Giai điệu Tổ quốc

Mùa thu 2022. Tổ quốc trong hồn ta lại vang ngân những giai điệu mới - giai điệu trầm hùng sau sóng gầm, lũ cuốn. Đại dịch Covid-19 về cơ bản đã tạm lui, ngôn ngữ mà các nhà kinh tế thường gọi là đã đẩy lùi, khống chế được. Kinh tế đã phục hồi, phát triển theo chiều hướng tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh cầu Thủ Thiêm 2 (TP Hồ Chí Minh) chính thức được khánh thành đưa vào sử dụng ngày 28/4/2022. Ảnh: Nguyễn Minh
Toàn cảnh cầu Thủ Thiêm 2 (TP Hồ Chí Minh) chính thức được khánh thành đưa vào sử dụng ngày 28/4/2022. Ảnh: Nguyễn Minh

Mỗi khi thu về, khi cả nước kỷ niệm Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong tôi lại ngân lên những khúc hát hào hùng một thuở: Đất nước, Đường chúng ta đi, Giai điệu Tổ quốc... Nhưng, với tôi, da diết nhất là âm điệu và ca từ trong bài Giai điệu Tổ quốc của nhạc sĩ Trần Tiến.

Ông sáng tác bài này vào năm 1980, khi biên giới phía bắc rền vang tiếng súng. Ngày ấy tôi làm báo trong quân đội, có mặt ở biên giới Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai, Yên Bái), chứng kiến những người lính trẻ sau trận đánh, ôm ghi-ta hát trong chiến hào "Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi/Dịu dàng trong tiếng ru hời/Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi/Trầm sâu trong tiếng đất trời...".

Bỗng thấy thiêng liêng từng nắm đất, từng ngọn cỏ, từng gốc sim cằn nơi biên cương mây sà xuống thung lũng như đẫm sương chiều. Bỗng thấy hình ảnh Tổ quốc thật là giản dị, gần gũi như dòng sông, dáng núi, như bàn tay nóng hổi giữa bàn tay.

Thời gian trôi thật nhanh. Mới đó đã 77 năm nhân dân ta vùng dậy phá bỏ xiềng xích, giành độc lập, tự do. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào, Tuyên Quang - thủ đô kháng chiến. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước tổng khởi nghĩa.

Người kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Tiếng sấm Tháng Tám nổ ra vào khoảng giữa thế kỷ XX, diễn ra trong vòng 15 ngày và đã giành thắng lợi vĩ đại. Từ đây chấm dứt hàng nghìn năm đô hộ của phong kiến, hàng trăm năm thực dân đế quốc cướp đi của dân ta quyền sống, quyền làm người.

Giai điệu Tổ quốc vút lên từ mùa thu Tháng Tám - 1945; từ Điện Biên Phủ oai hùng tháng 5 năm 1954; từ những đoàn quân trùng trùng tiến về Sài Gòn làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975; từ mảnh đất biên cương hùng tráng, những năm 80 thế kỷ XX, mỗi người dân là một người lính, quân với dân "sống bám đá, chết bất tử cùng đá"; từ Đổi mới 1986 đến nay, làm nên một cơ đồ tươi sáng cho dải đất bên bờ sóng Biển Đông.

Thời gian trôi đi, nhưng lịch sử như dòng sông không ngừng chảy tiếp tục bồi đắp, gạn lọc và kết tinh những giá trị mới. Các thế hệ người Việt Nam nối tiếp nhau "quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy" (Tuyên ngôn Độc lập).

Những chiến công vang dội qua các thời kỳ lịch sử bao giờ cũng được thế hệ sau trân trọng nhắc nhớ cùng với truyền thống vẻ vang của dân tộc, bởi truyền thống là cái nền, cái cốt hun đúc nên sức mạnh, niềm tin và sự tỉnh thức. Có một truyền thống bao trùm hết thảy, như dòng sông mẹ chảy qua mọi vùng đất, mọi thời đại, đó là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý chí độc lập và tự lực tự cường của dân tộc.

Truyền thống ấy được tác giả Giai điệu Tổ quốc "nghe" thấy "trong những câu Kiều, trong tiếng chiêng đồng, trong đoàn quân đi, trong lời bão tố...". Trong các thời kỳ lịch sử, lúc cách mạng tiến lên như dòng thác lớn hòa cùng dòng thác thời đại, hay trong những khúc quanh của lịch sử, vào những lúc khó khăn nhất, truyền thống luôn nhắc bài học đoàn kết, "ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Đương nhiên, phải có sự dẫn đường của một Đảng tiên phong về lý luận cách mạng, ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc, không có bất kỳ một lợi ích nào khác.

Tinh thần Đổi-mới-sáng-tạo ấy, chúng ta thấy rõ trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 5. Nhờ sáng tạo mà con mắt nhìn dòng sông cuộn xiết nhận ra ngay những xoáy nước, những hiểm nguy rình rập, thậm chí cả những bèo bọt, phù du không ích gì cho kết lắng phù sa.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 bàn về nhiều vấn đề hệ trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc tới tinh thần đổi mới liên tục, triệt để, sáng tạo ấy trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng sắp tới: "xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, có bước đi phù hợp; chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước...".

Có những vấn đề nóng liên quan đến tình hình quốc tế, khu vực được Trung ương đề cập, như việc biểu thị sự đồng tình, đánh giá cao về những chủ trương, quyết sách kịp thời, đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta trước những diễn biến rất phức tạp tại Ukraine và trên thế giới.

Lúc này càng cần phải theo dõi sát tình hình, dự báo các tình huống, khả năng có thể xảy ra để chủ động có các phương án ứng phó kịp thời, phù hợp, có hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực, theo đúng tinh thần "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế".

Công việc của hôm nay là sự tiếp nối và làm sáng đẹp hơn những trang sử hào hùng . Đây là lúc chúng ta cùng nhớ lại tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trong ngày 2/9/1945. Đó là cơ sở pháp lý vững chắc, không chỉ có giá trị lịch sử mà còn nóng hổi tính thời sự.

Năm tháng qua đi, nhưng Tuyên ngôn Độc lập vẫn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do.

Công việc của hôm nay nhắc mỗi người, nhất là những cán bộ giữ trọng trách trong bộ máy lãnh đạo, quản lý chớ bao giờ xao nhãng gánh trách nhiệm trên vai, bớt say sưa về những bó hoa trên tay; "bớt lòng ham muốn về vật chất" mà nghĩ nhiều hơn về đạo đức, danh dự, về sự giàu có về văn hóa. Trước nhiệm vụ mới không nói "không", không nói "khó".

Nói khó và dễ là phép so sánh biện chứng để bổ sung cho nhau, chứ không phải để né tránh, thoái lui. Và nói thì phải đi đôi với làm, không để tình trạng "sấm to mưa nhỏ". Niềm tin của người dân bắt đầu từ những việc nhìn thấy trên đường phố, dưới bóng tre, trong doanh nghiệp, chứ không phải ở những lời hứa như cái khuôn đúc sẵn.

Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tin tưởng chính là yếu tố căn bản để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, thật sự của dân, do dân, vì dân.

Đương nhiên, sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa là tiền đề để thực hiện tốt những nhiệm vụ khác. Bác Hồ từng trích dẫn câu tục ngữ Trung Hoa để khẳng định vai trò quan trọng của phát triển kinh tế: "dân dĩ thực vi tiên" (dân lấy cái ăn làm trời).

Nay chúng ta nói về xây dựng "tam nông": "phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" (Nghị quyết Trung ương 5), suy cho cùng cũng là nhằm làm giàu cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân, để nơi nào trên đất nước này cũng có thể là miền quê đáng sống.

Nền kinh tế cả nước đang phục hồi và phát triển. Đó là những tín hiệu vui, dẫu còn nhiều mây đen cuối chân trời. Trong một nhận định mới nhất, Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam đã bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn trong điều kiện thế giới khó khăn, giá cả hàng hóa tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 tại một số quốc gia.

Các nhà nghiên cứu kinh tế đánh giá kinh tế Việt Nam đang phát triển theo các mô hình chữ U, chữ W, hoặc V. "Chữ" gì thì còn phải tiếp tục theo dõi, để tổng hợp, phân tích và phân tích thường quan trọng hơn. Nhưng "giai điệu" đất nước thì vẫn trầm bổng, tha thiết giục bước chân đi lên, mạnh giỏi, kiên cường. "Và tôi yêu, và tôi hát, lời bỏng cháy, những ngày này..." chúng ta yêu hơn, tin hơn những mùa Thu đất nước thời Đổi mới không ngừng và sáng tạo.