Giữ lửa cho sân khấu xã hội hóa

Liên tiếp các địa chỉ sân khấu xã hội hóa tại TP Hồ Chí Minh công bố thay đổi phương thức hoạt động cho thấy thực tế rất khó khăn và nỗ lực xoay trở của các nghệ sĩ ở nơi từng là "cái nôi" nuôi dưỡng sự phát triển của loại hình đơn vị nghệ thuật sân khấu ngoài công lập này.

Bên cạnh những khó khăn về tài chính sau thời gian dài ngưng hoạt động vì dịch bệnh, sự bế tắc trong phương thức sáng tạo và cả thiếu hụt đội ngũ là những lý do khiến các sàn diễn xã hội hóa tại TP Hồ Chí Minh bị hụt hơi trong cuộc đua giành khán giả với các loại hình giải trí hiện đại. Tự cân đối nguồn tài chính, vì vậy, các địa chỉ sân khấu xã hội hóa tại đây đều buộc phải chuyển hướng, tìm các phương án hoạt động ngắn hạn để bảo đảm nguồn thu, giữ thương hiệu trong lòng người xem và giữ lửa nghề cho nghệ sĩ. Diễn theo mùa, đầu tư dàn dựng vở lớn để lưu diễn, phát triển sân khấu dành riêng cho thiếu nhi hay mở rộng sân khấu thử nghiệm… đang là giải pháp được nhiều ông, bà bầu tính đến. Dù đó đều là các giải pháp tình thế, song, theo nhiều chuyên gia, sự thay đổi đó có thể được nhìn nhận như là "cơ" trong "nguy". Bởi, đã đến lúc, các sàn diễn xã hội hóa buộc phải tạo được sự "lột xác" mạnh mẽ cả về phương thức hoạt động và tư duy sáng tạo để thoát khỏi tình trạng cầm cự mòn mỏi lâu nay.

Trong khi đó, ở Hà Nội, sự xuất hiện của hai đơn vị xã hội hóa là sân khấu Lệ Ngọc và Lucteam những năm gần đây thật sự trở thành những điểm sáng trong đời sống sân khấu nước nhà, tạo nên những dấu ấn đặc biệt, được công chúng và giới nghề đánh giá cao. Các vở diễn đông kín người xem, với giá vé không hề thấp, dàn kịch mục phong phú, sáng tạo… là những điều mà ngay cả các thương hiệu lớn của sân khấu nước nhà cũng không dễ đạt được trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ vậy, các sàn diễn xã hội hóa này còn trở thành bệ phóng cho nhiều nghệ sĩ khẳng định và gặt hái thành công.

Nhìn vào sự thay đổi của sân khấu xã hội hóa, hẳn có thể rút ra nhiều bài học, từ cả những điểm sáng và cả những khó khăn, xoay trở.