Giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư

Khó khăn chung của kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ tới Việt Nam. Bên cạnh nhận diện được vấn đề, tìm ra giải pháp phù hợp, việc đưa ra thông điệp mạnh mẽ về sự cam kết ổn định chính sách trong nước, lấy ổn định chính sách trong nước để bù đắp cho những bất ổn trên thế giới được cho là nền tảng quan trọng tạo đà phát triển bứt phá của Việt Nam trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ về tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển. Ảnh: TTXVN
Trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ về tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách

Năm 2022, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế-xã hội quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Nhiều tổ chức quốc tế nhận định, Việt Nam là "điểm sáng trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, thời điểm cuối năm 2022, bước sang những tháng đầu năm 2023 đã cho thấy nhiều dấu hiệu đáng quan ngại. Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam suy giảm rõ rệt; trong hai tháng đầu năm 2023 có tới 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ có 37.900 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay lại thị trường.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 vừa diễn ra, đại diện nhiều tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao những thành công của Việt Nam trong quản lý kinh tế, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Song, không ít đại diện hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng chỉ ra những nguyên nhân đang kéo giảm hiệu quả các dự án đầu tư, cản trở thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam như: Khâu thực thi chính sách pháp luật và việc triển khai chính sách pháp luật của một số nơi còn quá cứng nhắc và thiếu thống nhất ở cấp làm việc tại cả Trung ương và địa phương khiến các doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn; một số luật và quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, đặc biệt là đối với một số nội dung mới như kinh tế số, môi trường, những lĩnh vực này cần khuôn khổ pháp lý linh hoạt hơn để các doanh nghiệp nước ngoài có thể phát triển mạnh mẽ; thời gian cấp giấy phép lao động kéo dài; "giấy phép con"…

Dự và phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn trước các biến động của thế giới, trong khi nội tại còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Do đó, Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn, phát huy những kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm đã có, nhận diện được vấn đề, lắng nghe ý kiến của nhau để tìm ra giải pháp phù hợp, hợp tác bền chặt, lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ về việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển. Cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; quan tâm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước; tích cực giải quyết dứt điểm các vướng mắc cho nhà đầu tư…

Khơi thông dòng vốn cho năng lượng tái tạo

Một trong những vấn đề đang nhận được sự quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp chính là cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển và sử dụng các loại năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh: Để giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy một tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch hơn, điều cần thiết là hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và đưa vào một chiến lược bù đắp cho năng lượng từ than. Với nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió dồi dào của Việt Nam, điều quan trọng là phải chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi căn bản sang các nguồn năng lượng tái tạo này, trong đó khơi thông dòng vốn đầu tư là yêu cầu cấp thiết.

Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được phát thải carbon trung hòa vào năm 2050, theo Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) Thomas Jacobs, Việt Nam phải đẩy mạnh việc khử carbon nền kinh tế thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực công, tư nhân và nguồn tài chính cần có. Cùng quan điểm, Trưởng Nhóm công tác VBF về Điện và Năng lượng John Rockhold chia sẻ: Biểu giá điện hỗ trợ (FiT) cho các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió là bằng chứng cho thấy chính sách có thể khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, có khoảng 2GW trong số 5GW của những dự án năng lượng tái tạo đã được xây dựng, sẵn sàng đi vào vận hành nhưng không đáp ứng được thời hạn Ngày vận hành thương mại (COD) để được hưởng giá FiT. Tình huống này đặt ra những lo ngại về môi trường đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam nói chung. Chính vì vậy, để thu hút nguồn vốn đầu tư vào các dự án và hoạt động cung ứng vật tư thiết bị cho các dự án này, việc kịp thời có giải pháp cho những dự án chuyển tiếp là cần thiết hơn bao giờ hết.

Về nguồn vốn đầu tư hệ thống truyền tải và phân phối điện, ông John Rockhold cho rằng: Để thu hút 16 tỷ USD được nói đến trong Nghị quyết 55 và Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần tạo ra khung pháp lý và cơ chế thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Nếu có khung pháp lý phù hợp sẽ khuyến khích dòng vốn chảy vào Việt Nam.

Liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam mà không ảnh hưởng lợi ích của nhà đầu tư.