Điểm tựa cho văn hóa đọc

Chuyển đổi số hứa hẹn mang đến cho ngành thư viện sự phát triển vượt trội, đáp ứng nhu cầu và thu hút độc giả nhiều hơn. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào để đạt được hiệu quả mong muốn vẫn là câu hỏi.

Thư viện Quốc gia Việt Nam nhiều năm qua đã đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam
Thư viện Quốc gia Việt Nam nhiều năm qua đã đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Vượt khó bằng số hóa

Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu năm 2021 đã đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% số thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác... 80% số thư viện chuyên ngành và thư viện đại học, 60% số thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập. 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý được số hóa; 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành, thư viện đại học thu thập và quản lý được số hóa. 100% số người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại…

Trên thực tế, nắm bắt nhu cầu đọc, nghiên cứu sách báo trên các phương tiện trực tuyến ngày càng phát triển, nhiều thư viện trong cả nước đã sớm ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động. Ðặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, những không gian thư viện online được xem là giải pháp lý tưởng cho văn hóa đọc. Ðơn cử, những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 hồi năm 2020, Thư viện TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Ngãi) đã mở không gian "Ðọc sách online - mỗi tuần một cuốn sách". Tại Thư viện Quảng Nam, chuyển đổi số cũng được xác định là giải pháp tất yếu để phát triển, với nhiều hoạt động được tổ chức như tập huấn trang bị kiến thức cơ bản trong biên mục và xử lý tài liệu, quản trị phần mềm, in sổ đăng ký cá biệt, tạo nhãn mã vạch cho sách, quản lý bạn đọc và lưu thông tài liệu, đơn giản hóa công tác chuyên môn, nghiệp vụ…

Gần đây, Thư viện Quốc gia Pháp và Thư viện Quốc gia Việt Nam đã phối hợp ra mắt Cổng thông tin Pháp - Việt Nam: Thư viện Hoa Phượng Vỹ. Thư viện số này tái hiện những mối tương tác về văn hóa, lịch sử, khoa học… giữa hai đất nước từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20. Hơn 2.000 tài liệu tiêu biểu, từ các bộ sưu tập của hai thư viện quốc gia và các đối tác có thể tra cứu toàn văn trên trang web. Việc chuyển đổi số, hiện đại hóa hoạt động cũng là một trong những hoạt động nổi bật tại Thư viện Quốc gia Việt Nam trong những năm qua.

Còn nhiều thách thức

Triển khai chương trình số hóa, các thư viện công cộng sẽ tiến tới việc cung cấp dịch vụ trực tuyến, bao gồm giới thiệu tài nguyên thông tin mới, tra cứu tài nguyên thông tin, mượn/trả, gia hạn tài nguyên thông tin, sao chụp từ xa... hỗ trợ học tập, nghiên cứu và giải trí cho người dân. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã sớm nhận ra ý nghĩa quan trọng của chuyển đổi số, những tiện ích từ "sách số" hoặc các hoạt động trực tuyến của thư viện dựa trên các thiết bị điện tử thông minh…, vì vậy đây không hẳn là xu hướng mới.

Theo lãnh đạo Thư viện Quốc gia Việt Nam, chương trình chuyển đổi số được xem là cơ hội lớn để ngành thư viện tiếp tục tăng tốc hiện đại hóa thư viện; các thư viện liên kết, chia sẻ, tạo lập và dùng chung sản phẩm, dịch vụ nhằm tạo cộng đồng thư viện lớn mạnh, cùng phát triển. Riêng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, chương trình này sẽ là căn cứ để tiếp tục đầu tư cải thiện, bứt phá về hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực số, xây dựng nền tảng công nghệ có thể tích hợp, xử lý lượng dữ liệu lớn, tạo lập hạ tầng công nghệ. Tuy nhiên, ở trong nước, chuyển đổi số thư viện không chỉ hứa hẹn nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện, hình thành mạng lưới thư viện hiện đại mà cũng đặt ra nhiều thách thức.

Quyết tâm phát triển thư viện số là mục tiêu đặt ra đối với ngành thư viện, bởi đó không chỉ là xu thế chiều chuộng nhu cầu độc giả mà còn là giải pháp thích hợp bối cảnh mới. Hiện nay, phần lớn thư viện tỉnh, thành phố trên cả nước và phần lớn thư viện của các ngành, khối trường học, viện nghiên cứu đều có trang web lưu trữ thư viện số và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác số hóa tài liệu. Thông qua các chương trình số hóa tài liệu, đông đảo bạn đọc đã được hưởng lợi khi có thể dễ dàng tìm kiếm, truy cập, sử dụng tri thức mà không bị cản trở bởi không gian và thời gian. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, tốc độ số hóa tài liệu ở các thư viện nước ta vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Theo đó, khó khăn lớn nhất mà các thư viện đang gặp phải là hạ tầng trang thiết bị cho việc số hóa tài liệu, các phần mềm chuyên ngành, nhân lực, kinh phí dành cho công tác số hóa…

Ðơn cử như tại Thư viện Hà Nội, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý chưa được đầu tư đồng bộ, chưa phù hợp xu thế chuyển đổi số của ngành thư viện đang diễn ra mạnh mẽ. Sở hữu gần 700.000 bản sách, tài liệu, nhưng đến nay Thư viện Hà Nội mới số hóa một tỷ lệ rất khiêm tốn. Bên cạnh đó còn là những khó khăn liên quan đến bảo mật, bản quyền tác giả khi số hóa tài liệu. Những khó khăn này không phải đặc thù, và để vượt qua thì rõ ràng, các thư viện đều cần được tạo động lực thúc đẩy từ những nguồn lực, sự đầu tư tương xứng.