Gương mặt mùa thu

LÂM về ngôi vườn mùa thu. Anh soi mặt vào giếng khơi, những âm vang của một thời quá vãng hiện về.
Gương mặt mùa thu

Anh bâng khuâng nhớ và nghĩ về một thời đã qua. Mẹ giục anh rửa mặt rồi ăn cơm. Anh vâng, rồi dọn cơm cùng mẹ. Bố anh, ông Tốn - nghệ nhân già cả đời đau đáu với gốm truyền thống, sau trận tai biến, giờ trở nên đờ đẫn. Mấy năm nay ông không còn làm gốm, chiếc lò bầu truyền thống cuối cùng phủ mầu hoang lạnh. Anh mời bố ra ăn cơm. Ông Tốn ngồi lặng như tấm bia đá, phải đến khi con trai dìu ra, ông mới bước. Bà Lan bảo, ông vẫn biết, nhưng vì điều gì đó mà cứ im lặng. Lâm hiểu, bố tiếc nhớ thời hoàng kim của làng. Cái thời mà ấm chén, bát đĩa, bình hoa... có mặt khắp chợ lớn, chợ bé trong và ngoài tỉnh.

Công nghiệp về làng. Những nghệ nhân giỏi nghề buông tay mặc số phận. Thanh niên, thợ giỏi, người được học hành đi tìm việc khác. Có người đi làm thuê cho các công trình, rồi ngất ngưởng trở thành ông chủ. Xóm phía tây nhận tiền đền bù đất liền sắm ô-tô, phởn phơ chạy. Quán bia hơi lổn nhổn mọc lên. Lâm là người có nghề, nhưng nghe theo tiếng gọi của nhu cầu cá nhân, ôm nỗi cô đơn lên phố làm thiết kế đồ gia dụng thuê cho người ta. Anh cảm giác công việc hiện tại chưa thể cho tương lai sáng. Bà mẹ chỉ mong con lấy vợ, nhưng hết lần này đến lần khác, Lâm tìm cách trì hoãn. Lấy vợ thì sống ở đâu, làm gì? Anh như con thuyền chẳng biết cập bến nào, bởi trong lòng rất thương bố, thương gốm. Nhiều lúc anh đã định cứ lì ở nhà, làm gốm, túc tắc qua ngày. Nhưng làm ra, hàng không cạnh tranh nổi hàng ngoại và các làng nghề khác, thành ra bị ế, kho đầy ứ. Anh đầu hàng. Điều đó cũng là nguyên nhân khiến bố anh nghĩ suy, sinh bệnh mà thành ra người như bây giờ.

Bà Lan vẫn giục con lấy vợ. Lâm lại lấy cớ chưa có người phù hợp. Người "phù hợp" với anh là Miền, cô gái cùng làng. Miền và anh có bao kỷ niệm yên bình, đẹp đẽ khi hai bên gia đình bảo nhau cố giữ nghề gốm. Hai ông bố ngày nào cũng ngồi uống nước, bàn cách vực nghề. Rồi một ngày, gã đàn ông là bạn của anh trai Miền, đánh xe hơi về. Gã bảo nghề lỗi thời, thuyết phục, kéo cả gia đình lên phố làm việc. Chuyện thuyết phục diễn ra ba, bốn lần. Sau cùng bố Miền nghe theo. Cả nhà Miền theo anh ta. Lò bầu đốt củi bị phá. Nhà đóng cửa bỏ không. Với ông Tốn đó là một cú sốc. Người bạn già đầy tâm huyết với đôi bàn tay vàng đã buông. Chỉ còn một mình thì tồn tại thế nào. Cú sốc của Lâm chẳng nhẹ hơn cú sốc của bố. Người con gái vẫn cùng anh hái quả mùa thu, soi gương mặt mình bên thành giếng, đã đổi thay. Hôm tạm biệt anh, Miền nói: "Em biết là anh rất… nhưng em phải theo gia đình". Lâm thẫn thờ xòe tay che mặt. Miền đi, Lâm quay vào ngôi vườn ngồi khóc lặng. Năm ấy, cây trong vườn ít đậu quả…

★★★

Về thành phố ít ngày thì công ty xảy ra biến cố. Phó giám đốc và giám đốc lệch pha, làm gì cũng "ông chẳng bà chuộc" nên tìm cách phá nhau. Giám đốc bị mất chức do sai phạm, mà sai phạm do cấp dưới gài bẫy. Con người ăn ở với nhau đôi khi tệ bạc quá. Lâm chán, cuối tuần lại về nhà. Đi đến đâu cũng xôn xao chuyện đám đại gia thành phố về mua đất. Khu vườn của gia đình Lâm được ngắm tới. Bố mẹ Lâm không chịu bán dù giá cao ngất ngưởng. Bọn cò mồi trong làng trực tiếp gặp Lâm, xun xoe bợ đỡ nhằm thuyết phục Lâm. Ừ, chỉ cần gật đầu, gia đình anh sẽ có đống tiền xây biệt thự, một ít gửi ngân hàng, chẳng phải lo lắng gì. Nhưng ai cũng tính như thế thì sao còn những khu vườn đẹp, những nếp nhà xưa cũ lúp xúp dưới bóng cây thân thương. Lâm vẫn nghe ngóng chuyện của Miền và gia đình. Ngày đó, sau khi lên phố, Miền đã lấy gã đàn ông là bạn của anh trai mình. Mấy năm sau bố mẹ Miền đã bán vườn nhà, chỉ để lại ngôi nhà cũ của tổ tiên để thi thoảng về quê thắp hương. Mà nhiều người bán đất chứ không chỉ gia đình Miền. Không gian làng nghề xưa bị biến dạng, cái lố nhố, lô xô trộn lẫn cái mộc mạc.

Chẳng ai có thể thuyết phục được gia đình Lâm bán vườn. Đám thanh niên làng bắn tin, bảo Lâm học hành bao năm, biết nghề mà vẫn nghèo, lang thang vất vưởng. Lâm bị chạm lòng tự ái. Máu sôi lên, nhưng về vắt tay lên trán nghĩ, thấy họ nói có phần đúng. Anh đã đánh mất chí hướng, bản lĩnh, chỉ là kẻ cầu bơ cầu bất, bỏ làng lên phố làm thuê.

Đêm quê vỗ về từng đợt sóng lòng của Lâm. Mình phải làm gì đó. Lâm nghĩ. Mình không thể sống thế này mãi, rất phụ lòng bố mẹ và lãng phí tuổi trẻ. Hay vẫn làm gốm? Phải làm đa dạng hơn, nhanh nhạy trong tìm kiếm thị trường. Cái độc đáo của nghề làng là sản phẩm được chuốt bằng tay, hoa văn đắp nổi, men tự nhiên. Mầu sắc chủ đạo của gốm làng là lam nhạt. Kỹ thuật pha chế nước men, khả năng điều chỉnh ngọn lửa cho ra nhiều mầu sắc đặc trưng. Lâm đã đi nhiều làng gốm, rõ ràng, những thế mạnh đó là riêng có.

★★★

Lò gốm lại đỏ lửa sau hơn hai tháng trời Lâm hoàn thiện các sản phẩm mới. Anh cũng gặp một vài nghệ nhân ở làng động viên họ làm sống lại nghề. Anh chỉ nhận được những cái lắc đầu. Người làng bảo: "Hâm rồi". Thì sao, có vậy mới tìm cách cứu vãn làng nghề. Thật mừng, từ hôm Lâm quay về nặn gốm, ông Tốn hoạt bát, chịu khó nói chuyện và đi lại hơn. Nhìn sâu vào mắt bố, Lâm hiểu, mình cần thắp ngọn lửa gốm, cũng là thắp lửa trong mắt ông. Có lúc, ông chăm chú ngồi nhìn Lâm nặn, nhấp nhấp tách trà, rồi cười. Lâm thưa: "Bố khỏe hẳn lên để làm cùng con". Ông gật. Đôi mắt lóng lánh tươi thêm.

Những tháng năm vật lộn trên phố cho Lâm một vài mối quan hệ thân thiết. Một vài mối quan hệ đó cho thêm vài quan hệ khác. Cái đầu của anh cởi mở, năng động hơn khi tiếp cận các kênh chào, bán hàng hiện đại. Lâm lập trang mạng quảng bá, nhận đơn hàng "on-lai" đầu tiên. Anh nghĩ lại lời một nghệ nhân già. Gốm cũng như người con gái. Con gái xinh thì nhiều, nhưng đẹp, cả bên trong lẫn bên ngoài, đẹp từ chiều sâu bên trong đẹp ra thì hiếm. Cộng thêm nước da, ăn mặc tinh tế, độc đáo nữa thì sẽ trở nên nổi trội. Anh thấy cái đó thì làng mình, nhà mình có. Anh xòe đôi bàn tay, giơ lên trước mặt: cái đẹp nảy nở từ đây.

Mẻ gốm đầu tiên bán hết. Nhìn từng sản phẩm được mang đi, anh thấy như cô gái đang tươi cười, mặt hoa da phấn, muốn nói điều gì đó. Lâm thưa với bố mẹ: "Con tin mình đang đi đúng hướng. Bố mẹ ủng hộ cho kế hoạch của con nhé!". Làm sao có thể không ủng hộ, khi bao đêm qua, nước mắt của ông bà cũng là nước mắt gốm chảy vào đêm. Đó là nước mắt của sự tủi phận của đời gốm. Bây giờ lửa trong lò được thắp, gốm trỗi dậy, men lại sáng, niềm vui cũng nhân lên thôi.

★★★

Một ngày ông Pha, bố của Miền, về gặp ông Tốn. Lúc đó Lâm đang làm dưới xưởng. Nghe tiếng ông Pha chào, anh ngẩng lên đáp lời. Giọng ông Pha yếu, mái tóc xác xơ, già nua. Không biết hai người đã nói những chuyện gì. Sau cuộc nói chuyện, ông Pha xuống nói với Lâm: "Chú lại về làm phiền bố con cháu. Có gì cưu mang gia đình chú với". Rồi ông chào, ra về. Mấy hôm sau Lâm thấy Miền về làng, dáng hình hanh hao, gương mặt nhớn nhác. Thì ra chuyện đầu tư làm ăn của cả gia đình ở trên phố thất bại. Ông Pha đưa gia đình về nương tựa nếp làng. Nhưng đất đai đã bán gần như hết, chỉ còn nếp nhà. Ông Pha nói khó với nhà hàng xóm cho chuộc lại mảnh đất nhỏ xưa làm lò gốm. Tình làng nghĩa xóm, lại có chút liên quan họ hàng nên người ta để lại cho. Miền xin làm công nhân trong khu công nghiệp, ông Pha lại nhờ bố con Lâm thiết kế lại cho lò gốm, tạo mối lái để sau này giao hàng. Ông Tốn bàn với Lâm: "Thôi thì tình làng. Bố với chú Pha cũng là bạn thâm giao, giờ họ kéo về, muốn làm lại, ta cũng nên lấy đó làm vui vì sẽ có bầu có bạn".

Phải ít tháng sau Lâm mới biết, gã chồng Miền vì làm ăn thua lỗ mà lừa cả họ hàng, bố vợ, và vợ để lấy tiền, trốn biệt. Bây giờ Miền ôm con trai về co cụm bên bố mẹ, khuôn mặt lúc nào cũng cúi gằm. Tay Lâm nặn gốm mà lúc nào lòng dạ cũng nghĩ đến Miền. Bà Lan nhìn con, hiểu chuyện: "Con thương cái Miền chứ gì!". Lâm lặng người, không nói.

Lò gốm của Lâm được đoàn làm phim về mượn bối cảnh, quay phim. Người ta cũng quay một số cảnh trên con đê làng cong cong, thông thốc gió. Ông chủ hãng quen những tay buôn nức tiếng hứa sẽ tìm cách bán hàng giúp làng. Hôm ấy người làng đến xem diễn đông lắm. Mấy người còn được mời làm diễn viên quần chúng. Ông Tốn gần như khỏi hẳn bệnh, lúc trực tiếp nặn bình, lúc đon đả pha nước mời khách. Trong những người đứng xem đóng phim phía xa, thấp thoáng gương mặt Miền. Ánh mắt cô như lạc đi giữa bao người, nhưng anh vẫn thấy gần gũi. Anh đứng lên, tiến về phía đó, định gọi. Nhưng Miền đã bỏ về. Lâm định đuổi theo nhưng đôi chân cứ đờ đẫn, dính chặt xuống đất.

Bẵng đi sáu, bảy năm trời, giờ làng lại có hai lò nung đỏ lửa. Gốm độc bản, duyên dáng bằng men truyền thống trở thành mặt hàng được ưa chuộng. Xe cộ, khách xa rổn rảng về đặt hàng. Sáng ấy đang đưa hàng lên xe cho khách thì Lâm nghe tiếng mấy bà hò hét: "Kìa, con cái Miền bị xe quệt…". Lâm lao đầu chạy. Cũng may, chiếc xe máy chỉ quệt nhẹ, làm thằng bé chảy máu mũi, xước ở bàn tay. Lúc đưa nó vào bệnh viện khám xong đâu đấy, Miền mới tới. Ánh mắt Lâm chạm ánh mắt Miền. Miền ngường ngượng cúi xuống. Lâm vẫn nhận ra đôi mắt đen, long lanh của Miền sau khi trải qua những biến cố cuộc đời. Anh bảo: "Con em không sao rồi. Yên tâm nhé". Miền nói lời cảm ơn, dõi theo bước chân Lâm đến cuối hành lang. Còn Lâm nghe rõ tiếng tim mình đập rộn. Trong chập chờn ý nghĩ, Lâm thấy khuôn mặt Miền giống khuôn mặt cô gái anh vẽ trên chiếc bình gốm mầu lam sáng, đặt trong phòng khách nhà mình.