Định hướng nghề nghiệp để chủ động tương lai

Để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, ngành giáo dục đã sớm chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp trong chương trình phổ thông. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng không quan tâm hoặc quan tâm không đúng mức đến định hướng nghề nghiệp vẫn khiến người trẻ đánh mất thời gian, cơ hội, và đặc biệt là lãng phí nguồn nhân lực...
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp tham gia Ngày hội tuyển dụng để săn tìm các vị trí việc làm. Ảnh | Cổng thông tin thành đoàn TP Hồ Chí Minh
Doanh nghiệp tham gia Ngày hội tuyển dụng để săn tìm các vị trí việc làm. Ảnh | Cổng thông tin thành đoàn TP Hồ Chí Minh

Nhà trường chú trọng hơn đến giáo dục hướng nghiệp

Theo chương trình mới ở cấp trung học phổ thông, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện ở tất cả môn học và hoạt động giáo dục. Ngay từ đầu cấp, chương trình học đã triển khai theo hướng phân hóa và định hướng nghề nghiệp. Suốt quá trình học tập, từ định hướng sẽ ngày càng rõ nét mạch lạc hơn với sự kết hợp hỗ trợ từ nhà trường và gia đình.

Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 trong đó xác định mục tiêu chung của công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh là “Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế”.

Theo đó, công tác phân luồng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực cá nhân, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh riêng. Thực tế, theo chương trình hiện hành, hướng nghiệp được bố trí phân bổ đều trong toàn bộ chương trình học, tuy nhiên thời lượng chỉ chiếm 1 tiết/tháng. Kỳ tuyển sinh năm ngoái, có trường hợp thí sinh đăng ký đến gần 100 nguyện vọng đã phần nào phản ánh rõ công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh nhìn chung chưa thật sự hiệu quả...

Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) là một trong những đơn vị tiên phong trong công tác giáo dục hướng nghiệp bằng nhiều hình thức. Từ năm 2009, trường đã xây dựng Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp và lao động sản xuất, là tiền thân của Trung tâm Trải nghiệm và Sáng tạo Vĩnh Yên hiện nay. Trung bình mỗi ngày có khoảng 200 học sinh của trường đến đây tham gia các hoạt động trải nghiệm với các môn thực hành do học sinh tự chọn như chế tạo, pha chế, nấu ăn, giá trị sống, sinh học, sản xuất nông nghiệp, bơi lội, bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, mộc, điện...

Nhà trường còn có một trung tâm trải nghiệm khác tại Đắc Sở, (Hoài Đức, Hà Nội) được xây dựng theo hướng công viên trường học với các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Nhà quản lý giáo dục Nguyễn Văn Hòa, sáng lập viên của trường là người luôn đề cao vai trò của công tác hướng nghiệp. Ông viện dẫn, Luật Giáo dục 2019 quy định:“Hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội”.

Học đi đôi với hành là điều ông luôn nhắc nhở các thế hệ học sinh của trường. Nếu người trẻ không được hỗ trợ hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp đúng đắn khi ra đời khó đạt được thành công trong công việc, khó tìm được công việc tốt, thậm chí thất nghiệp.

Lựa chọn sai ngành học, nên đi tiếp hay dừng lại

Trong các buổi tư vấn hướng nghiệp, tiếp xúc với học sinh, nhiều chuyên gia tư vấn nhận thấy tình trạng học sinh cuối cấp rơi vào thế bị động trong chọn ngành nghề dẫn đến việc chọn ngành không phù hợp vẫn còn nhiều. Ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với các sở giáo dục hỗ trợ đào tạo kỹ năng toàn diện, giáo dục hướng nghiệp cho hơn 24 triệu học sinh, sinh viên ở gần 55 nghìn cơ sở giáo dục, trong đó có 250 trường đại học.

Ông cho rằng, công tác hướng nghiệp càng chất lượng, việc phân luồng sẽ càng hiệu quả hơn. Thống kê của trung tâm năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo là 56%, số còn lại chỉ liên quan đến ngành đào tạo là 25%, thậm chí không liên quan đến ngành đào tạo là 19%.

Tình trạng chưa quan tâm đúng mức đến việc định hướng sớm nghề nghiệp còn khá phổ biến, dẫn đến nhiều hệ lụy. Không ít trường hợp người học phải bỏ ngang giữa chừng; hoặc chuyển ngành vì vào học một thời gian mới vỡ lẽ ra chính mình không phù hợp, hay chọn sai ngành...

Chị Nguyễn Hồng Lâm ở Long Biên (Hà Nội) sống bằng nghề dạy thêm khối tự nhiên cho các học sinh từ lớp 6 đến 12 và ôn thi đại học. Chị Lâm vốn là cử nhân ngành Tâm lý (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ra trường không kiếm được việc làm, thời gian đầu chị đi làm thuê cho một xưởng sản xuất áo mưa. Lấy chồng có con, chị ở nhà làm nội trợ.

Để kèm con học, chị mua tài liệu, sách tham khảo về tự nghiên cứu. Con học đến đâu chị kèm theo trình độ đó, đến nay các con của chị Lâm đã tốt nghiệp đại học, chị bén duyên với nghề dạy học từ sự tình cờ đó. Hỏi chị về sự lựa chọn một công việc không liên quan đến ngành học, chị Lâm bày tỏ: Lãng phí là điều chắc chắn. Tôi mất bốn năm để học một ngành mà giờ không dùng đến, lãng phí chứ! mất bao nhiêu là thời gian, tiền bạc, công sức. Lựa chọn một công việc mới, tôi phải cố gắng hơn nhiều lần để tự học, tự bù đắp cho mình những kiến thức thiếu hụt, mất nhiều công sức để làm quen, để tiếp cận một lĩnh vực mới...

Định hướng nghề nghiệp để chủ động tương lai ảnh 1

Ngày hội tuyển sinh và hướng nghiệp 2023 tổ chức ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh | Duyên Phan

Nhất quán trong lựa chọn ngành nghề

Theo xu hướng phát triển của xã hội hiện nay, có khá nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh khối ngành xã hội. Những định kiến kiểu “Dân khối C 9 điểm 3 môn” hình thành không biết từ khi nào về khối ngành xã hội đã ảnh hưởng đến quá trình hướng nghiệp của người trẻ khi lựa chọn hay quyết định theo đuổi ngành học. Thực tế, thi vào những ngành thuộc khối xã hội không dễ đỗ, đặc biệt là để đỗ điểm cao, bởi kiến thức mảng này rộng, khó “học tủ” và khó tránh được yếu tố may rủi.

Nhiều người vẫn quan niệm, việc ôn thi vào ngành xã hội, học những môn như văn, sử, địa, giáo dục công dân đồng nghĩa với việc học thuộc, học gạo, vì thế không nặng tư duy, không cần phương pháp. Thực tế, ngành khoa học xã hội bên cạnh một trí nhớ tốt cũng cần tính khái quát cao, tư duy logic và sức sáng tạo. Để thành công trong quá trình học và làm việc, sinh viên xã hội thật sự phải cố gắng, nỗ lực nghiêm túc và học hỏi không ngừng. Tuy nhiên đầu ra cũng có nhiều lựa chọn với mức lương thỏa đáng so với sự nỗ lực.

Thực tế là nếu có sự nỗ lực học hỏi phấn đấu để có kiến thức nền vững vàng, có ngoại ngữ, làm giàu vốn sống cũng như tự trau dồi kỹ năng mềm, ngành xã hội là đối tượng được khối nhân sự săn đón. Tiêu chí chọn nghề vẫn phải ưu tiên đam mê, năng lực và cơ hội nghề nghiệp. Trong đó, năng lực của bản thân là tiêu chí quan trọng nhất khi chọn ngành, chọn nghề.

Nhu cầu nhân lực của xã hội đối với một ngành nghề thường chỉ có tính nhất thời và thay đổi tùy theo sự biến động không ngừng của nền kinh tế-xã hội, ngành đang hot, đang khát nhân lực ở thời điểm này nhưng dăm năm sau đó có thể sẽ không còn bức thiết nữa. Ông Bùi Văn Linh cho rằng, việc học sai ngành, chọn sai trường, thiếu việc làm, thiếu kỹ năng làm việc... là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giới trẻ ra trường sẽ thất nghiệp hay khó tìm việc làm tốt.

Mất thời gian, công sức để tiếp cận một ngành nghề mới, phần lớn người lao động làm trái ngành theo khảo sát của trung tâm cho rằng, họ phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba người khác để học hỏi và bù đắp chuyên môn lẫn kỹ năng cho công việc mà họ đang thiếu. Đó thật sự là thế yếu của người trong cuộc và sự lãng phí lớn với một quốc gia.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2023 tại Hà Nội diễn ra vào ngày 19/3 tại khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Có 250 gian tư vấn của hơn 100 đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng và nhiều trung tâm tư vấn đào tạo, du học hội tụ. So với các năm trước, ngày hội tại Hà Nội có quy mô lớn nhất, đa dạng với nhiều hoạt động và thông tin hấp dẫn, thiết thực. Ngày hội nằm trong khuôn khổ chuỗi chương trình tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2023 do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và Đại học Bách khoa Hà Nội, Tập đoàn Vingroup đồng hành, phối hợp tổ chức.