Thế giới năm 2023

Đứt gãy và định hình

Đến tận những ngày cuối cùng, thế giới năm 2023 vẫn bị bủa vây bởi không ít vấn đề u ám. Song, dù sao, có lẽ những đường nét chính của một cục diện địa chính trị quốc tế mới, đa cực và đa phương hóa mạnh mẽ hơn, cũng đã được phác thảo rõ nét hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Nỗi ám ảnh mang tên “khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu”.
Nỗi ám ảnh mang tên “khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu”.

1. Ít nhất, đối diện với "mệnh lệnh sinh tồn", nhân loại cuối cùng cũng đã tìm được cách nhìn về cùng một hướng, để tạo nên những bước ngoặt đáng chú ý tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

COP28, với chương trình nghị sự bất ngờ phải kéo dài thêm một ngày so lịch trình dự kiến, đạt được thỏa thuận đánh dấu "sự khởi đầu cho hồi kết của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch", kêu gọi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại COP28, thế giới chính thức khởi động Quỹ Tổn thất và Thiệt hại với khoản tài trợ ban đầu hơn 600 triệu USD, tạo đà giải quyết bài toán tài chính khí hậu, đặc biệt là cho những nước kém phát triển hơn, nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

COP28 chứng kiến Cam kết làm mát toàn cầu với sự tham gia của 63 quốc gia, trong đó có Việt Nam, hướng đến mục tiêu giảm ít nhất 68% lượng khí thải liên quan đến làm mát vào năm 2050 so mức năm 2022. COP28 cũng là nơi ra đời thỏa thuận tăng gấp ba lần sản lượng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn cầu vào năm 2030, quyết định chung được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) gọi là "đòn bẩy quan trọng nhất", nhằm hạn chế lượng khí thải carbon và kiềm chế quá trình nóng lên toàn cầu.

Cho dù vẫn còn một chặng đường rất dài và gian nan trước mắt, những cam kết được xác nhận ở COP28 vẫn chính là chiếc mỏ neo gìn giữ niềm tin vào tương lai của cả hành tinh, sau khi địa cầu trải qua một mùa hè có nền nhiệt cao nhất trong lịch sử, cũng như đang vật lộn với một mùa đông khắc nghiệt bậc nhất lịch sử, cùng hàng loạt thảm họa thiên tai như sóng nhiệt, lũ lụt, cháy rừng... gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở nhiều châu lục.

2. Song song những mối đe dọa hủy diệt từ quá trình biến đổi khí hậu và môi trường, những đường nét bất an trên diện mạo thế giới năm 2023 còn hằn sâu thêm với các tác động thảm khốc của chiến tranh và xung đột.

Tại miền đông Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga, hay nói ngắn gọn là cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine tiếp diễn qua tháng thứ 22, mà triển vọng hòa bình vẫn còn vô cùng mờ mịt. Có thể nói, đây là cuộc chiến đã và đang định hình lại trật tự thế giới. Về bản chất, khía cạnh quân sự chỉ là tầng mức thấp nhất của một cuộc đọ sức toàn diện (về cả kinh tế lẫn sức ảnh hưởng địa chiến lược), giữa hệ giá trị đơn cực phương Tây (mà đứng đầu là nước Mỹ) với khát vọng "lập cực" của những trung tâm quyền lực đang trở lại hoặc trỗi dậy - điều vốn đã được giới quan sát quốc tế dự báo từ những năm đầu thiên niên kỷ mới.

Nối tiếp cuộc xung đột đó, năm 2023 chứng kiến tình trạng bất ổn chính trị liên tiếp xảy ra tại châu Phi, dẫn đến việc nước Pháp nói riêng cũng như phương Tây nói chung đánh mất vị trí của mình tại các nước thuộc khu vực Sahel, khu vực ảnh hưởng truyền thống của họ.

Chưa hết, chỉ trong ba tháng cuối năm, thế giới chấn động với cuộc xung đột trên Dải Gaza, giữa quân đội Israel và lực lượng Hồi giáo vũ trang Hamas. Sau sự khởi đầu đẫm máu ngày 7/10, vòng xoáy bạo lực tiếp tục cướp đi sinh mệnh của gần 21.000 dân thường Palestine (số liệu cập nhật đến chiều 27/12/2023), cùng gần 54.000 người khác bị thương, cũng như hàng trăm nghìn người vẫn còn đang ở trong tình trạng nguy hiểm (bao gồm rất nhiều phụ nữ và trẻ em). Trong khi đó, các tàu hàng đi qua tuyến hàng hải huyết mạch ở Biển Đỏ vẫn đang bị lực lượng Houthi tại Yemen tấn công, nhằm đáp trả các hành động quân sự của Israel tại Dải Gaza. Những lằn ranh cũng như những sự đứt gãy toàn cầu lại càng trở nên sâu sắc hơn.

3. Trong gọng kìm biến đổi khí hậu (làm suy thoái và thu hẹp đáng kể diện tích canh tác toàn cầu) cùng chiến tranh, xung đột (đặc biệt là chiến tranh hay xung đột tại những khu vực sản xuất lương thực chính), đi kèm tác động của những cú sốc kinh tế, tần suất xuất hiện của cụm từ "thảm họa nhân đạo" trên các phương tiện thông tin đại chúng mỗi lúc một trở nên dày đặc.

Song, ở một khía cạnh rộng lớn hơn, tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu đã trở thành một tiếng chuông báo động gay gắt, với những số liệu thống kê đầy nghịch lý. Hơn 780 triệu người trên khắp thế giới đang trong tình trạng thiếu lương thực, trong khi mỗi năm, hơn 30% sản lượng lương thực của hành tinh (tương ứng với khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực, thực phẩm) đã bị hết hạn hoặc bị vứt bỏ trước khi đến tay người tiêu dùng.

Cùng với an ninh lương thực, an ninh nguồn nước sạch trên khắp thế giới cũng đã và đang trở thành một vấn đề vô cùng căng thẳng, thậm chí có nguy cơ dẫn đến chiến tranh và xung đột để giành giật nguồn nước, trong một cái vòng luẩn quẩn. Một cách ngắn gọn, mỗi năm, thế giới vứt đi 100 tỷ USD chỉ vì lãng phí thực phẩm. 250 tỷ m3 nước được dùng để sản xuất số thực phẩm này, do đó, cũng bị lãng phí theo. Và đến cùng cơn khát trên những vùng đất đói nghèo, sẽ hoàn toàn có thể là bệnh dịch.

An ninh nguồn nước, cũng như an ninh lương thực toàn cầu, vì thế, đã trở thành các vấn đề trọng điểm, trong những chương trình hành động của các cơ quan Liên hợp quốc. Đã có rất nhiều hội nghị được tổ chức, rất nhiều lời kêu gọi được đưa ra và cũng đã có những kế hoạch thực tế được xúc tiến.

Song, cũng như mọi thách thức toàn cầu khác, như xung đột, đại dịch hay biến đổi khí hậu, giải pháp cốt lõi vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào chính khả năng hợp tác, sự đồng thuận và ý thức cộng đồng chung, của cả loài người.