Thổ cẩm Tây Nguyên

NDO - Tây Nguyên là vùng đất có nhiều dân tộc sinh sống rất lâu đời. Mỗi dân tộc có truyền thống văn hóa, bản sắc riêng. Trang phục của người Tây Nguyên là một thành tố góp phần làm nên bản sắc ấy. Mỗi dân tộc có họa tiết riêng, hoa văn, cách phối mầu, vị trí khác nhau. Chất liệu vải dệt thủ công từ sợi bông nhuộm đen chắc chắn, thô ráp, hoa văn sử dụng các mầu nguyên cơ bản, nóng, rực rỡ đều được bố trí theo chiều ngang khổ vải.

Các loại vải dệt này được dùng để làm váy, khố, một số dân tộc dùng làm áo (sở dĩ phải tách ra vì có một số cư dân Tây Nguyên không có thói quen mặc áo). Váy của phụ nữ Tây Nguyên là những tấm vải dài sát gót, được quấn về một bên hông, có hoa văn ở  cạp váy, gấu váy và phía sau tương ứng với phần mông. Ở cạp váy của các cô gái Tây Nguyên còn đeo thêm các vòng cườm, lục lạc bằng đồng để khi di chuyển tạo ra các âm thanh vui tai, ngoài ra còn có các đồ trang sức bạc, đồng, ngà voi, răng thú vật (loại quý hiếm và dữ như cọp, gấu, lợn rừng...) được đeo ở tai, cổ tay, cổ chân. Tấm đồ là những tấm vải lớn có hoa văn ở hai đầu, có thể có tua hay không có tua dùng để đàn ông khoác ngang người, hoặc đắp khi ngủ, đàn bà dùng để địu con... Khố là những tấm hoa văn tinh xảo có tua sặc sỡ ở hai đầu thả dài quá đầu gối để mỗi bước đi khố tung lên như những áng mây ngũ sắc. Trước khi có loại vải dệt, đồng bào Tây Nguyên dùng vỏ cây làm trang phục. Chỉ có một số vỏ cây làm trang phục, đó là loại vỏ cây có một lớp lụa bền chắc bên trong. Sau khi lấy về mang luộc chín rồi lột lấy lớp lụa, giặt sạch vò cho mềm, sau đó mang phơi khô rồi tước vỏ lụa ra như sợi chỉ rồi đưa vào khung dệt. Nhìn chung trang phục lâu đời của người Tây Nguyên rất độc đáo và có bản sắc đậm đà. Giờ đây với nhiều lý do mà nét bản sắc, nét độc đáo ấy đang phai nhạt dần trong trang phục Tây Nguyên.

Những trang phục truyền thống, ngoài giá trị thẩm mỹ, nó còn tiện dụng ở chỗ không lộ bẩn, không cần là ủi, giặt không cần xà phòng, bền chắc phù hợp với trình độ và điều kiện tự nhiên, xã hội Tây Nguyên mà những hàng chợ không thể có được. Ðiều thực tế hiện nay những sắc mầu thổ cẩm rực rỡ kia đang mất dần trên những buôn làng Tây Nguyên.

Siu Khang, người đàn bà Ba Na dệt vải đẹp nhất từ trước đến nay mà tôi đã gặp. Chị sống ở Plây Bông, xã A yun, Mang Yang bên cạnh nhà họa sĩ Xu Man. Ngày ngày chị lặng lẽ dệt tấm thổ cẩm, bề ngang 0,8 m, dài từ 2 đến 4 m, phối mầu và hoa văn rất khéo, đẹp. Ðược khoảng chục tấm chị đi xe đò lên Plây Cu bán. Có lần chị mang ra tận Huế hay vào TP Hồ Chí Minh. Chính chị là người phụ nữ Ba Na đầu tiên tham gia vào đời sống kinh tế thị trường. Nhưng người tiêu thụ ít, dệt một tấm thổ cẩm công phu tốn rất nhiều thời gian công sức mà bán lại thấp, không đủ chi phí. Con gái trước khi lấy chồng thường bỏ ra cả năm để dệt một bộ áo váy  mang về nhà chồng mặc trong những dịp lễ hội. Phong tục này được giữ thì việc bảo tồn nghề dệt ở Tây Nguyên mới có cơ tồn tại.

Mỗi một cộng đồng đều có những đặc trưng trang phục riêng của mình. Khi nói tới đồng bằng Bắc Bộ người ta nghĩ đến chiếc áo tứ thân, chiếc khăn mỏ quạ, nói tới Huế là áo dài tím se sắt thủy chung, nói tới Nam Bộ là chiếc khăn rằn và bộ bà ba... Còn Tây Nguyên rực rỡ sắc mầu thổ cẩm. Những sắc mầu ấy, những hoa văn kỷ hà ấy rất đặc trưng Tây Nguyên mà lại rất hiện đại và trên hết nó góp vào việc làm đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.