Biên đạo múa Tuyết Minh: Tôi vẫn đang đi trên con đường của múa

Sự khốc liệt của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã thôi thúc biên đạo múa Tuyết Minh (ảnh nhỏ) sáng tạo nên tổ khúc múa "Ánh sáng tâm hồn". Ðó là câu chuyện của tình yêu, sự tri ân những người đã hy sinh trên tuyến đầu chống dịch và niềm tin ánh sáng sẽ đẩy lùi bóng tối, được thể hiện bằng ngôn ngữ đặc biệt của nghệ thuật múa

"Ánh sáng tâm hồn" thể hiện tình yêu và sự nỗ lực của người nghệ sĩ.
"Ánh sáng tâm hồn" thể hiện tình yêu và sự nỗ lực của người nghệ sĩ.

Cảm xúc là sợi dây kết nối

- "Ánh sáng tâm hồn" ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, cả xã hội đang thực hiện giãn cách do đại dịch Covid-19. Vì sao chị có ý tưởng sáng tạo đó?

- Mỗi vở diễn, tác phẩm ra đời đều là những dấu ấn ghi lại quá trình tư duy sáng tạo. Vở múa "Ánh sáng tâm hồn" không chỉ đáng nhớ mà còn thể hiện tình yêu của tôi với bộ môn nghệ thuật múa; lòng biết ơn và quý trọng sự hy sinh vô điều kiện của lực lượng y, bác sĩ, công an, bộ đội, tình nguyện viên tuyến đầu phòng, chống dịch, tình yêu đồng bào, yêu đất nước của tôi và của cộng đồng các nghệ sĩ múa. Tôi nghĩ, đây là một thời điểm lịch sử, không chỉ với đất nước chúng ta mà của nhân loại nói chung. Hiện thực khốc liệt đó cần được ghi lại bằng những hình thức khác nhau, trong đó có nghệ thuật múa. Ðó cũng là trách nhiệm của người nghệ sĩ trước vòng quay của lịch sử. Tôi hy vọng, "Ánh sáng tâm hồn" sẽ mang đến cho người xem những khoảnh khắc xúc động, lắng đọng, góp phần xoa dịu những vết thương chúng ta đã và đang trải qua trong dịch bệnh.

- Vở diễn quy tụ 150 diễn viên với nhiều thể loại múa khác nhau từ múa đương đại, hiphop, jazz, broadway… Chị đã làm thế nào để có thể kết nối nhiều cá tính nghệ thuật?

- Tôi luôn tôn trọng cá tính nghệ thuật riêng của từng nghệ sĩ. "Ánh sáng tâm hồn" đã quy tụ được nhiều đạo diễn tài năng của cả hai miền bắc - nam. Ngoài bắc do tôi phụ trách, còn trong nam, nghệ sĩ Alex Tú cùng một số biên đạo khác sẽ thực hiện. Do dịch bệnh nên các nghệ sĩ múa miền nam sẽ phụ trách chính các cảnh múa đôi và đơn. Còn nghệ sĩ Hà Nội sẽ thể hiện những đại cảnh và những đoạn cần sự tương tác trực tiếp.

- Với thời lượng 45 phút, tổ khúc múa "Ánh sáng tâm hồn" sẽ kể cho khán giả câu chuyện gì?

- Tổ khúc múa "Ánh sáng tâm hồn" sẽ được công chiếu trên nền tảng YouTube và Page "Ánh sáng tâm hồn" nên khác với thời lượng của vở diễn truyền thống trình diễn tại nhà hát. Vở diễn bao gồm bảy cảnh, bằng những câu chuyện có thật, những nhân vật cụ thể, khắc họa hình tượng những người lao động bình dị, mộc mạc nhưng có những nghĩa cử cao đẹp, biết sẻ chia, yêu thương; ngợi ca đức hy sinh vô điều kiện của lực lượng tuyến đầu vì đồng bào, vì đất nước hồi sinh; lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp của con người, của dân tộc Việt Nam. Cảm xúc chính là sợi dây kết nối câu chuyện.

Tạo ra không gian sáng tạo để tài năng trẻ thử sức

- Ðây cũng là vở diễn lớn của chị trên cương vị mới, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Chị có nghĩ, đó cũng là cách thắp lên một ngọn lửa khi nghệ thuật biểu diễn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, và đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với đời sống?

- Tôi vui vì múa đã và đang đi vào đời sống. Trước đại dịch múa có mặt trong lễ hội, lễ kỷ niệm, các chương trình truyền hình, gameshow ca nhạc cho tới cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp, quần chúng, thậm chí phát triển mạnh trong các câu lạc bộ từ cấp phổ thông cơ sở đến đại học, trong các tập đoàn, doanh nghiệp… Mặt trái của việc múa phát triển trên diện rộng là nó bình dân hóa, phong trào hóa và thiếu sự chuyên sâu, chuyên nghiệp. Nhiều sản phẩm dễ dãi ra đời, danh xưng nghệ sĩ múa, biên đạo múa được xướng lên mà chất lượng nghệ thuật không đạt tiêu chuẩn. Ðiều đó đã phần nào làm mất lòng tin của khán giả yêu nghệ thuật múa. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghệ sĩ được đào tạo bài bản, yêu nghề và khát khao muốn cống hiến cho khán giả những vẻ đẹp đích thực của nghệ thuật múa. Qua dự án xây dựng và công chiếu vở "Ánh sáng tâm hồn" lần này, tôi mong muốn khán giả yêu nghệ thuật múa được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật chuẩn mực, giàu ý nghĩa để cùng cảm nhận được cái hay, cái đẹp của bộ môn nghệ thuật này.

- Thực tế, nghệ thuật múa khá khắc nghiệt khi tuổi nghề không dài, cơ hội biểu diễn lại ít, đời sống chật vật khiến giới trẻ ngại ngần khi chọn múa. Với vai trò Phó Chủ tịch Hội, chị sẽ làm thế nào để thu hút và khuyến khích những tài năng trẻ?

- Tôi luôn muốn tạo ra không gian để những tài năng trẻ được thử sức, sáng tạo và thể hiện đam mê của mình với nghệ thuật, tìm tòi để vượt lên những nỗi sợ và giới hạn bản thân. Tôi muốn kết nối họ trong cách làm việc nhóm, tư tưởng cống hiến cho cộng đồng, vì sự nghiệp chung của ngành múa Việt Nam. Ðó là cách các bạn trẻ trưởng thành, sáng tạo ra những tác phẩm có ý nghĩa cho cộng đồng - chìa khóa để các bạn và tác phẩm nghệ thuật của các bạn đi vào trái tim khán giả.

- Sau vở ballet "Kiều" để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng bởi cách tiếp cận mới, chị còn ấp ủ sáng tạo mới nào?

- Tôi đã hoàn thiện kịch bản vở nhạc kịch "Người cầm lái". Vở diễn là những lát cắt trong hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu không có biến cố của đại dịch có lẽ thời điểm này vở diễn cũng đã được ra mắt công chúng. Chinh phục Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã khó nhưng với việc xây dựng hình tượng để toát lên phong cách và trí tuệ của Bác Hồ lại càng khó hơn. Múa như thế nào để đặc tả được hình tượng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc luôn là ước mơ trong sự nghiệp của tôi. Và tôi hy vọng "Người cầm lái" sẽ được công diễn trong năm 2022, một tác phẩm lớn mà tôi tin rằng sẽ mang lại nhiều cảm xúc, nhiều góc nhìn mới qua cách kể chuyện bằng ngôn ngữ múa.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!