Cửa đã mở, từ cả hai phía

Với nhiệt huyết, sự năng động, khả năng tiếp cận nhanh các thông tin mới, thanh niên là lực lượng xung kích trong các vấn đề chính trị lớn, nhỏ của đất nước, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Và trên trường quốc tế, thanh niên chính là lực lượng góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia, góp sức thúc đẩy hợp tác quốc tế, góp tiếng nói vào các vấn đề toàn cầu, cũng như phản ánh quan điểm của quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 27/10 vừa qua, hơn 500 bạn trẻ thanh niên quận Long Biên, thành viên CLB Hà Nội Xanh, nhóm Hội Yêu rác đã cùng nhau dọn sạch rác để lại sau cơn bão Yagi tại khu vực chân cầu Long Biên (Hà Nội). Nguồn: Thành Đoàn Hà Nội
Ngày 27/10 vừa qua, hơn 500 bạn trẻ thanh niên quận Long Biên, thành viên CLB Hà Nội Xanh, nhóm Hội Yêu rác đã cùng nhau dọn sạch rác để lại sau cơn bão Yagi tại khu vực chân cầu Long Biên (Hà Nội). Nguồn: Thành Đoàn Hà Nội

Thế hệ trẻ - năng lực và thách thức

Thế hệ trẻ ngày nay là những chủ thể mang lại sự đổi mới và sáng tạo, nhờ vào những đặc tính thời đại. Lớn lên trong môi trường số ngay từ nhỏ, họ dễ dàng thích ứng các thay đổi của công nghệ, phát triển các kỹ năng cần thiết, thí dụ như kỹ năng làm việc nhóm (teamwork) để có thể hòa mình vào những môi trường làm việc đa văn hóa.

Các bạn trẻ cũng ngày càng có xu hướng tư duy cởi mở và sáng tạo, nhạy bén. Họ có khả năng phát hiện và giải quyết các vấn đề phức tạp với các giải pháp mới mẻ, táo bạo, linh hoạt, thích hợp trong bối cảnh chính trị-xã hội hướng đến hòa nhập quốc tế. Song, bên cạnh những năng lực vượt trội, thế hệ trẻ cũng phải đối mặt không ít thách thức. Thời đại bùng nổ thông tin đòi hỏi người trẻ phải chắt lọc và có bản lĩnh để giữ vững lập trường, thái độ, tránh rơi vào "bẫy truyền thông" của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Người trẻ, phần lớn, cũng còn hạn chế tất yếu về kiến thức cũng như kinh nghiệm sống. Điều này khiến họ gặp khó khăn trong việc tham gia các vấn đề chính trị-xã hội một cách hiệu quả. Và ngược lại, với xu hướng tôn trọng cũng như tuân phục người lớn tuổi của văn hóa Á Đông, thế hệ trẻ cũng vướng nhiều rào cản, khi muốn được lắng nghe và đóng góp ý kiến.

Bước chuyển mạnh mẽ

Tại Việt Nam, Luật Thanh niên 2020, có hiệu lực từ năm 2021, là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của thanh niên trong việc tham gia các hoạt động xã hội, chính trị và kinh tế. Luật đã xác định rõ quyền và trách nhiệm của thanh niên, tạo điều kiện để họ tham gia đóng góp vào các quá trình phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, trong Chiến lược phát triển thanh niên (một bộ phận cấu thành của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030), Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, các chỉ số phát triển thanh niên toàn cầu và khu vực ASEAN), thanh niên đều được đặt ở vị trí trung tâm.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển nguồn nhân lực trẻ, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế; xây dựng môi trường phát triển lành mạnh để thanh niên rèn luyện, trưởng thành. Chiến lược này tập trung vào việc đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng chính trị cho thanh niên, tạo điều kiện để họ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo trong tương lai. Điều này cho thấy sự cởi mở trong việc phát triển nguồn nhân lực trẻ và đưa họ vào quy trình ra quyết định. Chiến lược đề ra cơ chế khuyến khích thanh niên tham gia đóng góp ý kiến vào việc xây dựng chính sách và pháp luật, bảo đảm rằng tiếng nói của giới trẻ được lắng nghe trong các vấn đề hệ trọng của quốc gia.

Theo báo cáo Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam ngày 21/2/2024, kết quả các đoàn công tác của Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Đắk Nông, Hà Giang, Hà Nam, Sóc Trăng năm 2023: 100% số Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch và các văn bản tổ chức thực hiện Luật Thanh niên 2020, các nghị định hướng dẫn thi hành luật. Cũng theo báo cáo, nhiều chính sách cụ thể, thiết thực đã được triển khai trong thực tiễn, trong đó xác định thanh niên có vai trò, vị trí trung tâm trong các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thời gian trước đó, Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam phối hợp Trung ương Đoàn, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu, tổ chức Chương trình đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với thanh niên năm 2023, với chủ đề: "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0".

Chương trình đối thoại đã được kết nối trực tiếp với 63 điểm cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và điểm cầu tại Trung ương Đoàn với hơn 1.000 ý kiến, đề xuất, kiến nghị của thanh niên, tập trung vào ba nhóm vấn đề: Giáo dục, đào tạo; Rèn luyện thể chất nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; Kiến tạo môi trường để thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, sáng tạo. Đây chính là điểm tích cực, phát huy sáng kiến của thanh niên nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra cho thanh niên. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thanh niên trong việc khởi nghiệp, học tập, rèn luyện sức khỏe…

Tuy nhiên, báo cáo về việc thực hiện Luật Thanh niên 2020 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cũng chỉ ra: Việc ban hành Chương trình phát triển thanh niên ở một số địa phương còn muộn so thời gian quy định; Nguồn lực cho việc triển khai Luật Thanh niên 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên còn gặp nhiều khó khăn; Công tác kiểm tra đánh giá việc thực hiện Luật, Chiến lược phát triển thanh niên chủ yếu thực hiện lồng ghép; Chưa có sự phối hợp giữa các ban, ngành trong việc triển khai tại một số địa phương; …

Mở rộng thêm những cơ hội kết nối

Nhìn chung, để thu hút giới trẻ quan tâm và thể hiện vai trò của mình đối với các vấn đề chính trị-xã hội, vẫn cần có thêm những gói giải pháp đồng bộ, dựa trên nhu cầu, xu hướng và đặc điểm của thanh niên hiện nay.

Đầu tiên, cần đưa giáo dục chính trị vào chương trình học chính khóa, tích hợp vào các môn học, nhằm giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ công dân, hệ thống chính trị của đất nước. Hơn thế, cần đào tạo kỹ năng phân tích và suy nghĩ phản biện cho học sinh, sinh viên để có thể tham gia thảo luận chính trị một cách hiệu quả, tránh bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch.

Thứ hai, sử dụng sức mạnh của truyền thông và mạng xã hội, tạo điều kiện cho thanh niên bày tỏ ý kiến và trao đổi quan điểm về các vấn đề chính trị-xã hội. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng có thể phối hợp những người có sức ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ, nhằm truyền tải thông điệp về chính trị, xã hội đến đông đảo thanh niên theo cách gần gũi và hấp dẫn.

Thứ ba, tạo môi trường để thanh niên tham gia các hoạt động chính trị, xã hội. Song song, cũng cần thúc đẩy hình thành văn hóa phản biện mang tính xây dựng. Thanh niên cũng có thể được trao cơ hội tham gia quy trình hoạch định chính sách, thông qua các diễn đàn, hội thảo chính sách, để giúp các nhà hoạch định chính sách lắng nghe và hiểu rõ hơn về nhu cầu, mong muốn của thế hệ trẻ.

Đích đến gần nhất của lộ trình khuyến khích giới trẻ tham gia chính trị sẽ là các chương trình phát triển lãnh đạo trẻ, nơi thanh niên có thể tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức xã hội, cộng đồng, đoàn thể và thậm chí là trong các cơ quan nhà nước. Điều này cần được gắn liền với việc phát triển các phong trào xã hội hướng đến các vấn đề mang tính quốc gia, toàn cầu như bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, chống biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế, văn hóa…

Nếu được tin tưởng và trao cơ hội, chắc chắn thế hệ trẻ Việt Nam sẽ không thờ ơ, sẽ dấn thân và dám chấp nhận thách thức, vươn lên để khẳng định mình cũng như góp phần vào sự vững mạnh của quốc gia.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Thanh niên năm 2023: Thanh niên Việt Nam có tâm thế sẵn sàng tham gia các hoạt động chính trị-xã hội, một số lĩnh vực ở mức cao, bao gồm: Giữ gìn quốc phòng an ninh; đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội; hoạt động tình nguyện, nhân đạo. Trong đó, phần đông thanh niên tham gia các hoạt động chính trị-xã hội xuất phát chủ yếu từ sự tự nguyện, thấy được trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng.