Đột phá từ tư duy

Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024, Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt nhấn mạnh: Qua thực tiễn của các kỳ Olympic Tokyo 2020, ASIAD 18 và 19, đã đến lúc Thể thao Việt Nam cần có sự nhìn nhận mới về cả tư duy và cách thức đầu tư. Nếu không sớm có sự thay đổi, rất khó để cạnh tranh ở các đấu trường châu lục và thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Nguyễn Thị Thật là một trong số những vận động viên giành vé tham dự Olympic Paris 2024.
Nguyễn Thị Thật là một trong số những vận động viên giành vé tham dự Olympic Paris 2024.

NĂM 2023 được xem là khoảng thời gian vô cùng bận rộn với thể thao nước nhà. Trong suốt 12 tháng qua, các vận động viên Việt Nam đã thi đấu xuất sắc, giành 1.429 huy chương quốc tế. Trong đó, có 571 huy chương vàng, 404 huy chương bạc và 454 huy chương đồng.

Dù gặp khó khăn do bị cắt giảm nhiều bộ môn và nội dung thế mạnh, Thể thao Việt Nam vẫn ghi dấu ấn với lần đầu giành ngôi nhất toàn đoàn ở một kỳ Đại hội tổ chức ở nước bạn. Đặc biệt, đây cũng là kỳ SEA Games thứ hai liên tiếp Việt Nam giành ngôi vị dẫn đầu.

Sau thành công ở SEA Games 32, Đoàn Thể thao Việt Nam cũng hoàn thành chỉ tiêu đề ra tại ASIAD 19, với ba huy chương vàng, năm huy chương bạc và 19 huy chương đồng. Kết quả này giúp chúng ta xếp vị trí thứ 21 trên tổng số 45 quốc gia tham dự.

Bên cạnh những thành tích đạt được ở các đấu trường quốc tế, phong trào thể thao quần chúng trong nước ngày càng phát triển sâu rộng. Khi ý thức luyện tập, tham gia các hoạt động thể dục-thể thao rèn luyện sức khỏe của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều hoạt động thể thao ở cơ sở đã được tổ chức với quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Có thể kể đến số lượng lớn các giải chạy marathon, đua xe đạp, ba môn phối hợp, bơi hay yoga... thu hút đông đảo người dân đăng ký tranh tài.

THEO nhận định của Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt, thể thao thành tích cao Việt Nam đã có sự tiến bộ, từng bước khẳng định được vị thế trong khu vực, cũng như tiếp cận trình độ của châu lục và thế giới. Tuy nhiên, muốn phát triển hơn nữa cần có sự đổi mới trong cả tư duy lẫn cách làm.

Kết quả thi đấu năm 2023 cho thấy thành tích của các vận động viên nước nhà còn khoảng cách tương đối xa so thành tích của châu lục và thế giới. Tính riêng kỳ ASIAD 19, thể thao Việt Nam dù đã đạt chỉ tiêu huy chương đề ra, nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của giới chuyên môn và nhân dân cả nước.

Các vận động viên tham dự sân chơi châu lục đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong thi đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Song, so với tính toán ban đầu, một số đội tuyển (như boxing, cử tạ, xe đạp, cờ vua...) vẫn chưa đạt chỉ tiêu đặt ra, chưa thu hẹp được khoảng cách về trình độ so các nước trong khu vực.

Ngoài ra, việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực thể dục-thể thao còn chậm. Đặc biệt, phải kể đến những bất cập tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia và một số đơn vị sự nghiệp của Cục Thể dục-Thể thao. Với nguồn kinh phí đầu tư còn nhiều hạn chế, các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia và nhiều địa phương còn thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị tập luyện.

PHÁT biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai công tác năm 2024, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông yêu cầu Cục Thể dục-Thể thao nhìn lại những hạn chế, khuyết điểm để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới, nhất là công tác quản lý nhà nước tại một số đơn vị thuộc Cục còn buông lỏng, dẫn đến sai phạm không đáng có.

"Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, một số đơn vị có dấu hiệu mất đoàn kết trong nội bộ, công tác quản lý đội tuyển còn xảy ra sai sót. Điển hình là sự việc ở Đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Hiện tại, Việt Nam mới có ba vận động viên giành vé tham dự Olympic Paris 2024 của môn bơi, xe đạp và bắn súng. Với mục tiêu phấn đấu có từ 10-15 suất tranh tài và có huy chương, các vận động viên còn lại cần nỗ lực hơn nữa ở các giải đấu châu lục diễn ra trong nửa đầu năm 2024.

Trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2030, Cục Thể dục-Thể thao đã đề ra sáu nhiệm vụ để nâng tầm Thể thao Việt Nam, bao gồm: quy hoạch, phân nhóm môn thể thao, xác định nội dung thế mạnh có khả năng giành huy chương tại đấu trường ASIAD và Olympic; nâng cao hiệu quả huấn luyện vận động viên; cải thiện chế độ và chính sách đặc thù (như lương, thưởng) cho đội ngũ huấn luyện viên và vận động viên; ứng dụng khoa học-công nghệ, y học thể thao trong công tác huấn luyện; đẩy mạnh xã hội hóa thể thao; bảo đảm nguồn lực để phát triển kinh tế thể thao.