Những ngày thường… đã khác

Đại dịch Covid-19 đã phá tan rất nhiều giá trị, chuẩn mực nhân văn mà con người đã mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới xác lập được, và kéo lùi lịch sử phát triển của nhân loại. 

Em bé, con của sản phụ mắc Covid-19 chào đời khỏe mạnh tại TP Hồ Chí Minh ngày 24/8. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Em bé, con của sản phụ mắc Covid-19 chào đời khỏe mạnh tại TP Hồ Chí Minh ngày 24/8. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Con virus quái ác ấy đã đẩy rất nhiều con người tới sát những giới hạn của nhân tính và nhân phẩm và tước đi cả niềm an ủi cuối cùng của rất nhiều phận người trước khi buộc phải vĩnh viễn rời xa cuộc sống. “Vùng xanh”, “vùng đỏ” cùng muôn vàn sáng kiến triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cũng đang khiến cho mỗi người đều cảm thấy khó khăn giữa việc thực thi các giải pháp an toàn và những chuẩn mực bình thường trong giao tiếp giữa người với người, với ngay cả những người thân trong cùng một gia đình…

Nhưng, dù đau buồn hay giận dữ, có lẽ, chúng ta cũng cần nghĩ tới việc hình thành, xây dựng những chuẩn mực ứng xử mới, nhất là trong giao tiếp, để con người vẫn có thể thân thiện và gần gũi với con người, dù là trong bối cảnh đại dịch. Bởi, cho đến thời điểm này, ngay cả đến những chuyên gia y tế hàng đầu thế giới và lạc quan nhất, cũng không thể xác định được thời điểm nhân loại có thể khắc chế hoàn toàn được đại dịch kinh khủng này. Có nghĩa là, dù tất cả các quốc gia đã đạt đến độ bao phủ vaccine tốt nhất - một “nhiệm vụ bất khả thi” ít nhất là trong nhiều tháng tới, thì Covid-19 vẫn là một mối nguy rất lớn đe dọa sức khỏe của nhân loại. Và bởi vậy, có lẽ, ngay cả khi đã xác lập được một trạng thái bình thường mới cho xã hội, thì chữ “mới” đó đã mang một hàm ý rất rõ ràng, rằng, sẽ có những điều không thể còn được như trước thời điểm nhân loại biết đến sự tồn tại của virus SARS-CoV-2. Và, bởi vậy, mỗi xã hội, mỗi cộng đồng, tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và văn hóa, có lẽ, cần phải nghĩ tới việc hình thành một hệ quan niệm và giá trị mới, phù hợp hơn. Như chiếc khẩu trang, vốn được coi là một sản phẩm ít quen thuộc trong giá trị văn hóa phương Tây, giờ đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người ở châu Âu. Hay hành động ôm hôn khi chào hỏi để thể hiện sự thân thiện theo cách của người dân nhiều đất nước, cũng đã phải hạn chế đáng kể và không ít người ngần ngại…

Hỏi thăm người thân qua các ứng dụng có hình ảnh, giao hàng không chạm, thanh toán online, trò chuyện cách nhau 2 m… đang là cách thích ứng của nhiều người dân Việt trong làn sóng dịch khốc liệt này. Trong đó, có những điều, sẽ dần trở thành bình thường khi cả xã hội bước vào trạng thái bình thường mới.