Hành trình 40 năm nhìn lại

Ngày 10/12/1982, tại Montego Bay, Jamaica, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) chính thức được mở ký. Lời nói đầu của Công ước ghi nhận mong muốn của các quốc gia trong việc "thiết lập được một trật tự pháp lý cho các biển và đại dương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng công bằng và hiệu quả những tài nguyên, bảo tồn những nguồn lợi sinh vật biển, nghiên cứu, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển".
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam luôn là điểm tựa, giúp đỡ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Ảnh: Hiểu Minh
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam luôn là điểm tựa, giúp đỡ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Ảnh: Hiểu Minh

1 Sau 40 năm, Công ước đã phát huy sứ mệnh của mình trong việc tạo lập ra một trật tự pháp lý công bằng, hài hòa trên biển. Quyền lợi của các quốc gia ven biển, đặc biệt là các quyền thăm dò, khai thác tài nguyên biển được quy định xuyên suốt trong năm vùng biển: từ nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong khi đó, quyền lợi của các quốc gia khác như quyền qua lại vô hại, tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm vẫn được bảo đảm.

Theo đó, lãnh hải là vùng biển có chiều rộng không quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở. Tại đây, quốc gia ven biển có chủ quyền nhưng quyền qua lại không gây hại của các tàu thuyền nước ngoài vẫn được ghi nhận để bảo đảm vai trò kết nối của các biển và đại dương.

Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng biển mới được quy định từ UNCLOS năm 1982, có chiều rộng không quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở, giúp bảo vệ các đặc quyền trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, quản lý tài nguyên thiên nhiên sinh vật và phi sinh vật cho các quốc gia ven biển. Vùng đặc quyền kinh tế ra đời là kết quả của việc bảo vệ các đặc quyền về kinh tế của các quốc gia đang phát triển và các quốc gia mới giành được độc lập sau thành công của phong trào giải phóng dân tộc trong những năm 60 của thế kỷ trước. Đây là chế định pháp lý lần đầu được quy định có tính tới đặc thù phân bổ tự nhiên của các tài nguyên sinh vật biển trong phạm vi 200 hải lý và thiết lập công bằng cho tất cả quốc gia, loại bỏ các quy định dựa trên quyền đánh bắt cá truyền thống, lịch sử do các quốc gia có điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển thiết lập từ trước khi Công ước ra đời. Tuy nhiên, trong vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia khác, cho dù có biển hay không có biển vẫn được hưởng quyền tự do hàng hải, tự do hàng không và tự do lắp đặt dây cáp, ống dẫn ngầm. Đây là các quyền quan trọng trong việc duy trì giao thông hàng hải, hàng không và kết nối, đặc biệt là kết nối số trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển 4.0.

Vùng thềm lục địa được quy định tại UNCLOS 1982 gắn với các tiêu chí khách quan là sự kéo dài tự nhiên của thềm lục địa địa chất. Quyền chủ quyền đương nhiên đối với việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên tại thềm lục địa được xác lập cho các quốc gia ven biển. Các tiêu chí khách quan này đã góp phần tạo dựng một trật tự pháp lý công bằng giữa các quốc gia phát triển, đang phát triển và kém phát triển. Những quốc gia chưa có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên biển có đầy đủ cơ sở pháp lý từ UNCLOS để bảo vệ, gìn giữ các nguồn tài nguyên đó cho tương lai.

Bên cạnh đó, quyền lợi của các nhóm quốc gia không có biển, gặp bất lợi về mặt địa lý đã được chú ý và cũng được tính tới khi một loạt các quy định về quá cảnh, khai thác lượng đánh bắt cá dư được quy định trong quy chế về vùng đặc quyền kinh tế. Đặc thù của các quốc gia quần đảo cũng lần đầu được xem xét và pháp điển hóa thành quy chế pháp lý của quốc gia quần đảo.

Đặc biệt, biển cả được để ngỏ cho các việc tự do sử dụng biển vào mục đích hòa bình cho tất cả các quốc gia cho dù có biển hay không có biển. Vùng đáy biển quốc tế được đặt dưới chế độ di sản chung của nhân loại, do Cơ quan Quyền lực đáy đại dương đại diện quản lý.

2 Bên cạnh việc phân bổ hài hòa, hợp lý và công bằng quyền lợi và nghĩa vụ của các quốc gia trên biển, UNCLOS 1982 còn thành công trong việc cung cấp cơ chế để các quốc gia giải quyết các bất đồng trong việc giải thích và thực hiện Công ước một cách hòa bình. Công ước thành lập ba cơ quan giải quyết tranh chấp mới là Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS), Trọng tài theo Phụ lục VII và Trọng tài theo Phụ lục VIII, đồng thời, sắp đặt các biện pháp giải quyết tranh chấp từ trao đổi quan điểm, hòa giải đến giải quyết bằng tòa án và trọng tài theo một cơ chế linh hoạt, nhằm cung cấp cho các bên có nhiều lựa chọn về cách thức và biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp nhất.

UNCLOS 1982 cũng hướng tới việc quản trị biển và đại dương một cách bền vững, thông qua việc dành riêng ba phần với 86 điều khoản quy định về bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển và chuyển giao kỹ thuật. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, ngoài việc quy định nghĩa vụ chung áp dụng với các quốc gia, UNCLOS có các quy định cụ thể về hợp tác ở cấp độ khu vực và quốc tế, trợ giúp kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển, đánh giá tác động của các nguồn ô nhiễm môi trường biển, xác định cụ thể nguồn gây ô nhiễm môi trường biển, từ đó xác định trách nhiệm với các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, UNCLOS nhấn mạnh tới sự bảo đảm hài hòa giữa một bên là quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển, và một bên là lợi ích của cộng đồng. Theo đó, Công ước quy định các quốc gia và tổ chức quốc tế hợp tác trong việc phổ biến các thông tin và kiến thức là kết quả của công tác nghiên cứu khoa học biển, đặc biệt việc tăng cường xây dựng năng lực cho các quốc gia đang phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển.

Trong lĩnh vực chuyển giao kỹ thuật, Công ước xác định nguyên tắc các quốc gia hợp tác trực tiếp, hoặc thông qua các tổ chức quốc tế nhằm tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và chuyển giao khoa học và kỹ thuật biển theo các thể thức và điều kiện công bằng và hợp lý, trong đó đặc biệt chú trọng đến nhu cầu được hưởng hỗ trợ kỹ thuật của các quốc gia đang phát triển, quốc gia không có biển hay bất lợi về mặt địa lý.

Để hướng tới các mục tiêu bảo tồn các nguồn gen biển quý nhằm phục vụ cho sự phát triển bền vững trong tương lai, hiện nay, các thành viên của Công ước đang tham gia quá trình đàm phán, ký kết một hiệp định về đa dạng sinh học tại vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ). Đồng thời, sự phát triển của khoa học công nghệ và các vấn đề mới nảy sinh như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động của dịch bệnh… sẽ tiếp tục được các thành viên thảo luận để bổ sung cho các quy định của Công ước.

3 Tham gia đàm phán UNCLOS từ năm 1977 và chính thức phê chuẩn UNCLOS vào năm 1994, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, cam kết tôn trọng và thực thi đầy đủ các quy định của Công ước. Hiện tại, Việt Nam cũng tích cực tham gia vào quá trình đàm phán BBNJ và thảo luận về mối quan hệ giữa một số mới nảy sinh từ biến đổi khí hậu, phát triển của khoa học công nghệ với việc thực thi UNCLOS.

Thường được coi là một bản "Hiến pháp về Đại dương", việc ký kết UNCLOS cách đây 40 năm là một dấu mốc lịch sử trong quá trình phát triển của luật quốc tế. Với 168 thành viên phê chuẩn, UNCLOS không chỉ là một văn kiện pháp lý quốc tế có giá trị phổ quát, giúp các quốc gia thiết lập được trật tự pháp lý toàn diện, công bằng, hòa bình trên biển, mà còn có các giá trị hướng về tương lai, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại.