Gieo thay đổi, gặt giá trị

Sản xuất lúa gạo là ngành dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu nhưng cũng là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn. Vì thế, nhiều chuyên gia tin tưởng những gì chúng ta gieo sự thay đổi từ Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", sẽ gặt hái được nhiều giá trị.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng dụng công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho cánh đồng thí điểm. Ảnh: LÊ PHƯƠNG
Ứng dụng công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho cánh đồng thí điểm. Ảnh: LÊ PHƯƠNG

Từ thí điểm thành công mô hình này tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa "Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao" trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.

Sẽ định vị lại thương hiệu gạo Việt

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam, với sản lượng lúa ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm, chiếm hơn 55% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Sản xuất lúa gạo góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu hộ nông dân.

Tuy vùng châu thổ đã có nhiều chương trình, dự án, mô hình sản xuất lúa tiên tiến, thân thiện với môi trường được áp dụng, song ngành hàng lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế. Với đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) được phê duyệt triển khai tại 12/13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre không tham gia do diện tích lúa ít), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, đề án mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo. Từ đó nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đóng góp vào tăng trưởng xanh, góp phần bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, sự thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh lúa gạo, hợp tác công-tư hiệu quả, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á… sẽ là chìa khóa cho thành công của đề án. "Trong quá trình triển khai đề án, sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới, như chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề án chia làm hai giai đoạn, triển khai tại 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long; với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha chuyên canh lúa đến năm 2030. Ngay từ vụ đông xuân 2023-2024, Đề án bắt đầu được triển khai với tổng diện tích tham gia khoảng 180.000 ha. Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là bảo đảm lợi nhuận cho nông dân ở mức hơn 40% vào năm 2025 và hơn 50% vào năm 2030. Mục tiêu này là hoàn toàn khả thi với sản xuất lúa bền vững.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã, hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt hơn 50% diện tích; hơn 200.000 hộ dân áp dụng quy trình canh tác bền vững; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Nhận định về đề án này, ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) nói, Việt Nam là một trong ba nước nằm trong top 3 nước xuất khẩu gạo thế giới. Việt Nam đang ở thời điểm vàng để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, định vị lại lúa carbon thấp. Đây là cách để Việt Nam quảng bá, định vị lại thương hiệu gạo Việt Nam, tính trách nhiệm của Việt Nam đối với sản xuất lúa gạo, nâng vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Ông Cao Thăng Bình tính toán sơ bộ, đề án sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, nếu đầu tư cho cả chương trình khoảng 1 tỷ USD thì sẽ sinh lợi khoảng 4 tỷ USD. Riêng phần giảm chi phí sản xuất, giảm phân bón khoảng 30% là lợi ích rất lớn đối với đất nước. Ngoài ra, thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao góp phần quản lý tốt môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long thì gánh nặng về kinh tế-xã hội, sức khỏe cộng đồng sẽ tốt hơn.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thì cho rằng, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chính là giải pháp căn cơ, giúp cả người nông dân và doanh nghiệp cùng toàn xã hội đều có lợi. "Đây là đề án được các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở thế giới làm đề án này", ông Bình nói.

Cần đồng bộ giải pháp và nguồn lực

Triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, theo ông Tôn Thất Sơn Phong, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ nay đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 2,7 tỷ USD từ các nguồn vốn để thực hiện. Tuy nhiên, nguồn lực trong nước hiện rất khó khăn. Cho nên, việc sớm huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế vô cùng quan trọng và hết sức cấp bách.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là đề án của Chính phủ, đòi hỏi phải có cơ chế đồng bộ không chỉ ở 1 triệu ha mà còn nhân rộng diện tích ra 3,8 triệu ha theo chương trình lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ông Nam cho biết, có bốn nội dung cần quan tâm của dự án là hệ thống thủy lợi; quy hoạch; vấn đề giao thông và cơ giới hóa đồng bộ. Đối với nguồn vốn vay từ WB rất cần thiết để hỗ trợ cho những nguồn lực thực hiện đề án này. "Dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng và kỹ thuật giai đoạn 2026-2031 có hai nguồn vốn. Thứ nhất là nguồn vốn vay của WB và nguồn vốn từ đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó, ở dự án này cần phải đặc biệt quan tâm đến hệ thống thủy lợi nội đồng, trạm bơm và quy hoạch của từng địa phương. Ngoài ra, vấn đề giao thông nội đồng cần được quan tâm để giảm chi phí vận chuyển, tăng hiệu quả và vấn đề cần quan tâm cuối cùng là cơ giới hóa đồng bộ", ông Nam phân tích.

Nhiều ý kiến khuyến nghị, để thực hiện thành công Đề án, các bộ, ngành cần kịp thời làm tốt công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và nâng cao nhận thức, hành động cho nông dân, cho cán bộ quản lý cùng các thành viên của hợp tác xã nông nghiệp và các bên có liên quan. Thúc đẩy nông dân liên kết với nhau thông qua các hợp tác xã nông nghiệp và có sự gắn kết chặt với doanh nghiệp để hình thành các "cánh đồng lớn" sản xuất lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Việc liên kết là rất quan trọng để thuận lợi trong áp dụng các quy trình canh tác lúa gạo bền vững, cũng như đo đếm lượng giảm phát thải để bán tín chỉ carbon, mà từng nông hộ nhỏ lẻ khó thực hiện được.

Và để triển khai mang lại hiệu quả thực chất, các chuyên gia đề nghị cần thiết phải có cơ chế quy định rõ lợi ích của các doanh nghiệp khi tham gia triển khai đề án; đầu tư mạnh mẽ cho cơ giới hóa và hệ thống hạ tầng thủy lợi để giữ nước ngọt phục vụ sản xuất lúa gạo; có cơ chế điều phối hoạt động xuất khẩu gạo để bảo đảm tối đa quyền lợi của người nông dân và ngành hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Cần thí điểm chương trình tín chỉ carbon trong bối cảnh các tổ chức quốc tế cam kết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về tài chính và tiếp cận thị trường. Và cần thiết phải lồng ghép Đề án với các chương trình khác; tăng cường huy động nguồn lực cho Đề án thông qua hình thức đối tác công-tư; tăng cường hợp tác quốc tế.

Mục tiêu của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là hướng đến xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như "1 phải 5 giảm", tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform - SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.