Sống đẹp

Hành trình trao tặng ảnh phục chế chân dung liệt sĩ

Những ngày tháng 7 này, những chàng trai trẻ nhóm Team Lee lại bận rộn ngày đêm với dự án phục chế ảnh chân dung liệt sĩ để trao tặng các gia đình. Cứ vào cuối tuần, cả nhóm lại rong ruổi khắp nẻo đường quê, về thăm các gia đình liệt sĩ và trao tặng ảnh chân dung liệt sĩ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm Team Lee trao tặng ảnh liệt sĩ Mẹ VNAH Đặng Thị Xoan.
Nhóm Team Lee trao tặng ảnh liệt sĩ Mẹ VNAH Đặng Thị Xoan.

Mỗi chuyến đi là một hành trình biết ơn

Ngày đầu tháng 7 tri ân, Lê Quyết Thắng cùng sáu thành viên nhóm Team Lee tìm về Thanh Hóa thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Xoan, 101 tuổi. Cụ Xoan có hai người con trai hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc: liệt sĩ Nguyễn Hữu Đàn và liệt sĩ Nguyễn Hữu Dậy. Trong chuyến đi này, các chàng trai 9X của Team Lee đã chuẩn bị một món quà đặc biệt dâng tặng Mẹ, đó là bức ảnh ghép hai liệt sĩ ngồi bên mẹ trước hiên nhà.

Vuốt ve bức ảnh, ngắm nhìn thật lâu gương mặt thân thương của hai con trai với những đường nét rõ ràng, cụ Đặng Thị Xoan run run cất tiếng gọi tên hai liệt sĩ.

“Mấy tháng trước, bệnh viện đã trả về do bà tôi tuổi cao, sức yếu, lại mắc bệnh hiểm nghèo. Nhưng khi nhìn thấy bức ảnh chân dung hai bác, bà khỏe hẳn ra, tinh thần phấn chấn, vui vẻ hơn”- Phạm Hùng, cháu ngoại cụ Xoan chia sẻ.

Liệt sĩ Nguyễn Hữu Đàn là con trai cả của cụ Xoan, hy sinh năm 1968, tại Khe Sanh, Quảng Trị khi mới 19 tuổi. Sau khi anh trai hy sinh, dù được miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng người em là Nguyễn Hữu Dậy vẫn gác bút, viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, rồi hy sinh năm 1979 tại biên giới Tây Nam, khi anh 21 tuổi.

Gần đây, qua Facebook, Hùng biết thông tin về nhóm Team Lee nên nhắn tin ngỏ lời nhờ nhóm phục chế ảnh hai bác mình. Ngay sau đó, Nguyễn Hữu Thưởng, thành viên của Team Lee đã liên lạc với Hùng để tiếp nhận thông tin. “Bức ảnh gốc của liệt sĩ Nguyễn Hữu Dậy có khổ nhỏ như tem thư, đã bị mờ nét, còn liệt sĩ Nguyễn Hữu Đàn không có ảnh gốc, chỉ có bức phác họa bằng bút chì, vì vậy quá trình phục chế phải chỉnh sửa nhiều lần dựa trên miêu tả của những người thân”-Hữu Thưởng cho biết.

Dường như có một sợi dây kết nối tâm linh, đúng buổi sáng hôm đó, bà Nguyễn Thị Bản - vợ liệt sĩ Nguyễn Hữu Dậy, cũng có mặt tại nhà cụ Xoan, dù không ai báo trước. Bà đã khóc rất nhiều khi ngắm nhìn bức ảnh có gương mặt thân thương của chồng, người mà bà chỉ được ở bên ít ngày trước khi ông lên đường ra trận. Dù thời gian chung sống bên nhau rất ngắn ngủi, giọt máu duy nhất ông để lại cũng không còn, nhưng bao nhiêu năm qua, bà vẫn ở vậy thờ chồng.

Trưởng nhóm Team Lee Lê Quyết Thắng cho biết, ý tưởng về bức ảnh ghép ba mẹ con cụ Xoan nảy sinh khi anh chứng kiến hình ảnh cụ ôm hai bức ảnh chân dung của hai liệt sĩ vào lòng mà nhóm đã trao tặng gia đình trước đó.

Bắc những nhịp cầu đoàn viên

Lê Quyết Thắng nhớ lại, khoảng tháng 3/2022, anh nhận được tin nhắn của con trai một liệt sĩ ở Hà Nội đề nghị phục dựng lại bức ảnh duy nhất của liệt sĩ được đồng đội phác họa bằng bút chì trên giấy nhưng đã bị phai mờ, không thể nhìn rõ khuôn mặt. Anh tiếp nhận và chỉnh sửa bức ảnh từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau thì hoàn thành, sau đó mang ra cửa hiệu in ảnh, đóng khung cẩn thận. Khi nhận bức ảnh chân dung cha mình được anh Thắng trao tặng, con trai liệt sĩ đã bật khóc nức nở. Cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của công việc này, Thắng và những người bạn thân đã quyết định thành lập nhóm Team Lee để cùng nhau phục dựng miễn phí ảnh chân dung các anh hùng liệt sĩ.

Ngay sau khi thành lập, nhóm Team Lee đã triển khai dự án phục chế 75 bức ảnh chân dung liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022). “Khi tôi đăng thông tin trên Facebook với nội dung tìm 75 gia đình có hình ảnh liệt sĩ và mong muốn phục dựng, chỉ vài giờ sau, bài viết đã có hơn 10 nghìn lượt chia sẻ và 30 nghìn lượt tiếp cận, trong đó có hàng nghìn tin nhắn của người thân đề nghị phục dựng ảnh chân dung liệt sĩ nhà mình. Sau hơn một tháng, từ con số dự kiến ban đầu là 75 bức ảnh, chúng tôi đã phục dựng và hoàn thiện hơn 200 ảnh chân dung liệt sĩ” - Thắng cho biết.

“Khó khăn nhất là những bức ảnh đã cũ, mất đường nét; những bức vẽ phác họa bằng bút chì, mực đã bay mầu, đường nét không chân thực, nhóm phải phục dựng chân dung dựa vào sự miêu tả của người thân. Thông thường, mỗi bức ảnh xử lý mất từ 4 đến 6 tiếng, nhưng có những bức phải mất vài ngày mới xong. Mỗi khi hoàn thành một bức ảnh liệt sĩ, chúng tôi rất hạnh phúc”.

Hành trình trao tặng ảnh phục chế chân dung liệt sĩ ảnh 1

Ảnh liệt sĩ Hoàng Đình Chẩn sau khi được phục chế.

Sau thành công của dự án 75 bức ảnh chân dung liệt sĩ, tháng 8/2022, nhóm Team Lee triển khai phục dựng ảnh chân dung 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) rồi đem in ấn, đóng khung, trao tặng ban quản lý khu di tích để trưng bày tại nhà truyền thống.

Tiếp đó, tháng 10/2022, nhóm Team Lee phục dựng 14 bức ảnh gồm 13 liệt sĩ thanh niên xung phong và một nhân chứng sống ở Khu di tích lịch sử Truông Bồn (Nghệ An), với tâm nguyện du khách và các thế hệ sau có thể hình dung rõ ràng hơn gương mặt của các nữ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại toạ độ lửa này.

Khi được biết Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu chưa có ảnh chân dung liệt sĩ, tháng 4/2023, nhóm Team Lee đã liên hệ với ban quản lý di tích để có được bức ảnh gốc, sau đó phục dựng thành ảnh chân dung, in, đóng khung và thực hiện hành trình 1.372 km đến Côn Đảo để trao tặng khu di tích. Gần đây nhóm cũng phục dựng chân dung liệt sĩ Nguyễn Văn Lém, đại úy biệt động thành Sài Gòn (bí danh Bảy Lốp) từ thước phim ghi lại lúc anh bị hành quyết tại Sài Gòn.

“Hầu hết những bức ảnh đen trắng đã cũ, ố mầu là kỷ vật duy nhất của các liệt sĩ còn lại, nếu bây giờ không phục dựng thì rất có thể các thế hệ mai sau không còn được nhìn thấy chân dung các anh hùng liệt sĩ, những nhân chứng lịch sử của một thời hào hùng”- Lê Quyết Thắng chia sẻ.

Anh Lê An Thành một tình nguyện viên tìm mộ liệt sĩ trên không gian mạng kể: Từ một bức di ảnh được kỹ sư Lâm Hồng Tiên tìm thấy trong kho dữ liệu của thư viện Đại học Texas (Mỹ), anh đã liên hệ với Nguyễn Hữu Thưởng, thành viên của Team Lee đề nghị phục chế ảnh chân dung mầu, rồi cùng nhau tìm kiếm thân nhân liệt sĩ để trao tặng. Đó là tấm di ảnh Liệt sĩ Nguyễn Tài Mỹ, quê quán xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Liệt sĩ Nguyễn Tài Mỹ có vợ và một con gái hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Hơn 50 năm qua, gia đình không có ảnh chân dung liệt sĩ để thờ, cũng chưa tìm thấy phần mộ của liệt sĩ. Thật may mắn khi nhóm đăng tải hình ảnh Liệt sĩ Nguyễn Tài Mỹ trên TikTok, với sự lan tỏa của cộng đồng mạng, cháu ngoại của liệt sĩ đã biết được thông tin. “Khi nhìn thấy bức ảnh chân dung liệt sĩ Nguyễn Tài Mỹ, cả gia đình đã vỡ òa trong niềm xúc động” - Anh Thành cho biết.

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện chất chứa những ân tình của người ra đi và người ở lại. Sự đón nhận với tình cảm trân trọng của các thân nhân liệt sĩ và cộng đồng đã tiếp thêm động lực cho nhóm Team Lee tiếp tục hành trình tri ân. Hơn 300 bức ảnh liệt sĩ được nhóm phục dựng không chỉ làm sống lại câu chuyện quá khứ mà còn mang đến những cuộc đoàn viên xúc động.

“Hiện vẫn còn hàng nghìn liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc mà không có được một tấm hình nguyên vẹn. Vì vậy, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục hành trình trao tặng ảnh phục dựng chân dung liệt sĩ, đó là điều chắc chắn”- Trưởng nhóm Team Lee Lê Quyết Thắng quả quyết.