Gió cuối mùa

Chị một mình co ro trong gian nhà trọ tạm bợ của người dân sống gần khu trại giam. Chỉ một cái chăn đơn mỏng manh với chiếc chiếu trải lên ổ rơm, bình thường chắc chị không chịu nổi bởi từ bé chị đã rất sợ mùa đông, sợ những cơn gió rét buốt đến tím người. Nhưng hôm nay, chị không còn sợ nữa, vì trong kia, con của chị đang phải gồng mình chịu những cơn gió lạnh buốt giữa cái cảnh thiếu thốn của những kẻ tù tội.
0:00 / 0:00
0:00
Gió cuối mùa

Hôm nay đúng là chị bước chân trái ra cổng. Buổi sáng tranh thủ bán nốt chỗ hàng còn ế từ hôm qua nên đến quá trưa chị mới về nhà. Lo cho con gái xong, vội vàng ăn tạm bát cơm nguội rồi đi thăm nuôi con trai. Đã thế chiếc xe máy cà tàng lại dở chứng dọc đường, dắt bộ đi giữa trời lạnh mà còn toát cả mồ hôi mới gặp được quán sửa xe. Từ ngã ba rẽ vào trại giam còn ba cây số nữa mà đã hơn bốn giờ chiều. Chị vội vàng nhấn tay ga cho xe chạy nhanh thêm chút nữa. Chị nhìn thấy từ đằng xa, một chiếc xe thùng bịt kín đang từ từ đi ra. Chị chợt thấy đau nhói trong ngực, tay lái loạng choạng. Chị hốt hoảng phanh gấp làm cả người và xe đổ kềnh xuống vệ đường. Cũng may chỉ bị trầy xước nhẹ. Vào đến trại giam cũng là lúc hết giờ thăm gặp.

Nhìn cậu cán bộ quản giáo chỉ hơn đứa con lớn của mình vài tuổi, chị nói bằng giọng năn nỉ:

- Cháu ơi, bác ở tận Thái Nguyên lên đây thăm con, vì xe hỏng giữa đường nên không kịp giờ, cháu có thể linh động giúp bác gửi cho em nó ít đồ được không? Để bác còn kịp về trong đêm.

Người quản giáo quay lại, nhìn chị từ đầu xuống chân rồi nói:

- Đã hết giờ thăm gặp, mời bác về cho.

Chị ngượng ngùng rụt vội mấy ngón chân vào đôi dép tổ ong to quá cỡ, để giấu đi những cái móng nom như những vẩy ốc, buồn rầu nói tiếp:

- Chờ đến thứ sáu thì lâu quá cháu ạ. Ở nhà bác còn đứa con gái tật nguyền không ai chăm sóc, cháu giúp bác được không? Vừa nói chị vừa bí mật nhét tờ tiền vào túi áo của người quản giáo.

- Thôi được, bác chờ ở đây, để cháu đi hỏi xem có được không.

Khoảng hai mươi phút sau thì người quản giáo kia quay lại nói:

- Quản giáo trực buồng giam đã nghỉ nên bác phải đợi đến mai. Bởi bác là trường hợp đặc biệt nên ban giám thị mới linh động cho bác gặp, chứ theo nội quy thì đúng thứ ba và thứ sáu hằng tuần mới là ngày thăm nuôi phạm nhân.

"Trường hợp đặc biệt gì, không có năm mươi nghìn thì đợi đấy mà linh với chả động"- chị mỉa mai nghĩ thầm. Nhưng dù sao nhận được sự "linh động" kia của trại giam cũng là một may mắn. Nhìn trời đang tối dần, chị thấy vô cùng lo lắng. Giờ ở lại thì biết đi đâu mà nghỉ, còn con Luyến ở nhà tối nay thì sao đây? Thấy nét băn khoăn hiện rõ trên mặt chị, người quản giáo vội hỏi:

- Bác về hay ở lại chờ đến mai?

Giọng chị buồn bã:

- Về thì biết bao giờ mới lên thăm được nó đây. Từ hồi nó chuyển lên trại này tới giờ, đây là lần thứ hai bác lên với nó cháu ạ.

Nói đến đây giọng chị nghẹn lại. Nhìn người quản giáo, chị nói với giọng rụt rè:

- Cháu cho bác gọi nhờ một cuộc điện thoại có được không?

Người quản giáo đưa chiếc điện thoại cho chị nhưng chị lắc đầu:

- Bác không biết sử dụng nó đâu, nhờ cháu gọi hộ theo số này cho bác với.

Nghe thấy tiếng chuông đầu dây bên kia, người quản giáo đưa máy cho chị. Chị ý tứ đứng xa một chút gọi về, dặn dò, nhờ vả cô hàng xóm quan tâm giúp đứa con gái tật nguyền, rồi trả lại điện thoại cho người quản giáo, không quên nói lời cảm ơn. Chị uể oải quay ra chỗ để xe.

- Bác bỏ quên túi này.

Tiếng anh quản giáo sau lưng làm chị giật mình quay lại:

- À, bác xin. Cảm ơn cháu nhiều.

Chưa đợi chị nói dứt câu, anh quản giáo dặn dò:

- Bác nghỉ ở đâu thì nhớ gần khu vực trại, để sáng mai còn vào sớm. Bác đưa sổ thăm gặp đây, mai cháu đưa lên ban giám thị sớm.

- Ôi quý hóa quá, được cháu giúp cho thật là may mắn.

Nói xong chị liền mở túi lấy quyển sổ, trong bụng thầm nghĩ: "Đúng là đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Chỉ có năm mươi nghìn mà nhiệt tình thế. Làm gì phải mất đến vài trăm như cô Thư ở nhà dặn dò: "Chị nhớ đút cho tay quản giáo đôi ba trăm thì nhờ vả mới dễ được".

Cậu quản giáo đưa tay đón lấy quyển sổ rồi ân cần hỏi chị:

- Thế bác đã có chỗ nghỉ qua đêm chưa? Nếu chưa, bác ra ngay bên ngoài cổng trại mấy trăm mét, có nhà chị bán quán cơm bình dân nghỉ tạm. Quán cơm có biển hiệu là Minh Tâm, bác nhớ nhé.

Thoáng nghĩ đến số tiền ít ỏi còn lại trong túi để mai gửi lưu ký cho con, giờ lại phải bớt xén để trả tiền trọ qua đêm, chị khẽ thở dài. Nhưng cậu quản giáo đã nói thế mà từ chối thì e không tiện.

★★★

Hai năm trước, bị lão chồng đuổi nên chị và con Luyến phải đi thuê nhà để ở. Luyến bị bệnh down bẩm sinh, sự hiểu biết và giao tiếp đều chỉ ở mức trẻ mới lên hai, bập bẹ đôi ba từ, lắm hôm trở trời nó gào rú, làm phiền đến hàng xóm. Vì thế mà chị phải thay đổi chỗ ở mấy lần. Chị không có việc làm ổn định, hằng ngày chỉ biết trông vào chợ búa. Năm ấy, thằng Luân mới mười lăm tuổi, ở với bố. Phải xa mẹ, nó rất buồn. Từ hôm bố nó đưa người đàn bà khác về sống chung, nó bỏ lên ở với chị. Thấy con trở về chị mừng lắm. Mẹ con, anh em lại được đoàn tụ. Nó còn biết ra chợ, phụ chị việc hàng quán. Cả chợ ai cũng khen thằng bé ngoan ngoãn. Mẹ con cứ thế, quấn quýt bên nhau, tiếng cười chật cả gian nhà. Nhưng rồi...

Ngày hay tin con bị bắt vì can tội "cướp tài sản có tổ chức", chị tưởng như mình không thể vượt qua nổi. Mấy ngày liền chị như điên, như dại, chạy các ngả các nơi xem con mình bị nhốt ở đâu. Nó mới có mười tám tuổi mà đã phải chịu cảnh tù đày, trái tim như bị bóp nát. Giận con làm chuyện dại dột cũng có mà xót con thì nhiều. Mỗi lần bưng bát cơm, chị lại nhớ đến tiếng cười của nó. Càng nghĩ chị càng nghẹn ngào.

Ngày xử án, chị đi từ rất sớm. Nhìn chiếc xe thùng kín mít chuyên dùng để chở tù nhân, chị như thấy mình ngộp thở. Con trai của chị đang ngồi trong đấy, ba tháng trời hai mẹ con không nhìn thấy nhau, lòng chị đau như có ai cào cấu.

Nhìn thấy con mình đi giữa hai chú công an, đầu nó ngoái lại nhìn chị mà nước mắt giàn giụa. Cái còng số tám trên cổ tay nó bị một vệt nắng chiếu vào, lóe lên một tia sáng sắc nhọn cứa vào tim chị, chị ngã xuống rồi không biết gì nữa.

Không biết có phải vì lý do sức khỏe của mẹ phạm nhân hay còn vì lý do nào khác mà tòa án hôm ấy báo hoãn phiên xử.

Chẳng biết bằng cách nào mà tối hôm đấy, chị nhận được thư của con, cầm tờ giấy được xé từ vở học sinh, nhìn nét chữ lí nhí viết sát vào nhau, chị đã đọc trong nước mắt. Ngoài những lời ăn năn, hối hận và xin lỗi mẹ ra, thì nó chỉ mong chị hãy vì nó mà cố gắng giữ gìn, đừng suy nghĩ nhiều mà ảnh hưởng sức khỏe.

Lần hai ra tòa. Chị có vẻ bình tâm hơn. Thằng con chị cũng vì bạn bè mà thành tội phạm. Thằng Khiêm bạn nó làm mất tiền đóng học phí, sợ bị bố đánh và nhà trường đuổi. Vì thương bạn, thằng Luân đã lừa một cậu bé đang học cấp hai mang xe đạp đi cắm lấy tiền để thêm tiền cho bạn. Cậu bé kia về nhà, không thấy xe, mẹ hỏi thì khai ra là bị bọn anh Luân và anh Khiêm bắt đem đi cắm. Mẹ cậu bé đó liền làm đơn, trình báo với công an là con mình bị cướp.

Con chị bị kết án ba năm tù giam, tính từ ngày bị bắt. Lúc nghe tòa xử, tai chị như ù đi, tim như có vật gì đó đâm trúng. Chị được ai đó dìu ra ngoài phòng xử. Chị từ từ ngã người xuống chiếc ghế đá lạnh băng kê ngoài hành lang. Khi ánh mắt chạm phải chiếc xe thùng, chị bất chợt bật người ngồi dậy: "Mình phải cứng rắn lên, các con đang trông chờ nên không được phép ngã xuống vào lúc này".

Chị chạy theo bám vào cửa xe thùng, nói với con mấy câu vội vàng:

- Nếu thương mẹ thì hãy yên tâm cải tạo cho tốt con nhé, bất cứ con chuyển đi trại nào, mẹ cũng theo con, sẽ luôn bên con, cùng con cố gắng.

Từ đấy, trong chị có một ám ảnh, hễ cứ nhìn thấy xe thùng chở phạm nhân chạy trên đường là ruột gan như bị ai xát muối.

★★★

Tiếng gà đã gọi sáng. Chị dậy gấp gọn chăn chiếu, sửa soạn lại túi đồ mua cho con, thấy rơi từ trong túi ra tờ tiền. Quá đỗi ngạc nhiên. Trong túi chị chỉ có duy nhất một tờ năm mươi nghìn thì chiều qua đã đút lót cho cậu quản giáo kia rồi, giờ sao nó lại nằm trong túi nhỉ. Chị chợt nhớ ra lúc mình quên túi ở phòng tiếp dân, người quản giáo cầm ra đưa cho chị. Thì ra cậu ấy đã đút vào túi trả lại tiền. Chị ngớ người, thấy ân hận và tự trách bản thân quá hồ đồ vì đã có những ý nghĩ không hay về cậu quản giáo. Định bụng đến giờ làm việc, chị sẽ đến cảm ơn cậu ta thay cho lời xin lỗi.

Chị tìm chủ nhà để thanh toán tiền trọ thì bà chủ nói:

- Không phải trả tiền đâu. Chị là người quen của quản giáo Minh mà.

Thấy chị không hiểu, thì bà chủ nhà nói tiếp:

- Chập tối hôm qua, quản giáo Minh gọi điện bảo có người quen lên xin ở nhờ qua đêm để sáng nay lên trại thăm nuôi con. Là người quen của quản giáo Minh nên mình không lấy tiền đâu- chị vừa nói vừa xua tay- chú Minh tốt lắm, thương người, lại hay giúp đỡ người nghèo nên ai cũng quý à.

Một lần nữa chị lại ngạc nhiên. Cứ tưởng cô Thư truyền đạt kinh nghiệm "tế nhị" khi đi trại giam thăm nuôi, hóa ra cả hai chị em đều lầm. Những giọt nước mắt cảm động xen lẫn ngượng ngùng tràn xuống má. Chị đưa tay quệt nhanh rồi vội bước ra ngoài.

Đã gần sáu giờ sáng, hơn nữa lại ở giữa khu rừng núi hoang vu này nên đêm vẫn còn mù mịt lắm, không một vầng sáng báo hiệu bình minh đang bắt đầu.