Triển vọng bứt tốc của điện ảnh Việt Nam

Nhiều chuyên gia điện ảnh nước ngoài đang rất ngạc nhiên và kỳ vọng vào sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Bằng chứng là, trong khi ở các nước Đông Nam Á như Thái-lan, Philippines..., người xem đua nhau đi xem những phim bom tấn của Hollywood và không mấy mặn mà với điện ảnh nước nhà, thì ở Việt Nam lại ngược lại. Công chúng điện ảnh Việt vẫn thích thưởng thức những phim lớn của Mỹ hay Hàn Quốc, nhưng lại dành những sự ủng hộ đặc biệt cho nhiều bộ phim của các đạo diễn trong nước. Hiện tượng người xem “bùng nổ” với phim Bố già của Vũ Ngọc Đãng - Trấn Thành hay serie phim Lật mặt của Lý Hải, Ròm của Trần Thanh Huy… là những minh chứng đầy thuyết phục. Hiện tượng trên cho thấy điều gì?

Cảnh phim Hai Phượng.
Cảnh phim Hai Phượng.

Thứ nhất, công chúng Việt vẫn còn rất yêu mến điện ảnh nước nhà. Nếu không có công chúng thì nghệ sĩ không thể tồn tại. Người Việt luôn có lòng tự tôn dân tộc. Trong thời đại toàn cầu hóa, ý thức về tính dân tộc lại càng được đề cao. Cùng với sự phát triển về kinh tế của đất nước, người Việt càng trân trọng những sản phẩm do chính tay mình làm ra. Trước đây, chúng ta tự hào là một dân tộc anh hùng trong chiến đấu thì ngày nay, khát vọng đưa Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới ngày càng cháy bỏng. Và không gì bằng cách sáng tạo những sản phẩm “Made in Vietnam”, trong đó, điện ảnh là một sản phẩm có tính đại chúng, dễ hội nhập.

Thứ hai, trong bối cảnh truyền hình, các kênh trực tuyến như YouTube, Webdrama… phát triển rất mạnh, thu hút người xem ngày càng nhiều, thì việc cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Điều đó buộc những nghệ sĩ làm phim Việt phải có ý thức nâng cao chất lượng kỹ thuật cũng như nội dung của những bộ phim. Và các nhà làm phim Việt dường như đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người xem, nhất là đối tượng trẻ. Đó là những người tiếp thu công nghệ rất nhanh, có trình độ sử dụng kỹ thuật mới. Xem những bộ phim của các đạo diễn Việt như Lật mặt, Hai Phượng..., khán giả có thể tự hào về trình độ sử dụng kỹ xảo không thua kém phim nước ngoài - điều mà trước đây phim Việt chưa làm được.

11_1-1624069645788.jpg
 Cảnh phim Lật mặt.
11_2-1624069645883.jpg
Cảnh phim Tiệc trăng máu. 

Thứ ba, dù chúng ta có nhập nhiều phim nước ngoài chăng nữa, thì điều khiến nhiều người lo lắng là sự “xâm lăng” của văn hóa nước ngoài. Trong khi xã hội Việt Nam, con người Việt Nam có biết bao câu chuyện cần phải kể! Vấn đề đặt ra là cần phải kể như thế nào để đồng hành cùng ngôn ngữ điện ảnh quốc tế mà vẫn giữ được tâm hồn người Việt? Bởi những nhà làm phim trẻ thường có ít vốn sống, ít trải nghiệm, câu chuyện họ kể thường thiếu độ bền vững trong khám phá tâm hồn và tính cách Việt. Họ thường tập trung vào một vài ký ức sâu đậm của tuổi thơ (như Bố già, Ròm…). Điều nhiều người lo lắng là họ sẽ kể tiếp những câu chuyện gì hay đi lại những lối mòn? Có thể lấy phim Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh làm thí dụ. Anh đã nghiền ngẫm hàng chục năm để làm tác phẩm này và đã thu được thành công vang dội. Nhưng khi làm những bộ phim “thoát ly” khỏi ký ức cá nhân như Khi yêu đừng quay đầu lại hay Nước - 2030... thì anh chưa chinh phục được công chúng.

11_3-1624069645963.jpg
 Cảnh phim Bố già.

Thứ tư, từ những thay đổi này, nên chăng Nhà nước thay đổi cách đầu tư cho sản xuất những phim mang đậm tính dân tộc, đậm bản sắc văn hóa Việt Nam? Trong các năm 2019 và 2020, Hãng phim Giải phóng và Hãng phim truyện I được Nhà nước đặt hàng hai phim là Hợp đồng bán mình và Lính chiến, nhưng cả hai đều không được các công ty phát hành phim đón nhận. Các phim này làm xong, không được quảng cáo, không được giới truyền thông bình luận, phân tích. Điều đó cho thấy việc đầu tư cho các phim đặt hàng của Nhà nước cần phải xem xét lại từ nhiều khâu. Không thể để tình trạng vốn đầu tư của Nhà nước vào điện ảnh đã ngày càng ít lại không có hiệu quả như những bộ phim kể trên. Trong khi đó, đạo diễn Đặng Nhật Minh vừa kêu gọi vốn tư nhân, vừa tự bỏ vốn của mình để làm phim Hoa nhài - một bộ phim phản ánh con người Hà Nội trong sự chuyển mình của cơ chế thị trường lại không được Nhà nước đặt hàng. Hiện nay, Hoa nhài đã sang giai đoạn hậu kỳ và vẫn rất cần sự tiếp sức về tài chính để hoàn thành.

Thứ năm, những bộ phim làm theo kịch bản nước ngoài ngày càng trở nên xa lạ với thị hiếu của khán giả Việt Nam. Những năm trước, loại phim mang nhãn hiệu “remake” (làm lại) tràn ngập màn ảnh Việt như Bạn gái tôi là sếp, Tháng năm rực rỡ..., nhưng bây giờ, người xem đã quá chán với những câu chuyện xa lạ, nhân vật không gần gũi, tình huống phim giả tạo... Điều đó tạo ra nhiều khoảng không gian tích cực cho nhiều nhà làm phim trẻ trong nước.

Vấn đề cuối cùng, có thể, đã đến lúc, chúng ta không nên phân chia hai dòng phim nghệ thuật và thương mại nữa. Điều này chỉ đặt ra ở giai đoạn đầu khi điện ảnh bước vào cơ chế xã hội hóa. Và mặc nhiên, người ta phân chia thành hai mảng - phim Nhà nước sản xuất là phim nghệ thuật, còn phim do tư nhân làm là phim thương mại. Điều này dẫn đến tình trạng phân chia không cần thiết trong nhiều năm qua. Cả hai dòng phim này đều cần một tiêu chí duy nhất, đó là phải hay, phải kéo được khán giả tới rạp. Nhiều phim thương mại, nếu làm không hay, đạo diễn đã phải lên mạng kêu gọi người xem “giải cứu” phim của mình. Nhưng phim Nhà nước, nếu không hay rạp vắng thì nhiều người vẫn bình chân như vại, bởi “lỗ đâu đã có Nhà nước chịu”! Nhà làm phim vĩ đại người Mỹ, đạo diễn kiêm diễn viên Charlie Chaplin đã có một phát biểu đáng suy ngẫm về nghề điện ảnh: “Tôi bước vào lĩnh vực kinh doanh này vì tiền, và từ đó, nghệ thuật đã phát triển”. 

Nghệ thuật điện ảnh không chỉ đơn thuần là việc làm phim. Nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc… đều coi điện ảnh là tư tưởng dân tộc. Mỗi bộ phim thường thể hiện thái độ dân tộc, bản sắc văn hóa của mỗi cá nhân cũng như mỗi tập thể trong những thời điểm nhất định. Cơ hội đã đến với điện ảnh Việt. Chúng ta có được lợi thế vô giá là sự ủng hộ rất to lớn của khán giả nhà. Nếu chúng ta không nắm bắt được cơ hội này để đẩy mạnh việc phát triển nền điện ảnh nước nhà, đó là điều rất đáng tiếc!