Cống hiến hết mình cho nghệ thuật

Làng nhạc Việt đón nhận liên tiếp hai tin buồn, hai cuộc ly biệt của hai tên tuổi lớn: nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân, khiến cho trái tim của không ít người hoạt động âm nhạc bỗng cảm thấy chống chếnh. Dẫu vẫn biết, cả hai vị nhạc sĩ đều đã một đời vì âm nhạc, vì dân tộc, vì đất nước, đã hoàn thành sứ mệnh mang tính lịch sử của thời đại mà họ đã sống và cống hiến...

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Lạc quan và đằm thắm

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là cha đẻ của nhiều tuyệt phẩm sống cùng thời gian. Ca khúc của ông, dù là một hành khúc, hay một khúc tráng ca, một ca khúc trữ tình hay ca khúc mang hơi hướng dân ca, luôn toát lên tinh thần lạc quan, phơi phới niềm tin vào một ngày mai tươi sáng, hạnh phúc sẽ đến với mỗi người, với mọi người và tràn về khắp mọi nẻo đường quê hương. Có lẽ cũng vì điều đặc biệt này mà ca khúc của Phan Huỳnh Điểu có sức lan tỏa mạnh mẽ và bám sâu trong tâm hồn người nghe theo năm tháng.

Phan Huỳnh Điểu (sinh năm 1924) là một trong những nhạc sĩ tân nhạc đầu tiên của Việt Nam. Tác phẩm đánh dấu điểm khởi đầu sự nghiệp âm nhạc được biết đến của ông là Trầu cau, đây có thể coi là một sáng tác thuộc thời kỳ âm nhạc tiền chiến. Rất nhanh sau đó, Phan Huỳnh Điểu đã có những sáng tác đầu tiên và ngay lập tức trở thành ca khúc kinh điển có vị trí quan trọng trong nền âm nhạc cách mạng. Đó là tác phẩm Đoàn quân giải phóng, sau này được đổi tên thành Đoàn vệ quốc quân. Với nhịp hành khúc, tốc độ nhanh, ca từ dễ nhớ, dễ hiểu, ca khúc được sử dụng chính thức cho Lực lượng giải phóng. Nói đến sáng tác thuộc loại hành khúc, Phan Huỳnh Điểu còn là cha đẻ của Cuộc đời vẫn đẹp sao. Ca khúc này có sức lan tỏa mạnh mẽ ngay từ khi ra đời. Thậm chí, nó còn được yêu mến tới mức đã được dân gian hóa bằng cách chế lời trên nền giai điệu quen thuộc. Phan Huỳnh Điểu còn có những đóng góp đáng kể cho sự phong phú về thể loại sáng tác ca khúc khi ông đã kết hợp hết sức tài tình và sáng tạo giữa tính chất âm nhạc trữ tình với hành khúc vào trong cùng một tác phẩm thông qua Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh). Dù sáng tác theo nhịp hành khúc nhưng ca khúc lại toát lên âm hưởng trữ tình ca ngợi tình yêu đôi lứa gắn với quê hương đất nước.

Âm nhạc trau chuốt, âm hưởng trữ tình cùng niềm lạc quan, yêu cuộc sống luôn tràn ngập trong ca từ, hay nói cách khác, tính anh hùng lãng mạn cách mạng là đặc điểm âm nhạc nổi bật trong ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Điều này thể hiện rõ ở Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc), Ở hai đầu nỗi nhớ (thơ Trần Hoài Thu), Đêm nay anh ở đâu, Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ) và đặc biệt thành công với Bóng cây kơ nia (thơ Ngọc Anh), "Những ánh sao đêm"...

Phan Huỳnh Điểu còn là tác giả của những bản tình ca bất hủ như Thuyền và biển hay Thơ tình cuối mùa thu (cả hai đều phổ thơ Xuân Quỳnh)... Mảng đề tài thiếu nhi ông cũng có những ca khúc hết sức đáng yêu và đương nhiên, tràn đầy tinh thần lạc quan như: Đội kèn tí hon, Những em bé ngoan...

Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Từng được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam", với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, ông nói: Hạnh phúc và giải thưởng lớn nhất là những ca khúc ở trong lòng mọi người.

Hào sảng và thiêng liêng

Khác với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân (sinh năm 1930) lại thường chỉ được nhắc đến với một ca khúc duy nhất: Hà Nội niềm tin và hy vọng. Nhưng chỉ vậy thôi cũng đủ để lịch sử âm nhạc luôn phải nhắc tới vị nhạc sĩ quê gốc An Giang này như một trong những nhạc sĩ sáng tác hay nhất về Hà Nội.

Cống hiến hết mình cho nghệ thuật ảnh 1

Nhạc sĩ Phan Nhân.

Thực tế, Phan Nhân còn có nhiều tác phẩm được yêu mến và ông sáng tác nhiều thể loại khác nhau. Ngay trong chính mảng sáng tác ca khúc, ông còn có những tác phẩm như Tình ca đất nước, Cây đàn ghi-ta của Victor Hara, Nhớ về Pắc Bó, Xa Hà Nội... Cũng giống Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân dành một phần sáng tác của mình cho mảng đề tài thiếu nhi. Ông là tác giả của nhiều ca khúc viết cho tuổi thơ như: Em là con gái má Út Tịch, Chú cừu Mộc Châu, Em là bông lúa Điện Biên, Hàng cây ơn Bác... Đặc biệt, ông chính là tác giả bài hát Chú ếch con một trong những bài dành cho thiếu nhi được yêu thích nhất. Với ca từ trong sáng, với câu chuyện đáng yêu, bài hát đã được nhiều thế thệ giọng hát thiếu nhi thể hiện, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là trường hợp bé Hương Trà chuyển bài hát sang phiên bản tiếng I-ta-li-a mang tên "Ma va la" tham gia cuộc thi âm nhạc "Tiếng hát trẻ em quốc tế" nhằm gây quỹ từ thiện do trường Piccolo Coro ở Bologna (I-ta-li-a) tổ chức. Cuộc thi tổ chức năm 2003 nhưng phải tám năm sau (năm 2011), clip của Hương Trà mới được cộng đồng mạng ở Việt Nam biết tới và lập tức gây sốt.

Dẫu vậy, khi nhắc tới Phan Nhân là phải nhắc tới những giai điệu hào hùng mà sâu lắng, mạnh mẽ mà lắng đọng, rực lửa mà đằm thắm trong Hà Nội niềm tin và hy vọng. "Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô, đường lộng gió thênh thang năm cửa ô, nghe tiếng cười không quên niềm thương đau..." - có thể khẳng định, với bố cục chân phương gồm hai đoạn phát triển hoàn thiện, với lời ca mang nhiều ý nghĩa, Hà Nội niềm tin và hy vọng đã mang tải những thông điệp hào hoa và sâu lắng về Thủ đô Hà Nội, làm rung động con tim bao thế hệ, trở thành một trong những ca khúc kinh điển của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam.

Hai sự nghiệp, hai cá tính âm nhạc. Vị trí có thể khác nhau, nhưng ở họ có một điểm chung là niềm say mê sáng tạo, sống và cống hiến hết mình cho cuộc đời, cho âm nhạc. Những ca khúc của họ, bởi thế, vẫn luôn truyền cảm hứng và lay động tâm hồn người yêu nhạc hôm nay.