Hà Nội 12 ngày đêm năm ấy

Năm mươi năm đã qua. Mỗi lần nhớ về 12 ngày đêm Hà Nội chìm ngập trong lửa bom rải thảm B-52 của không lực Hoa Kỳ, khi cả Hà Nội là một chiến trường đánh giặc trên không, lại dội lên những ký ức không bao giờ quên trong đời làm báo. Qua 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" ấy, ta càng hiểu thêm sức mạnh tiềm ẩn, vẻ đẹp bất tận, phẩm giá con người Thủ đô trước bom đạn vô cùng tàn bạo của kẻ thù.
0:00 / 0:00
0:00
Những ngày ấy, người già, phụ nữ, mấy vạn trẻ em mũ rơm đội đầu rời khỏi thành phố về các làng ven đô và các tỉnh xa, để Hà Nội quyết chiến đấu. Ảnh tư liệu
Những ngày ấy, người già, phụ nữ, mấy vạn trẻ em mũ rơm đội đầu rời khỏi thành phố về các làng ven đô và các tỉnh xa, để Hà Nội quyết chiến đấu. Ảnh tư liệu

Mùa đông tháng Chạp năm ấy, các cụ già thọ trăm tuổi quê gốc Hà Nội nói rằng, sắp đến cõi rồi mà chưa thấy năm nào tiết trời Hà Nội lại khắc nghiệt rét lạnh đến như vậy. Đứng trên đài quan sát với các chiến sĩ Phòng không Hà Nội đặt trên sân thượng nhà ngân hàng (nay là trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), ngôi nhà cao nhất Hà Nội thời ấy, gió thổi ào ào như giông như bão. Chúng tôi đứng áp lưng vào nhau, mũ sắt chụp đầu, khăn phu-la quàng cổ, áo bông chần khoác ngoài, thuốc lá rít đỏ đầu môi… mà chân tay vẫn run cóng.

Trước khi được trao nhiệm vụ cho nhóm phóng viên chiến tranh lên đây cùng các chiến sĩ trinh sát Phòng không Hà Nội canh giữ cửa ngõ vùng trời Hà Nội để phát hiện máy bay B-52 xâm nhập, Tổng Biên tập Hoàng Tùng đã thông báo nhanh với những người làm báo ở lại sống chết với Thủ đô: Nixon tráo trở, đoàn đàm phán Paris của ta đã bỏ về nước, đêm nay kẻ địch sẽ dùng pháo đài bay B-52 đánh phá Hà Nội làm áp lực trên bàn đàm phán. Đúng như Bác Hồ tiên đoán: Sớm muộn giặc Mỹ cũng sẽ dùng máy bay phản lực B-52 đánh phá Hà Nội, trước khi cam chịu thất bại đầu hàng…

Biết trước điều này, sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến đấu Điện Biên Phủ trên không này, các đơn vị tên lửa đã âm thầm kéo quân vào Quảng Bình, Vĩnh Linh và đường mòn Hồ Chí Minh đêm ngày đánh B-52 để rút kinh nghiệm. Các phi công lái Mig tập bay đêm, đánh đêm, cất cánh mọi thời tiết, sân bay dã chiến nào cũng bay lên được. Các pháo cao xạ tầm cao đã chia ô bắn trên vùng trời Hà Nội. Các lực lượng phòng không của đoàn quân tự vệ sao vuông đóng trận địa trên các sân thượng nhà cao tầng…; đón lõng ở các cửa sông, cửa biển, bờ đê sông Đuống, sông Hồng… đánh máy bay tầm thấp.

Chuẩn bị cho cuộc chiến đấu này, những ngày ấy, người già, phụ nữ, mấy vạn trẻ em mũ rơm đội đầu rời khỏi thành phố về các làng ven đô và các tỉnh xa… Hà Nội quyết chiến đấu.

Từ các cửa ô, trên các con phố, từng dòng xe đạp nối đuôi nhau như suối chảy chở người và đồ đạc ra khỏi thành phố. Những chiếc xe tải, xe mô-tô, xích-lô, xe ba bánh và cả xe bò, xe ngựa, những chuyến tàu leng keng chật ních người rời thành phố theo lệnh phòng không. Trên các hè phố, trước nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà hát, cửa hàng bán gạo, quán ăn, những ngã tư, ngã năm nơi các quầy hàng mậu dịch đứng bán hàng lưu động… san sát những hầm trú ẩn tròn nắp đậy xi-măng, quanh Hồ Gươm hầm dài chữ chi xây gạch, cỏ bắt đầu mọc lên xanh và có những hầm chữ A tre gỗ chắc chắn như ở các vùng bom đạn Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị), Hàm Rồng (Thanh Hóa)...

Cả Hà Nội đã sẵn sàng vào trận. Các nhà báo cũng vậy. Cuốn sổ tay giấy vàng, chiếc bút bi Hồng Hà với mấy cái tem gạo đổi bánh mì nhét trong cái túi vải đeo ngang vai, có lệnh là lên đường…

Chiếc xe com-măng-ca hiếm hoi dành cho nhóm phóng viên chiến tranh cơ động Phạm Thanh, Đỗ Quảng, Trần Quỳnh, Chính Yên, Văn Bang… lúc nào cũng đầy xăng, cờ Phòng không cắm trước mũi xe sẵn sàng lăn bánh xung trận, phóng chạy như lao dưới làn bom đánh phá.

Đừng quên, đừng có bao giờ quên! Kẻ địch đánh phá hủy diệt. Nixon đã ra lệnh dùng toàn bộ 200 máy bay chiến lược B-52 của Mỹ ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á - bằng một nửa tổng số máy bay B-52 của toàn nước Mỹ, ồ ạt đánh phá Hà Nội 12 ngày đêm… kể từ 8 giờ tối ngày 18/12 đến 29/12. Số bom ném xuống bốn huyện ngoại thành và các khu phố đông dân trung tâm Hà Nội ước tính đã bằng năm quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm nào. Con phố Khâm Thiên ba vạn dân có nhiều ngõ ngách và sầm uất bậc nhất Hà Nội bị san phẳng. Bệnh viện Bạch Mai, nhà ga Hàng Cỏ, trường học An Dương, không ít các làng mạc ở Gia Lâm, Đông Anh, Uy Nỗ, Mễ Trì trúng bom rải thảm lửa cháy đỏ rực một góc trời… Nơi nào cũng có máu đổ, người chết, khăn tang trắng làng, vườn tược, đình chùa miếu mạo không còn nhận ra dấu vết…

Mười hai ngày đêm ấy, 81 máy bay không lực Hoa Kỳ đã bị bắn tan xác, trong đó có 34 pháo đài bay B-52, năm chiếc phản lực "cánh cụp cánh xòe". Bắn rơi cả phản lực, trinh sát, máy bay lên thẳng MH53 đến cứu phi công nhảy dù. Chưa bao giờ chiến trường Hà Nội lại bắt sống được nhiều phi công Hoa Kỳ như thế.

Đi ra phía cửa ô nào của Hà Nội cũng thấy xác B-52 tung tóe trên các cánh đồng trồng lúa, trồng khoai. B-52 bị bắn hạ, rơi ngay trên đường Hoàng Hoa Thám, ao sen làng hoa Ngọc Hà. Phi công Mỹ bị bắt sống ở ngay trong nội đô, đằng sau Nhà hát Lớn Hà Nội. Những giặc lái đi vào khách sạn Hilton đều khai: Lực lượng Phòng không Hà Nội đã chia ô bắn trên bầu trời. Hà Nội là tọa độ lửa. Hà Nội là khu 6 đối với các phi công Mỹ mỗi khi được lệnh cất cánh bay vào vùng trời Hà Nội - Chúng gọi Hà Nội là khu 6 - đã bay vào là cầm chắc cái chết, vì hỏa lực phòng không trên trời, dưới đất.

Bom đạn rải thảm như thế, mà sáng dậy đã nghe tàu điện leng keng chở rau tươi từ ngoại thành đưa vào các chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Bưởi… Đường phố sạch lá rụng, vẫn có những cô gái gánh hoa đếm bước trên lề đường, treo các gói hoa nơi cửa nhà trong khu phố cổ. Nhà hát lớn, rạp Công nhân sân khấu vẫn sáng đèn… Đêm đêm Nhà thờ lớn, Nhà thờ Cửa Bắc vẫn rung chuông…

Lửa bom rải thảm đưa Hà Nội trở về đồ đá - như Mỹ tuyên bố - người ta vẫn cưới nhau, vẫn có phù dâu, phù rể, nam thanh nữ tú đội tráp cau trầu đi đón người về sống chung một nhà. Khi thành phố lên đèn, trước cửa ga Hàng Cỏ vẫn có những ông tẩm quất mù trải chiếu chờ khách. Chẳng thể nào quên được, sau một trận bom dữ dội rung chuyển trời đất, ngang qua các con phố Trần Hưng Đạo từ trong căn gác nhỏ sáng đèn vẫn nghe tiếng dương cầm thánh thót buồn trầm bài Thư gửi Elise của Beethoven…

Trong những ngày ấy nhà văn kỳ tài Nguyễn Tuân cùng kẻ viết bài này được mời dự đám cưới, cô dâu, chú rể đều là pháo thủ của trận địa cao xạ khu công nghiệp Cao-Xà-Lá, Hà Nội. Cảm động lắm! Sau trận nổ súng bắn máy bay giặc, pháo thủ thay ca trực chiến cho cô dâu, chú rể vào hội trường làm lễ… Điếu thuốc ngậm trên môi, tay cầm chiếc kẹo cô dâu chú rể mời chưa kịp bóc…, đôi mắt nhà văn Nguyễn Tuân không giấu khỏi xúc động. Ông viết: Sau cái đám cưới chớp nhoáng ở hội trường nhà máy, ngày mai chú rể lên đường nhập ngũ, cô dâu lại ra trận địa phòng không trực chiến. Sức mạnh Việt Nam. Người Hà Nội hào hoa trước bom đạn kẻ thù là vậy.

Những ai còn nhớ hay đã quên những ngày Hà Nội chìm trong lửa bom rải thảm, bom nổ rung chuyển trời đất, dưới hầm khách sạn Metropole Hà Nội, Jane Fonda vẫn ôm đàn hát vui vẻ với nhân viên khách sạn và bạn bè quốc tế đến với Việt Nam. Kể sao cho hết những chuyện xảy ra trong 12 ngày đêm mùa đông năm ấy, được sánh như trận Điện Biên Phủ đánh giặc trên trời. Nhớ lắm, qua một đêm chiến đấu tiểu đoàn tên lửa bắn rơi tại chỗ hai B-52, bắt sống giặc lái và sĩ quan hoa tiêu siêu pháo đài bay ngay vùng ven Hồ Tây. Khi mặt trời vừa ló rạng, các chiến sĩ ở đơn vị này đã nhận được lẵng hoa tươi của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi tới chúc mừng. Dưới giàn tên lửa còn ướt đẫm sương đêm, những người lính trẻ ôm đàn hát với ca sĩ Bích Liên và những cư dân đến chia vui, mừng đánh thắng trận đầu…

Hà Nội 12 ngày đêm năm ấy ảnh 1

Từ trái qua phải: Nhà báo Thép Mới, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà báo Đỗ Quảng và nhà thơ Huy Cận trước Bệnh viện Bạch Mai vừa bị dội bom B-52 của Mỹ. Ảnh: Tư liệu Báo Nhân Dân

Chiến tranh, bom đạn. Bên thắng, bên thua. Năm mươi năm, nửa thế kỷ qua rồi, những giọt nước mắt bé gái tay cầm sổ mua gạo nói như van lạy cô mậu dịch viên: Bom Mỹ giết chết mẹ cháu rồi, xin cô đừng xóa tên mẹ cháu trong sổ mua gạo… cứ ám ảnh tôi cho đến bây giờ…

Qua các đường phố sầm uất, nhộn nhịp đông đúc hôm nay người ta không còn nhận ra những dấu vết của 12 ngày đêm bom đạn năm nào. Xin hãy nhớ những người đã khuất ở Khâm Thiên, Gia Lâm, Đông Anh, Uy Nỗ, các thầy thuốc ở bệnh viện Bạch Mai, các phi công, chiến sĩ tên lửa, cao xạ, tự vệ và những nơi bom B-52 đã gieo tang tóc, đau thương cho đồng bào mình