Đừng để điều đó chỉ là một trào lưu!

Cách đây hơn 10 năm, dư luận từng lo ngại trước sự thiếu hiểu biết về lịch sử của thế hệ trẻ. Nhưng thực tế ấy đang dần thay đổi, một phần nhờ vào đội ngũ những nhà sáng tạo nội dung trẻ tuổi nặng lòng với lịch sử nước nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Quỳnh Giao, chủ kênh TikTok Giao Cùn. Ảnh: NVCC.
Quỳnh Giao, chủ kênh TikTok Giao Cùn. Ảnh: NVCC.

Lịch sử qua góc nhìn trẻ

Thời gian gần đây, lịch sử trở thành mảng đề tài được rất nhiều nhà sáng tạo nội dung (content creator) trên internet khai thác. Tại các nền tảng như TikTok hay YouTube, không khó để bắt gặp những kênh video lịch sử thu hút hàng triệu lượt xem, với lượng truy cập chủ yếu là từ khán giả trẻ.

Điều này cho thấy phần đông giới trẻ Việt Nam vẫn rất quan tâm đến lịch sử nước nhà, không thờ ơ như dư luận lo ngại. Vấn đề ở đây là những cách truyền tải lịch sử thông thường chưa mang lại hiệu quả cao. Thế hệ trẻ cần được tiếp nhận lịch sử thông qua những góc nhìn mang hơi thở thời đại. Và thế là, đội ngũ sáng tạo nội dung trẻ tuổi, với tư duy của người trẻ, đã tìm tòi nhiều cách thức sáng tạo để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử dân tộc.

Những kênh lịch sử trên YouTube hay TikTok đều cho thấy sự phong phú về mặt nội dung và đa dạng hình thức thể hiện. Từ lịch sử phong kiến, lịch sử hiện đại đến những cuộc chiến chống quân xâm lược hay đơn giản là cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam cách đây vài thế kỷ, thay vì sử dụng số liệu hay con chữ khô cứng, các YouTuber/ TikToker (người làm nội dung trên hai nền tảng đó) sử dụng hình ảnh, các đoạn phim tư liệu, đồ họa thông tin hay cầu kỳ hơn là "vẽ" luôn một bộ phim hoạt hình để minh họa cho nội dung. Điểm chung của các video này là tập trung vào các chi tiết ấn tượng, thời lượng video ngắn giúp người trẻ dễ xem, dễ nhớ, đúng với xu thế toàn cầu.

Với không ít người trong số họ, lượt xem (và lợi nhuận từ số lượt xem) chắc chắn không phải mục đích cuối cùng, mà phải là "một giấc mơ lớn cho sử Việt". Chị Quỳnh Giao, chủ kênh TikTok Giao Cùn, chuyên về lịch sử phong kiến có hàng triệu lượt xem, chia sẻ: "Tôi và bạn bè đang cố gắng phục dựng các họa tiết hoa văn trên cổ vật để ứng dụng vào các sản phẩm hiện đại. Tôi muốn các bạn trẻ hãy tự hào, vì hoa văn, trang phục, văn hóa Việt Nam không hề thua kém nước nào. Theo tôi, nơi bảo tồn văn hóa tốt nhất không phải là bảo tàng mà chính là trong đời sống của người dân Việt".

Bên cạnh đó, một xu hướng được rất nhiều bạn trẻ ưa thích, là lịch sử được chuyển tải theo cách hài hước. Các nhà sáng tạo nội dung đã khéo léo kết hợp giữa câu chuyện lịch sử và các sản phẩm giải trí đại chúng để tạo ra những tấm ảnh hài hước (memes) nhằm truyền tải lịch sử theo cách cô đọng nhất.

Những cách thể hiện lịch sử qua lăng kính giới trẻ đôi khi sẽ bị xem là lệch chuẩn, không tôn trọng lịch sử theo quan điểm của thế hệ đi trước. Khoảng cách thế hệ khiến những tranh cãi là không thể tránh khỏi. Nhưng, thực tế, ở nhiều khía cạnh, các YouTuber/TikToker ấy cũng đã ít nhiều thành công trong việc khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và tình yêu sử Việt của giới trẻ. Điều đó là "những viên gạch" đầu tiên, nếu chúng ta muốn làm sâu sắc thêm nhận thức của thế hệ trẻ về truyền thống dân tộc. Nói nôm na, trước khi mong giới trẻ yêu sử thì phải làm cho họ không còn sợ sử.

Chung tay để lan tỏa

Những nhà sáng tạo nội dung trẻ tuổi về đề tài lịch sử thường khó tiếp cận các tư liệu quý, cũng như khá thiếu kinh nghiệm khi thẩm định các nguồn sử liệu. Bên cạnh đó, nhận thức chính trị của một số content creator còn hạn chế, dẫn đến việc lòng yêu nước bị lợi dụng biến thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan, quá khích, thậm chí để lại ấn tượng chưa đẹp về đất nước Việt Nam trên môi trường mạng. Vậy nên, rất cần sự vào cuộc hỗ trợ giám sát của các cơ quan quản lý và những nhà nghiên cứu sử học.

Với các nhà sáng tạo nội dung phi lợi nhuận, kinh phí cũng là vấn đề vô cùng nan giải, vì việc sản xuất các nội dung lịch sử đôi khi đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn, vượt quá khả năng cá nhân của người trẻ. Điển hình như trường hợp của anh Viên Hồng Quang, người phục chế tư liệu lịch sử có hàng triệu lượt xem trên TikTok. Anh đã đầu tư nhiều máy móc, hàng trăm giờ lao động, để tái hiện hình ảnh lịch sử một cách chân thực nhất có thể. "Tôi luôn tâm niệm: Phục chế tư liệu lịch sử là dành cho cộng đồng, không nghĩ đến lợi nhuận. Tuy nhiên, để duy trì và hoàn tất các dự án cộng đồng, vẫn rất cần sự quan tâm đồng hành, hỗ trợ kinh phí từ xã hội", anh trăn trở.

Có thể nói, các nhà sáng tạo nội dung trẻ tuổi đã làm tốt nhiệm vụ thắp lên ngọn lửa yêu lịch sử trong lòng thế hệ trẻ. Nhưng để ngọn lửa ấy bùng cháy, còn cần nhiều hơn thế. Chúng ta có thể nghĩ đến một diễn đàn thường niên cho những người làm nội dung lịch sử để chia sẻ kinh nghiệm. Diễn đàn ấy cũng cần sự góp mặt của các chuyên gia lịch sử, nhằm giúp các bạn tiếp cận với nguồn sử liệu đa dạng và chính xác. Để công bằng, cũng có thể xác lập những cơ chế chia sẻ lợi nhuận (nếu có) dành cho bên cung cấp và thẩm định tư liệu. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để kêu gọi nguồn lực tài chính xã hội hóa, nhằm hỗ trợ phát triển cộng đồng lịch sử.

Thành công của nhiều content creator trong mảng đề tài lịch sử cũng chỉ ra rằng: Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho giới trẻ cũng cần thay đổi. Thí dụ cụ thể nhất: Trường hợp của Fanpage Di tích Nhà tù Hỏa Lò, nơi có những bài đăng lịch sử thu hút đến hàng chục nghìn người tương tác. Khả năng sáng tạo của đội ngũ quản trị viên trẻ tuổi hiện đã biến di tích này thành điểm đến không thể bỏ qua của giới trẻ, khi tới Hà Nội. Như vậy, từ khởi điểm là niềm yêu thích hoặc sự tò mò đơn thuần, giới trẻ đã thật sự trực tiếp hiện diện, để tìm hiểu và cảm nhận lịch sử.

Đó mới là đích đến cuối cùng. Một nền tảng vững bền, chứ không chỉ là trào lưu nổi lên, tạo sóng rồi lại thoái trào…