"Lượng" và "chất" trong xét tặng danh hiệu

Nghị định mới về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT sẽ được áp dụng trong kỳ xét tặng danh hiệu lần thứ 10. Do có những quy định được mở rộng phạm vi hơn, với kỳ vọng sẽ không bỏ sót những tài năng xuất sắc, những nghệ sĩ xứng đáng, có sức lan tỏa trong cộng đồng, nên dự báo số hồ sơ xét tặng sẽ cao hơn. Vì điều này, dư luận cũng băn khoăn, liệu sẽ xảy ra tình trạng tăng lượng mà giảm chất?

NSƯT Bùi Công Duy được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND đợt này.
NSƯT Bùi Công Duy được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND đợt này.

Nới lỏng và "tháo nút"

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đăng tải danh sách 121 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lần thứ 10 của các lĩnh vực múa, âm nhạc, sân khấu và điện ảnh, được các hội đồng cơ sở trình lên, bao gồm 53 hồ sơ NSND và 68 hồ sơ NSƯT.

Dễ dàng nhận thấy có nhiều gương mặt nổi tiếng, tài năng và nhiều cống hiến trong danh sách đề cử. Ðề cử xét tặng NSND có thể kể đến NSƯT Lê Ðại Chức, Ðức Trung, Phạm Chí Trung, Trần Lực, Lê Ngọc Huyền, Ðức Khuê, Xuân Bắc, Quốc Khánh, Thanh Loan, Thoại Mỹ, Kim Huệ, Thanh Thúy, Thanh Ðiền, Mỹ Uyên, Trịnh Kim Chi, Hữu Quốc, Trần Ðức, Thanh Tú, Bùi Xuân Hanh, Thu Huyền, Tấn Minh, Bùi Công Duy, Thanh Lam, Trần Ly Ly… Hồ sơ đề cử NSƯT năm nay cũng thu hút sự chú ý với nhiều gương mặt trẻ được công chúng yêu mến như Quý Bình, Huỳnh Ðông, Ðại Nghĩa, Việt Anh…

Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Thi đua - Khen thưởng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: "Nghị định 40 bổ sung một số trường hợp đặc biệt dành cho các nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng. Trước đây, dư luận đã có những lần dậy sóng khi một số gương mặt nghệ sĩ tài năng, được công chúng yêu mến nhưng chưa đáp ứng tiêu chí giải thưởng. Ngoài ra, tỷ lệ bỏ phiếu đồng thuận của Hội đồng cũng được điều chỉnh từ 90% xuống còn 80%... Những quy định này sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc trước đây, nhưng cũng khiến cho số hồ sơ xét danh hiệu NSND, NSƯT có thể tăng".

Việc "tháo nút" khi giảm tỷ lệ phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng xuống 80% được cho là yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng số lượng hồ sơ. Bởi trước đây số hồ sơ nằm ở tỷ lệ phiếu thông qua từ 81-89% khá đông.

Quy định mới cũng tạo điều kiện cho những nghệ sĩ có đóng góp được tôn vinh xứng đáng dù không đủ huy chương, tuy nhiên, con số này không nhiều và việc xét tặng được khẳng định sẽ rất chặt chẽ, tuân thủ đầy đủ các bước qua bốn cấp hội đồng.

Sức nặng của những lá phiếu

Những nới lỏng trong quy định sẽ giúp hạn chế thiệt thòi đối với nghệ sĩ, nhưng cũng khiến dư luận lo ngại vì có thể dẫn tới sự dễ dãi trong quá trình xét danh hiệu, khiến lượng tăng, chất giảm.

Tuy nhiên, theo Vụ Thi đua - Khen thưởng, nới lỏng không có nghĩa là dễ dãi, khiến danh hiệu bão hòa. "Ðể tôn vinh đúng, trúng và không bỏ sót tài năng có nhiều cống hiến, đòi hỏi trách nhiệm và sự thận trọng từ các cấp Hội đồng, ngay từ cơ sở phải luôn chủ động, khách quan và sát thực tế", ông Phùng Huy Cẩn nhấn mạnh.

PGS,TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, thời gian qua một số nghệ sĩ có nhiều đóng góp nhưng chưa được xét tặng danh hiệu bởi vướng những rào cản về tiêu chí, điều kiện. Nghị định 40 ra đời là sự nỗ lực khắc phục những bất cập này, và cũng tạo điều kiện cho một số ngành nghệ thuật có ít cuộc thi, hội diễn, một số nghệ sĩ thật sự tài năng và cống hiến có thể nhận các danh hiệu vinh dự của Nhà nước. "Vấn đề là chúng ta thực hiện thế nào để các danh hiệu này là thực chất, thật sự là niềm vinh dự, tự hào của nghệ sĩ được phong tặng", theo PGS,TS Bùi Hoài Sơn.

Từng nhiều lần ngồi ghế Hội đồng, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu TP Hồ Chí Minh chia sẻ, bản thân ông luôn nhận thức sâu sắc về vấn đề trách nhiệm của Hội đồng trong việc xét tặng các danh hiệu. Ông băn khoăn: "Nếu như tất cả có thể định chuẩn bằng Nghị định thì vai trò của hội đồng sẽ không quá nặng. Thế nhưng thực tế vẫn còn có những nội dung phải xem xét ở góc độ chuyên môn để việc áp dụng Nghị định được chính xác hơn. Chẳng hạn, Nghị định nêu tiêu chí về "sự cống hiến, sức lan tỏa", nhưng như thế nào là sự cống hiến và sức lan tỏa thì lại đòi hỏi vai trò chuyên môn của Hội đồng…".

Trước những băn khoăn này, giải pháp được nhấn mạnh vẫn là nâng cao chất lượng Hội đồng nhằm bảo đảm chất lượng, độ chính xác và tin cậy của từng danh hiệu được trao tặng. Theo ông Phùng Huy Cẩn, mỗi thành viên Hội đồng cần phải thấy "sức nặng" của từng lá phiếu khi xem xét đánh giá. Ðặc biệt khi quy định về tỷ lệ phiếu thông qua đã giảm xuống 80% thì từng lá phiếu càng đòi hỏi chất lượng cao, cũng như việc xem xét, đánh giá đối với những trường hợp đặc biệt càng cần sự khách quan, thận trọng.

NSND Trần Ngọc Giàu cũng bộc bạch, nhiều trường hợp thực tế đòi hỏi Hội đồng phải cân nhắc rất kỹ càng, nâng lên đặt xuống. Việc dư luận còn băn khoăn rằng về việc giá trị của danh hiệu, giải thưởng có vẻ như đi xuống là một thực tế, và điều đó sẽ càng khiến cho mỗi thành viên Hội đồng phải ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình.

Tôn vinh nghệ sĩ bằng danh hiệu NSND, NSƯT là sự ghi nhận của Ðảng và Nhà nước đối với vai trò đặc biệt của nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật. Ðối với nghệ sĩ, danh hiệu NSND, NSƯT luôn là niềm vinh dự, tự hào. Ðồng thời, sau mỗi danh hiệu đạt được, nghệ sĩ cần cảm thấy có trách nhiệm và nỗ lực phấn đấu hơn nữa vì lợi ích của nghệ thuật và công chúng. Ðó cũng là điều đất nước trông chờ ở các văn nghệ sĩ.