót và nốc cạn một ly, rồi ông kể như tuôn một mạch nguồn chuyện đời, chuyện đất đã chất chứa bấy lâu nay trong mình.
Số là ngoài khơi xa biển ban cho quê hương ta hòn đảo nhỏ, không giống bất cứ đảo nào ở xứ này. Bởi hễ có bão, bốn bề giông gió, thì đảo đó như có trời che, sẽ có một phía lặng hơn. Bởi vậy mà dân đi biển hay nhắm phía Vọng để những khi không trở tay kịp thì còn ghé vào tránh bão. Nhưng trời ban cho cái lợi này thì cũng lấy đi cái lợi khác. Một mặt đảo bình yên bao nhiêu thì mặt còn lại tan tác bấy nhiêu. Có đoạn người ta ra đây xây nhà định ở, nhưng cũng chẳng xong, gió bão đến cuốn đi tan nát hết, chẳng có thứ gì còn… Những điều ông kể, làm tôi nhớ đến Hiên nhiều hơn. Có bài em đã viết, đảo chỉ có những tấm ván thuyền đắm, nhưng em không muốn những tấm ván ấy đắm thêm lần nữa… Em kết chúng lại làm nhà, và lấp đầy không gian ấy bằng những bài học cho đám trẻ!
Đêm về, càng nghe rõ tiếng của biển hơn, sóng cứ rì rào không dứt. Ông lão đã ngủ say trên chiếc võng mùng, chừa chiếc chõng tre cho khách lạ. Đêm khuya se lạnh, biển vẫn thức nên tôi chẳng tài nào chợp mắt được. Mở những trang viết của Hiên ra đọc lại, nhớ lời kể của đám trẻ và ông lão đưa đò, hình dung chặng đường mình đến nơi đây, tôi vẫn không thể nào hiểu nổi Hiên đã sống với văn chương đẹp đẽ đến mê hoặc ấy như thế nào?
Sáng sớm, tôi là người dậy muộn, phải nhờ ông lão gọi mới hay gà đã gáy từ lâu. Ông bảo đi giấc này thì mới thấy biển đẹp đến chừng nào. Tôi thu dọn đồ thật nhanh, xuống chiếc đò ông đã chất đầy hàng hóa tự bao giờ, ngồi khúm núm trong mớ đồ đạc. Ông lão bảo chẳng lâu đâu, hơn một tiếng là sẽ đến. Sóng biển không thôi táp vào mạn đò, có những đoạn sóng dồn lên làm tôi muốn nôn ra xanh mặt. May mà ông lão cứng tay, đò đi không hết một giờ thì thấy đảo ở tít xa, như đầu một người bị hói, nửa trước trọc trơn, nửa sau còn lại những hàng cây còi cọc.
Đò chưa đến bờ, đám trẻ đã ra đón, có đứa đi ra xa nước biển lên đến tận bụng. Phía bờ có ngôi nhà nhỏ, nóc treo ngọn cờ không thôi bay theo gió. Ông đưa đò bảo, đó là lớp học mà chú em muốn đến, tôi sẽ chờ ở đây để phòng khi chú chán quá muốn về liền.
Tôi bước vào lớp học, thật bất ngờ khi thấy cô giáo nhỏ đang ngồi đóng đinh cho những tấm ván mới kết vào nhau. Hơi bất ngờ với khách lạ, cô ngại ngùng cúi đầu chào, chỉ nói mỗi chữ "dạ" nghe nhẹ nhàng chẳng khác nào hạt gió. Tiếp tôi ngay tại chiếc bàn học cũng được kết lại từ những xác thuyền, Hiên khá bất ngờ khi biết tôi đọc nhiều bài viết của em. Như bắt được mạch nguồn, em kể về lai lịch từng bài mà tôi nhắc đến. Ví như bài về ngọn rau muống biển bò vào tận lớp, em hình dung đến hoa muống còn muốn nghe em giảng thì em chẳng lý gì mà bỏ đảo ra đi. Hay như những con rùa biển hay bò lên bãi đẻ vào lúc nửa đêm, em chờ khi chúng xuống biển cả thì sẽ ra lượm trứng mang về để ấp đèn, nếu không thì số trứng ấy dễ bị bão cuốn đi mất. Em làm tôi nhớ lại bài tản văn em nói rằng nhìn những con rùa con bơi về biển, lòng cũng rộn vui như trăm ngàn cánh hoa nở trên mặt đại dương xanh…
Hiên dắt tôi đi quanh đảo, những ngôi nhà vắng người, đám trẻ chạy ra, chạy vào ngó khách. Hiên bảo ba mẹ bọn trẻ thường đi biển, chúng ở lại nhà, cả đảo chỉ còn mỗi Hiên là người lớn! Em vừa làm cô, vừa làm mẹ cho hơn chục đứa nhỏ rắn rỏi và mạnh mẽ như những cây dừa gầy khẳng khái trước sóng biển. Ghé lại một lớp học phía bờ tây, Hiên nói rằng phía này bão đã qua lâu, nên em sửa sang lại để chuẩn bị khi bão có đến thì kịp qua bên này để tránh. Lớp đơn sơ, tấm bảng và cả cái tủ sách trống huơ cũng làm từ xác thuyền đắm. Hiên cười tươi, giọng em ấm áp lạ thường, "ngoài này chẳng khát nước bằng khát sách". Có lẽ vậy mà khi tôi tặng em mấy quyển sách mang theo, mắt Hiên long lanh đón nhận, em cười tươi như nắng sớm. Lúc này tôi mới thật sự tin rằng, cái đẹp của văn chương và cuộc sống vẫn có thể nở hoa ở mảnh đất cằn.
Chiều hôm ấy, từ giã Hiên và đám trẻ để về lại đất liền, lòng tôi cứ dùng dằng rất lạ. Nửa muốn ở lại đảo thêm ít hôm, nữa lại muốn về vì trời đà sụp tối. Tôi hỏi Hiên rằng, "em sẽ ở lại đảo đến khi nào?". Hiên cười, "cháu cũng không biết nữa, nhưng thấy mấy đứa trẻ còn nhỏ dại, đảo còn nghèo quá, cháu không nỡ bỏ". Câu nói của Hiên làm tôi sực tỉnh, đâu phải đất giàu mới là nơi đáng đến - như tôi mong mỏi điều chi đó đẹp đẽ lấp lánh ở chốn này mà lặn lội đi tìm?
Sau lần đó, mỗi năm tôi ra đảo một lần. Quà cho đảo chẳng có gì hơn ngoài những quyển sách và chút bánh kẹo. Nhưng lần nào ra, tôi cũng thấy đảo xanh và đẹp hơn… Đám trẻ sau một năm lại thêm lớn, chúng ríu rít bên những luống rau được trồng từ túi hạt tôi mang ra tặng từ năm trước. Những quyển sách hướng dẫn trồng rau và tình yêu của Hiên đã dạy đám trẻ lao động và tin rằng, gieo mồ hôi xuống Vọng là đảo sẽ trổ hoa. Thật lạ, bao giờ cũng vậy, nhìn đám trẻ tươi vui, tôi lại thấy đảo như một đóa hoa lớn giữa nền biển xanh.