Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một chủ trương đúng đắn của Ðảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, đồng thời cũng là điều kiện để các doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân, đẩy lùi tâm lý "sính hàng ngoại"; hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, tiết kiệm nguồn ngoại tệ cho đất nước. Nhận thức tầm quan trọng của chủ trương này, Agribank chú trọng tuyên truyền, kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nội dung Cuộc vận động đến toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động, qua đó để cán bộ, đảng viên và người lao động nêu cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, nhận thức đúng đắn về khả năng sản xuất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam; ưu tiên mua sắm, dùng hàng Việt Nam khi có nhu cầu, coi đó là hành động biểu hiện lòng yêu nước, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước
phát triển.
Mặt khác Agribank tham gia hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thông qua đẩy mạnh hoạt động đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu, chủ yếu đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, với tỷ trọng vốn dành cho "Tam nông" luôn chiếm hơn 70% dư nợ nền kinh tế của Agribank và chiếm hơn 50% nguồn vốn mà Việt Nam đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Thông qua cung ứng kịp thời nguồn vốn, Agribank cùng ngành Ngân hàng giúp hàng triệu hộ sản xuất, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa ngày càng có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt Nam theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay vì sở thích mua sắm hàng hóa nhập khẩu. Ðiều này được thấy rõ nhất tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước với chất lượng bảo đảm, giá thành vừa phải. Bên cạnh cung ứng vốn, Agribank cung cấp cho thị trường thanh toán hơn 200 SPDV ngân hàng tiện ích, trong đó có nhiều sản phẩm dịch vụ được khẳng định là thương hiệu quốc gia, đáp ứng nhu cầu đa dạng về giao dịch, thanh toán của nhiều đối tượng khách hàng, qua đó góp phần xây dựng niềm tin đối với khách hàng Việt. Với nỗ lực đưa nguồn vốn và dịch vụ ngân hàng đến gần hơn với khách hàng, đặc biệt là người dân sinh sống tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu vùng xa, Agribank đẩy mạnh triển khai mô hình Tổ vay vốn, Ðiểm giao dịch lưu động bằng ô-tô chuyên dùng, cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân được vay vốn và sử dụng ngày càng nhiều dịch vụ ngân hàng.
Thời gian qua, Agribank tích cực hợp tác, liên kết, bán chéo sản phẩm với các đối tác trong Ðảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương nói riêng và nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói chung (tiến hành ký kết với Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Vietnam Airlines...) để cùng đưa sản phẩm dịch vụ trong nước đến với người tiêu dùng, qua đó cùng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ðảng và chủ trương của Chính phủ về phát huy vai trò "đầu tàu" của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trong việc hỗ trợ nhau cùng phát triển và hoàn thành tốt nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước tin tưởng giao phó, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, Agribank chủ động, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các địa phương, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, qua đó tiếp cận mở rộng cho vay và cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi đối với quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa, nhất là thị trường nội địa.
Tích cực xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt
Chính phủ đã phê duyệt và đẩy mạnh triển khai "Ðề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020", Ðề án "Nâng cao tiếp cận dịch vụ ngân hàng trong nền kinh tế" tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ năm 2019 và các năm tiếp theo. Xu hướng khách hàng gia tăng sử dụng SPDV của Ngân hàng ngày càng rõ nét. Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh, người tiêu dùng đã khá quen với phương tiện điện tử thanh toán, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Trong những năm qua, Agribank đã xây dựng được thương hiệu gần gũi, thân thiện, có dấu ấn và bản sắc riêng trong tâm trí khách hàng, hình ảnh Agribank - Ngân hàng gắn với sứ mệnh "Tam nông", giữ vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, thương hiệu Agribank đã dần hiện hữu trong thói quen tiêu dùng, giao dịch thanh toán của người dân Việt Nam.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công thương tổ chức mới đây tại Hà Nội, Agribank vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Công thương vì có đóng góp tích cực trong 10 năm triển khai Cuộc vận động, ghi nhận sự nỗ lực của Agribank cùng các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, nhân dân cả nước trong hành trình phát triển hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, hình thành văn hóa tiêu dùng của người Việt trong giai đoạn mới. |
Ðể tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", qua đó tích cực cùng cộng đồng xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt trong giai đoạn mới, Agribank xác định tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, người lao động về Cuộc vận động; tích cực tìm kiếm khách hàng mới, tăng cường hợp tác với các đối tác trong Ðảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Phát huy vai trò "đầu tàu" của NHTM Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, giữ vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, bên cạnh kiên định mục tiêu đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định không ngừng phát triển đa dạng hóa SPDV, cung cấp các SPDV trọn gói, cải tiến chất lượng dịch vụ để phục vụ ngày càng tốt hơn nữa mọi đối tượng khách hàng. Trong xu thế phát triển nền kinh tế số, Agribank tập trung phát triển mạnh về công nghệ và các dịch vụ ngân hàng điện tử, nhằm đem đến cho khách hàng nhiều hơn nữa những tiện ích và giá trị gia tăng khác biệt trong giao dịch thanh toán, tích cực góp phần phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam...
Tích cực tham gia chương trình của các Hiệp hội để nắm bắt tình hình hoạt động, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ cũng như sản phẩm các doanh nghiệp cung cấp để có cơ hội tiếp cận, xúc tiến hợp tác giữa các bên, tham gia các chương trình bình ổn thị trường, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước, cũng như tiếp tục xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới.