Gửi vào sóng những nỗi niềm thăm thẳm

Cách đây đúng ba năm, vào một buổi chiều đã muộn, cánh cửa nhà triển lãm trên phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) sắp đóng, có một cậu bé mười tuổi vẫn chăm chú ngắm bức ảnh mang tên "Về nhà thôi các anh" chụp con hạc giấy trên mặt biển xanh trong Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì biển đảo Tổ quốc. Ít ai biết rằng, kể từ đó, cậu học sinh tiểu học tự tìm hiểu tư liệu lịch sử, tự tay làm những món quà, viết từng bức thư cho các liệt sĩ gửi theo các đoàn công tác Trường Sa dâng trong Lễ tưởng niệm.
0:00 / 0:00
0:00
Cháu Kiều Chấn Long bên những món quà chứa đầy cảm xúc gửi ra Trường Sa. Ảnh: Trần Thành
Cháu Kiều Chấn Long bên những món quà chứa đầy cảm xúc gửi ra Trường Sa. Ảnh: Trần Thành

CĂN phòng của ba mẹ con, bà cháu bé Kiều Chấn Long đang thuê thật chật chội dù ai cũng đều cố gắng xếp đặt ngăn nắp nhất có thể, là bởi tâm hồn cậu bé luôn đau đáu tình yêu biển đảo và muốn thể hiện qua từng "tác phẩm" của mình. Có khi đó là hàng trăm con hạc giấy được làm thủ công, mỗi con một tư thế riêng, cuốn lá cờ Tổ quốc, cài hoa bàng vuông, trái tim đỏ rực… như cách em hình dung về các anh hùng liệt sĩ lúc hy sinh. Có khi là những tháp sen, tháp chim, đèn hoa… mà cậu bé đã kỳ công gấp, cắt, ghép, nung… từ nhiều nguyên liệu. Để nung thành công biểu tượng lá bồ đề, biết bao buổi chiều sau giờ học Chấn Long tha thẩn ở sân chùa, hòa xi-măng đắp lên lá rụng làm phôi. Khi ấy, cậu bé mới 10 tuổi, học lớp 4, Trường tiểu học Dịch Vọng 1, Cầu Giấy, Hà Nội. Trong Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì biển đảo, khoảnh khắc đoàn công tác thả vòng hoa, hạc giấy xuống biển và đọc thư của Kiều Chấn Long, ai cũng rưng rưng. Từ tàu, sẽ luôn có một chiếc xuồng được thả xuống làm nhiệm vụ, trên đó là các phóng viên với máy ảnh, thiết bị trên tay. Chúng tôi cảm nhận rõ tay mình đang run lên, tim như ngừng đập khi loa truyền thanh vang lên từng lời lẽ thơ ngây, thiết tha của cậu bé Hà Nội. Kiều Chấn Long chưa có cơ hội đến với Trường Sa, nhưng em luôn gửi quà cho các bạn nhỏ khắp quần đảo. Kèm theo mỗi món quà, cậu bé cũng lại viết thư, nói về ý nghĩa, niềm mong cầu bình an cho các chiến sĩ, hòa bình phồn vinh cho Tổ quốc mình.

Các anh hùng liệt sĩ hy sinh khi còn rất trẻ. Có biết bao cha mẹ mòn mỏi ngóng con về. Có bao nhiêu người con ra đời chỉ biết mặt cha qua di ảnh. Trên chiếc xuồng đặc biệt, chúng tôi thường có cảm giác lạnh rất sâu khi lễ tưởng niệm diễn ra. Những con sóng, làn gió hay cơn mưa bóng mây ghé qua như cũng mang tâm tình sâu nặng hướng về bao máu xương đã hòa giữa thẳm xanh... Có những điều lạ lùng đã diễn ra, không thể nào lý giải. Như chuyện thời tiết, biển khơi có thế nào thì thời khắc lễ tưởng niệm sẽ lặng như tờ. Đến cách bơi của lũ cá chuồn ngày thường tinh nghịch bấy giờ lại quây tròn như một vòng tay ôm lấy con tàu. Nghĩa trang ở Trường Sa, liệt sĩ hy sinh ở đảo này có thể sẽ an nghỉ tại đảo kia và hầu hết gia đình các anh đều đã gạt nỗi đau riêng tư, bày tỏ nguyện vọng cho con mình được vĩnh viễn nằm lại đó, bên đồng đội đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc. Trên đảo Nam Yết có ba ngôi mộ của các liệt sĩ hy sinh tại đảo Đá Lớn, trong đó có liệt sĩ Lại Huy Công và Nguyễn Văn Cường hy sinh năm 2012 khi làm nhiệm vụ tuần tra trên biển. Sóng gió ập đến, đồng chí Cường từ xuồng bị rơi xuống biển, đồng chí Công bất chấp hiểm nguy lao xuống cứu đồng đội. Đó là người bơi lặn giỏi nhất tổ tuần tra, nhưng sóng gió hung bạo đã nhấn chìm cả hai. Thời điểm ấy, vợ đồng chí Công ở quê nhà vừa sinh con gái. Anh mãi mãi ra đi, không được biết mặt con mình. Cũng hy sinh khi xả thân cứu đồng đội, năm 1997, liệt sĩ Nguyễn Quốc Huy trên đảo Thuyền Chài B khi đang là điểm trưởng đảo đã bất chấp nguy hiểm bơi ra cứu giúp đồng đội vừa bơi ra biển cắm cờ tập luyện. Sau khi cứu được đồng đội vào bờ, cơn sóng dữ đã cuốn anh đi vĩnh viễn. Trong tác phẩm "Ðảo chìm" của nhà thơ Trần Ðăng Khoa, tôi cứ ám ảnh mãi về người lính có biệt danh Hai Ùm trong tình huống giông bão, cố chèo xuồng để vớt chiếc ba-lô của người đồng đội trẻ đã hy sinh trước đó. Gia tài người lính chỉ một chiếc ba-lô có bộ quân phục để gửi về cho mẹ già mỏi mòn ngóng từng dòng tin con. Có lần, gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa, tôi hỏi anh văn cảnh xây dựng nhân vật. Anh bảo, nguyên mẫu hoàn toàn có thật. Hai Ùm tên thật là Phạm Văn Hai, quê ở Hà Nam. Ngày anh lên đảo Thuyền Chài, anh Hai đã giao chiếc ba-lô cho nhà thơ giữ. "Trong ba-lô có đôi đũa và chiếc bát sắt, mỗi lúc sóng gió chao đảo lại lục sục, leng keng. Anh Hai luôn trở dậy trong mỗi đêm như thế, lấy bát nước ngọt-thứ mà bộ đội trên đảo ngày xưa quý như máu-để lên thành giường rồi thành kính chắp tay. Đồng đội ra đi không còn hài cốt, tất cả chỉ vỏn vẹn chiếc ba-lô ấy. Vì thế mà anh xả thân lao xuống con xuồng nhỏ quay cuồng trong giông bão, trở lại đảo để "cứu" chiếc ba-lô. Đó là kỷ vật duy nhất gửi lại người mẹ ở quê nhà, an táng làm mộ gió cho con", nhà thơ Trần Đăng Khoa ngậm ngùi hồi tưởng lại. Trên biển đảo, mỗi liệt sĩ hy sinh một cách khác nhau nên những con hạc giấy của Kiều Chấn Long cũng mang nhiều dáng vẻ. Liệt sĩ Nguyễn Văn Thi quê ở Thanh Hóa hy sinh năm 2001 lúc lao ra biển cứu chiếc xuồng bị sóng cuốn trôi. Đồng đội của anh mãi nhắc nhớ về người lính báo vụ đã ra đi khi chỉ còn 13 giờ nữa là sinh nhật tuổi 26. Trên biển đảo Tổ quốc ta, nơi Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin… không có một nấm mộ nào nhưng đó mãi là nghĩa trang đỏ. Tại đây, trong cuộc chiến không cân sức với quân xâm lược, những dây người đã nối giữa thẳm xanh, niềm tin siết chặt, để máu mình tô thắm non sông.

Trong chuyến công tác Trường Sa năm 2022, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi vẫn đang kể lại câu chuyện về cuộc gặp gỡ đặc biệt với nữ quân nhân Trần Thị Thủy, con gái Liệt sĩ-Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Phương hy sinh tại Gạc Ma. Chị Thủy hiện công tác ở đúng đơn vị của cha mình năm xưa và làm bộ phận văn thư. Suốt chuyến công tác, chị luôn mẫn cán, tận tụy, chuẩn chỉ và quan tâm tới mọi người. Khi tới đảo Cô Lin, địa điểm gần nơi cha chị hy sinh, một số thành viên đoàn công tác được đọc cuốn nhật ký của liệt sĩ Trần Văn Phương để lại mà chị luôn mang theo bên mình. Được nghe về một tình yêu rất đẹp của chàng chiến sĩ trẻ năm xưa với cô gái Mai Thị Hoa quê ở Quảng Bình. Năm 1988, liệt sĩ hy sinh khi chỉ gần hai tháng nữa con gái sẽ chào đời... Trong màu áo hải quân, giữa Lễ tưởng niệm trang nghiêm mà xúc động, ánh mắt ngấn nước của Trần Thị Thủy như đang gửi vào sóng những nỗi niềm thăm thẳm. Cha mẹ, vợ con của người lính, dù đau đớn, chông chênh đến nhường nào vẫn luôn giữ niềm tin, bản lĩnh và tình yêu tha thiết. Tình yêu ấy từ lâu đã vượt khỏi câu chuyện riêng tư, hòa nhịp cùng sóng gió, trời mây, lan tỏa tới mọi người nguồn cảm xúc thật bình dị mà sâu lắng.