Nhà thơ Vĩ Hạ:

Đi tìm những bóng người để thấy chính mình

Tác giả trẻ Vĩ Hạ vừa rời trường phổ thông ở Bình Thuận để vào TP Hồ Chí Minh ngồi ghế giảng đường đại học, đã được trao giải thưởng Tác giả Trẻ năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam, với tập thơ “Đi tìm những bóng người”. 18 tuổi, món quà văn chương đầu đời ấy, đủ tính khích lệ để Vĩ Hạ thêm tự tin trên con đường thi ca nhưng cũng đủ tính áp lực để Vĩ Hạ thêm tìm tòi trên hành trình sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa chân dung nhà thơ Vĩ Hạ của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung nhà thơ Vĩ Hạ của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Tập thơ “Đi tìm những bóng người” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, được chưng cất từ nhiệt huyết thanh xuân của tác giả trẻ Vĩ Hạ trước ngưỡng cửa cuộc đời, có sự rụt rè, sự bỡ ngỡ, sự háo hức và cả sự hoang mang.

Tâm trạng ngổn ngang rời khỏi vạch xuất phát của căn nhà quen thuộc để bước đến một thế giới mênh mông và thử thách, mà khám phá chính mình, được Vĩ Hạ thể hiện qua những câu thơ: “em đã chọn một màn đêm để được phép nói/ đừng trống rỗng khi nhận ra rằng/ nụ cười cũng biết đau”.

Xứ nắng quê nhà đã góp phần thắp sáng vần điệu và ý tứ của tác giả trẻ Vĩ Hạ, khi cồn cào “cơn bão nắng cứ ở làm lòng tôi thề đọc/ những trang thơ ghi/ nhiều trận mưa trong đó”, khi day dứt “tuổi tôi là cơn nắng rực rỡ/ hay chỉ là nỗi buồn nắng chiều chờ/ cuối cùng nắng đốt hết tất cả/ còn mình tôi, chiêm bao mưa buồn òa”.

Tuy nhiên, cũng như bao người trẻ khác, cảm hứng mãnh liệt nhất nuôi dưỡng và thúc đẩy mạch thơ Vĩ Hạ chính là bóng dáng người dưng gây thương nhớ.

Hướng theo nguồn cơn xao xuyến nửa hư nửa thực, Vĩ Hạ bày ra những cuộc đối thoại miên man trong tâm tưởng, từ xa xôi “có đôi lần tôi thả sinh mạng của tâm hồn vào cây/ treo trên mái đầu nhỏ/ trôi trong hộp biển đỏ/ long lanh mắt lồng nhỏ/ và tôi nhìn qua chắn song thấy lại cánh đồng mây/ cánh đồng tôi đã từng ngao du trong tưởng tượng/ cùng em” đến gần gũi “đôi tulip phủ tình yêu môi em/ anh đã hôn những kỉ niệm buồn phút chốc”, từ mong mỏi “hôm nay và nay mai chúng ta, mệt rồi/ em đừng đi, đừng đi nữa/ Ôi em ơi quá khứ ta chôn vùi/ kí hợp đồng với mưa rửa hết/ ngày mai mình đào màn đêm/ xé nát những con sao hoang hoải” đến nguyện cầu “hãy thương nhau như là lúc lần đầu/ em nhìn anh như một vì sao nở”.

Nhận diện được sự trống vắng riêng tư “ai hôn cái yếu đuối tôi giữa bầy người?” cho nên Vĩ Hạ đi tìm sự đồng cảm phía tha nhân “trên dòng chảy thời gian/ sát na hạt hữu hạn thật/ nhưng những màn sương đêm/ không thể nào biến mất/ ngay trong một tíc tắc/ không thể nào biến mất/ chỉ sau một cơn mơ”.

Vĩ Hạ xoa dịu những rối bời bản thân bằng những nhịp điệu ngôn từ mới mẻ, không bị trói buộc trong các khuôn thước thể loại thơ truyền thống. Những câu khấp khểnh, những câu liêu xiêu, những câu nghiêng ngả làm nên giọng thơ của Vĩ Hạ, trong sự tự do có sự day dứt, trong sự phóng khoáng có sự đa đoan, trong sự rộn ràng có sự vân vi.

Cũng nhờ khai thác ưu điểm dám đương đầu thử thách của tuổi trẻ, mà Vĩ Hạ không ngần ngại đưa ra cách nói khác cho những phạm trù đã rất quen thuộc.

Xưa nay, từng có hàng vạn định nghĩa tình yêu, nhưng Vĩ Hạ vẫn muốn định nghĩa lại tình yêu theo kiểu riêng: “tình yêu/ là chót vót vì sao/ tình yêu/ là im lặng góc nhỏ/ tình yêu/ là sao rơi bên gác nằm/ một giấc ngủ bình yên/ khi em in/ tình yêu một xứ sở/ lên nền trời buồn cửa sổ/ là khi em biết khóc ròng đôi câu/ tình yêu em/ là đêm dài leo chông chênh nỗi nhớ/ khi bình minh sắp sửa/ vùi mình/ qua đêm”.

Có lẽ Vĩ Hạ cũng nhận ra những tơ vương lùng nhùng giăng mắc trái tim mình, nên đôi khi anh tự đưa lời giải theo hướng rõ ràng hơn “câu từ xanh ngồn ngộn/ chưa bao giờ tình chữ quên em”.

Tác giả trẻ Vĩ Hạ nỗ lực ghi lại đầy đủ nhất có thể, về những cảm xúc mình đang trải nghiệm, kể cả cảm xúc đau khổ mông lung lẫn cảm xúc tổn thương ngộ nhận.

Vì vậy, cũng không quá khó hiểu, khi đã phát hiện được “khuôn mặt mưa loang lổ mụn ký ức” trong bài thơ “Chân dung một cơn mưa” thì anh có thêm phần “tái bút” hơi điệu đà.

Thế nhưng, cái cảm xúc tràn trề không miễn cưỡng kiểm soát của Vĩ Hạ lại rất đắc dụng với những bài thơ văn xuôi kéo dài mộng mị, mà bài “Những cuộc hành trình cô đơn giữa rừng đèn đêm” là một thí dụ: “tôi nhìn lãng đãng những con bọ đom đóm ánh cây bay lên rồi nhốt mình vào cái củi đèn bơ vơ trên kia. đã nhiều năm không nghỉ, nhiều năm thốt thảng ơ kìa. có đôi lúc tôi thấy rừng cây ấy kơ-nia, cũng có lúc tôi thấy bóng cây tùng vươn lên ám ảnh. ám ảnh những khát vọng đêm. ám ảnh những lá tùng đêm”.

Với những người làm thơ trẻ, họ luôn muốn phô diễn một chút kỹ thuật sáng tác bằng việc lạm dụng những từ có vẻ mạnh mẽ và âm vang. Tác giả trẻ Vĩ Hạ cũng không ngoại lệ, là chuyện dễ chia sẻ.

Ngoài ra, tập thơ “Đi tìm những bóng người” còn có một điều đáng tiếc là cách đặt tên từng bài thơ chưa có khả năng mở rộng biên độ thẩm mỹ cho nội dung bài thơ. Thậm chí, có nhiều cái tên bài thơ tương đối sáo mòn và ít sức gợi mở như “Đường mưa”, “Ảo ảnh dưới trăng”, “Bức tường cô đơn”...

Nói đi phải nói lại, trong đời sống thi ca hiện nay, một tác giả trẻ có được một tập thơ “Đi tìm những bóng người” như Vĩ Hạ là đáng trân trọng. Vĩ Hạ nôn nao “đi tìm những bóng người” cũng chỉ để thấy chính mình. Anh khao khát những thi ảnh ấn tượng mà lắm lúc mang lại dư vị cho độc giả bằng những thi ảnh giản dị: “bên trên đồi một em bé nhỏ nhắn/ vẽ một ước mơ bằng màu của nước mắt”.

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Vĩ Hạ.