Điểm chạm nghệ thuật mới

Tuần qua, Lễ hội âm nhạc cổ điển Việt Nam (Vietnam Classical Music Festival-VCMF) đã diễn ra thành công tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Đây cũng là thành phố đầu tiên của Việt Nam được công nhận là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc, thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
0:00 / 0:00
0:00
Buổi hòa nhạc của các tài năng trẻ đến từ Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: BAN TỔ CHỨC
Buổi hòa nhạc của các tài năng trẻ đến từ Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: BAN TỔ CHỨC

Lễ hội âm nhạc cổ điển Việt Nam đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong nhận thức về việc chung tay của tất cả các bên liên quan để xây dựng Đà Lạt trở thành một thành phố nghệ thuật ở Việt Nam.

Từ sáng kiến và sự đồng hành của các đơn vị tư nhân

Đà Lạt với lợi thế về địa lý, khí hậu và cảnh quan thiên nhiên đã luôn là nguồn cảm hứng lớn cho sáng tạo nghệ thuật. Riêng về âm nhạc, trong những năm qua, Đà Lạt là nơi "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để trở thành tụ điểm của rất nhiều không gian đa tiện ích, các quán cà-phê âm nhạc, sân khấu biểu diễn ấm cúng dành cho một lượng khán giả nhất định. Đó là nơi con người được thả lỏng tâm trí hòa trong thiên nhiên và thanh âm của các ca khúc, giọng hát đẹp. Nhiều ca sĩ nổi tiếng đã chọn thành phố này là nơi thực hiện liveshow, như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Vũ Cát Tường, Nguyên Hà...

Bên cạnh những sự kiện âm nhạc mang mầu sắc giải trí đại chúng, Đà Lạt cũng đã có những nơi chốn dành sự quan tâm sâu sắc cho lĩnh vực âm nhạc hàn lâm, góp phần làm phong phú hơn đời sống âm nhạc của thành phố. Có thể kể đến Không gian sáng tạo Phố Bên Đồi. Từ khi thành lập, Phố Bên Đồi đã là điểm dừng chân của không ít nghệ sĩ piano, violin, guitar, các nhóm tam tấu, tứ tấu nhạc cổ điển đến từ hai trung tâm văn hóa lớn của đất nước: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Không gian cũng mở nhiều sự kiện hoàn toàn miễn phí cho cộng đồng cư dân địa phương, cùng trải nghiệm giao lưu biểu diễn âm nhạc cổ điển, góp phần đưa lĩnh vực âm nhạc này tới cộng đồng.

Phố Bên Đồi là đơn vị địa phương đồng hành với Học viện Âm nhạc trẻ Việt Nam (Vietnam Youth Music Institute-VYMI), có trụ sở tại Hà Nội-đơn vị đưa ra sáng kiến tổ chức Lễ hội âm nhạc cổ điển Việt Nam đầu tiên trong cả nước lần này. Hai đơn vị này cùng Vietfest-một đơn vị tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh có kinh nghiệm tổ chức các sự kiện nghệ thuật lớn và nhiều đơn vị khác đã hợp sức tạo nên một chuỗi 19 sự kiện đa dạng, từ các buổi biểu diễn trong nhà hát, không gian nhỏ, ngoài trời đến workshop, hội thảo, master class, trò chuyện nghệ thuật, với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ, nhạc công người Việt Nam và nước ngoài.

Cộng đồng cùng hưởng lợi

Là nơi diễn ra 12 trong tổng số 19 sự kiện, suốt tám ngày của Lễ hội, toàn bộ đội ngũ nhân viên chỉ gần 10 người của Phố Bên Đồi "phải chạy hết tốc lực"- anh Hiền Nguyễn, Giám đốc Không gian, chia sẻ.

Điều đáng nói là Không gian ủng hộ toàn bộ chi phí cho Lễ hội, bao gồm từ hạ tầng cơ sở vật chất đến thù lao nhân công và rất nhiều chi phí "không tên" trong suốt quá trình diễn ra. Lý giải về sự đóng góp này, anh Hiền cho biết: "Nếu như hai năm trước, trong quá trình tổ chức các sự kiện biểu diễn âm nhạc cổ điển, tôi phải năn nỉ người quen thân đến để có khán giả, thì nay nhiều khán giả đã chủ động tìm tới sự kiện và mua vé, rồi rủ thêm người thân, bạn bè tham dự cùng. Số tiền bán vé chỉ có ý nghĩa tượng trưng so các sự kiện âm nhạc khác có cùng nghệ sĩ biểu diễn nhưng việc mua vé của khán giả dự các buổi biểu diễn âm nhạc hàn lâm như vậy thể hiện bước chuyển quan trọng trong nhận thức của xã hội về nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Điều này cổ vũ và khuyến khích rất nhiều đối với các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực sáng tạo như chúng tôi".

Bên cạnh chuỗi chương trình biểu diễn có bán vé, Lễ hội còn bao gồm các chương trình biểu diễn, hội thảo mở, sinh hoạt học thuật hoàn toàn miễn phí, như hội thảo Âm nhạc cổ điển dành cho tất cả mọi người, worshop và master class về Hòa tấu đàn dây, Hòa nhạc của học sinh, đặc biệt là sự kiện biểu diễn ngoài trời tại cung đường nghệ thuật Lý Tự Trọng của The Hanoi Brass Community, gồm những nghệ sĩ chơi kèn đồng từ các quốc gia khác nhau sinh sống ở Hà Nội. Sự đan xen của chuỗi sự kiện như vậy nhằm mục đích, như tiêu đề hội thảo mở, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận âm nhạc cổ điển, chỉ cần họ mở cửa tâm trí của mình. "Âm nhạc cổ điển không hề xa cách với đại chúng, không chỉ dành cho "người giàu" như "định kiến" khá phổ biến trong xã hội bao lâu nay"-một nghệ sĩ tham gia sự kiện chia sẻ với chúng tôi. Cùng chung tinh thần hướng đến cộng đồng, hầu hết các nghệ sĩ đã chia sẻ chi phí với Ban tổ chức khi tham gia Lễ hội này.

Sự kiện đầu tiên đã đem lại nhiều kinh nghiệm quý để các nhà tổ chức cân nhắc cho phiên lễ hội tới mà theo chia sẻ từ đại diện Vietfest, Lễ hội sẽ được tổ chức hằng năm.

Về lâu dài, Lễ hội âm nhạc cổ điển Việt Nam sẽ không thể duy trì nếu chỉ được xây dựng từ tinh thần hoàn toàn phi lợi nhuận và vì cộng đồng của các bên tham gia tổ chức, vận hành, mà hiện tất cả đều là đơn vị tư nhân. Song, nhìn từ góc độ tích cực, có thể tin tưởng rằng, tinh thần đó nếu trở thành nền tảng quan điểm chung của tất cả các bên tham gia thì sẽ tạo nên một mô hình lễ hội/sự kiện âm nhạc đầy tính sáng tạo của Việt Nam; trong đó, công chúng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, bởi có quãng thời gian sống trong một bầu khí quyển của âm nhạc vô giá tại Đà Lạt.

Lễ hội âm nhạc cổ điển Việt Nam diễn ra từ ngày 10 đến 17/3, dưới sự bảo trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt. Với sự đồng hành về chuyên môn của đối tác là Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, sự kiện có sự tham dự của hơn 100 nghệ sĩ, nhạc trưởng, nhạc công đến từ trong và ngoài nước, bao gồm chín nghệ sĩ solo với piano, violin, bộ gõ và 10 nhóm nghệ sĩ, dàn nhạc giao hưởng.