Biến di sản thành tài sản

Hội nghị-Hội thảo Tổng kết thực hiện Luật Di sản Văn hóa vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sáng 12/1. Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương… trong cả nước đã cùng nhìn lại chặng đường 20 năm qua, kể từ khi có Luật Di sản Văn hóa, thẳng thắn nhìn nhận những mặt được và chưa được, đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ di sản trong thời gian tới.

Đình Đại Lâm (Bắc Ninh) bị xâm hại đang chờ được khắc phục. Ảnh: MỘC THANH
Đình Đại Lâm (Bắc Ninh) bị xâm hại đang chờ được khắc phục. Ảnh: MỘC THANH

Bảo vệ không có nghĩa là bó buộc lại

Luật Di sản Văn hóa có hiệu lực thi hành từ năm 2002, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa. Được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản Văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo PGS, TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Di sản Văn hóa: "Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa xử lý được đầy đủ những phát sinh, vướng mắc trong thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…".

Đáng chú ý, mặc dù đã phân cấp cho các địa phương trong quản lý di sản nhưng công tác này trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ những bất cập, là nguyên nhân gây nên một số tồn tại, như: việc bảo tồn chưa được ưu tiên và coi trọng tại các khu di sản, việc khai thác mạnh mẽ đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội; còn hiện tượng vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích, xây dựng công trình mới… khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Vẫn còn diễn ra tình trạng nhiều nơi còn lúng túng trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa kinh tế và Văn hóa, giữa lợi ích trước mắt với sự phát triển bền vững. Một số địa phương ít tập trung ngân sách cho việc bảo tồn, tu bổ mà chỉ ưu tiên xây dựng các công trình khai thác di sản.

PGS, TS Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. "Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép lập hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Di sản Văn hóa nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc…", lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa cho biết.

Hoàn thiện tiêu chí, quy định bảo vệ

Cho rằng các di tích, di sản cần vừa được bảo tồn, vừa được phát huy đúng nghĩa, các nhà khoa học, chuyên gia, các đại biểu địa phương cũng bày tỏ mong muốn Luật Di sản Văn hóa sẽ được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh, hiện nay việc phân cấp quản lý di tích mới chỉ xác định từ trung ương đến các tỉnh, nhưng từ cấp tỉnh xuống đến huyện, xã còn chưa thống nhất, chưa có quy định cụ thể, chi tiết. Đề nghị cần có quy định rõ ràng, thống nhất để làm căn cứ triển khai đồng bộ trên toàn quốc.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ban hành các quy định cụ thể về công tác quản lý, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia, đặc biệt là công tác bảo quản bảo vật quốc gia đối với từng chất liệu cụ thể. Ban hành tiêu chí, quy định cụ thể về nội dung hồ sơ khoa học công nhận Bảo vật quốc gia, các tài liệu kèm theo hồ sơ xác định quyền sở hữu, quản lý đối với nhóm bảo vật quốc gia do tư nhân quản lý, lưu giữ. Tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý cho cán bộ chuyên môn thuộc các bảo tàng và di tích về quản lý, bảo vệ, bảo quản.

Về hoạt động của các bảo tàng, TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh, các bảo tàng cần đẩy mạnh hơn chức năng nghiên cứu khoa học, chức năng giáo dục đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Từ góc nhìn này, bà Lý đề nghị sửa lại và bổ sung một số nội dung trong định nghĩa về bảo tàng trong Luật Di sản Văn hóa sửa đổi tới đây.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, sửa đổi Luật Di sản Văn hóa cần lấp những khoảng trống đang hiện hữu, đồng thời phải khơi dậy và đánh thức trong mỗi con người những nhận thức quan trọng về di sản, để tự nguyện tham gia bảo vệ, phát huy.