THỰC tế, trong suốt năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm... tác động tiêu cực đến nước ta. Trong bối cảnh này, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, khép lại năm 2023, kinh tế thương mại nước ta ghi nhận nhiều điểm sáng tạo đà tăng trưởng cho năm 2024.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất cao, nhu cầu các nước suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, nước ta vẫn đạt được kết quả tích cực, khi hoạt động thương mại, sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại. Tổng cầu thế giới sụt giảm, nhưng mức suy giảm trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam (mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so năm trước) đã được cải thiện đáng kể.
Về xuất nhập khẩu, trong năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp đã tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ tám liên tiếp, với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp ba lần năm 2022; góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Thậm chí, lĩnh vực xuất nhập khẩu đã có những "bước nhảy ngoạn mục". Cụ thể, trong 11 tháng của năm 2023, giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả đạt tới 5,32 tỷ USD, tăng 74,5%; gạo 4,41 tỷ USD, tăng 36,3%; hạt điều 3,31 tỷ USD, tăng 17,4%, sản phẩm từ ngũ cốc 1,08 tỷ USD, tăng 5,4% và sản phẩm chăn nuôi 453 triệu USD, tăng 23,5%... Đặc biệt là gạo, tính đến hết tháng 11/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 7,4 triệu tấn, thu về hơn 4,1 tỷ USD, tăng 16,1% về lượng và 35,1% về giá trị so cùng kỳ, trong khi mục tiêu ban đầu đề ra cho năm 2023 là xuất khẩu 7 triệu tấn. Đây là thành tựu chưa từng có của ngành gạo kể từ năm 1989 đến nay. Hội nghị Thượng đỉnh Lúa gạo quốc tế năm 2023 diễn ra tại Cebu, Philippines vào cuối tháng 11/2023, Việt Nam giành giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới".
Tại sự kiện giới thiệu báo cáo "Toàn cảnh kinh tế vĩ mô của thế giới và Việt Nam năm 2023, một số nhận định và dự báo xu hướng năm 2024" do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) thực hiện, PGS, TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Trường đại học Kinh tế quốc dân), kiêm Kinh tế trưởng của VESS nhận định: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, xu hướng năm sau thấp hơn năm trước. Thực tế, thương mại quốc tế đã thu hẹp do thu nhập giảm và đồng USD lên giá... Trong năm 2023, tăng trưởng của Việt Nam đã cao dần qua các quý, nhưng ở mức thấp hơn nhiều so con số trung bình 5 năm của giai đoạn trước Covid-19. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP của Việt Nam ba quý đầu năm 2023 đạt 4,2%, vẫn cao hơn nhiều so mức tăng trưởng bình quân trên toàn cầu.
Theo PGS, TS Phạm Thế Anh, những nét chính của kinh tế Việt Nam năm nay là nông-lâm-thủy sản tăng trưởng tích cực, công nghiệp và xây dựng cũng đã có sự tăng trưởng trở lại cùng với sự hồi phục của ngành chế biến, chế tạo. Đặc biệt, giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế. Đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nhiều công trình trọng điểm quốc gia đã trở thành một điểm sáng đáng ghi nhận, tạo động lực "nâng đỡ" tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều "trụ cột" khác rơi vào tình trạng suy giảm.
Đặc biệt, dù đang đối mặt những yếu tố bất lợi như: giá năng lượng cao, thủ tục hành chính còn phức tạp, mất đi ưu đãi về thuế,... song động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn đặt kỳ vọng vào dòng vốn FDI. Sau 11 tháng, vốn FDI đăng ký đã đạt 28,85 tỷ USD (tăng 14,8%); FDI thực hiện đạt 20,25 tỷ USD (tăng 2,8%). Nhiều địa phương đã vững vàng trong danh sách có mức thu hút FDI hơn 1 tỷ USD như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Nghệ An...
PGS, TS Phạm Thế Anh thẳng thắn chỉ rõ: Các rủi ro địa chính trị, xung đột quân sự và thiên tai có thể khiến chính sách tiền tệ càng thắt chặt, khó đảo chiều. Sự chậm lại các dòng thương mại và đầu tư quốc tế khiến cho "cỗ xe" kinh tế Việt Nam phải khựng lại ít nhiều, bất chấp những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư đem lại.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, nhận diện rõ những động lực giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023, cũng như thách thức mà năm 2024 phải đối mặt, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Ngay từ đầu năm 2024, ngành công thương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho hàng Việt trên cả thị trường trong nước và nước ngoài thông qua việc tận dụng lợi thế từ các FTA. Trong đó, chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp tập trung giải quyết các "điểm nghẽn" và tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực nội sinh và tạo động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế đất nước.