Để hạn chế độ trễ của chính sách

Luật Di sản văn hóa được ban hành năm 2001, chính thức đi vào thực hiện từ năm 2002, sửa đổi lần thứ nhất năm 2009. Sau hơn 10 năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất sửa đổi Luật này với lý do là sự bất cập của Luật so thực tiễn cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham quan Triển lãm Văn bản hành chính nhà nước nhìn từ Châu bản triều Nguyễn, Di sản tư liệu thế giới được UNESCO ghi danh. Ảnh: Hồ Cầu
Khách tham quan Triển lãm Văn bản hành chính nhà nước nhìn từ Châu bản triều Nguyễn, Di sản tư liệu thế giới được UNESCO ghi danh. Ảnh: Hồ Cầu

Những con số nói lên nhiều điều

Một trong những lý do dẫn đến sự bất cập của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là trong hơn 10 năm qua, Quốc hội đã phê duyệt sửa đổi 14 văn bản luật khác, trong đó có luật sửa đổi tới hai lần (Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019). Tình trạng chồng chéo giữa văn bản pháp luật về di sản văn hóa và văn bản pháp luật khác có liên quan xuất hiện từ năm 2014 trong cả lĩnh vực di tích, bảo tàng và di sản văn hóa phi vật thể.

Theo tài liệu của Cục Di sản văn hóa, từ năm 2001 đến nay, có tới 49 văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa được ban hành ở cấp quốc gia, bao gồm văn bản luật do Quốc hội ban hành, cùng các văn bản khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và các thông tư liên tịch giữa các bộ, ban, ngành trung ương. Bên cạnh đó, các bộ, ngành khác, các tổ chức chính trị-xã hội và địa phương cũng ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tổng số lên đến 295 văn bản nữa.

Thực tế nước ta cho thấy, một văn bản luật ra đời đã thu hút và tiêu thụ rất nhiều thời gian, chất xám, tâm huyết và tài chính của Nhà nước, các cơ quan ban, ngành và nhiều cá nhân trong xã hội. Nhưng độ trễ của các văn bản này nói chung, của Luật Di sản văn hóa nói riêng đã khiến cho chính nó nhanh chóng trở nên bất cập trước thực tiễn, lộ ra những khoảng trống cần sớm được lấp đầy. Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ ra ba bất cập cốt lõi dẫn tới đề nghị sửa đổi Luật Di sản văn hóa lần này: một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung cần quy định rõ hơn; một số quy định có tính khả thi chưa cao, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi hoặc bãi bỏ và một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật.

Cần cách tiếp cận mới với di sản tư liệu

Bất cập thứ ba nói trên chỉ ra bốn vấn đề phát sinh chính, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề di sản tư liệu. Chương trình Ký ức Thế giới do UNESCO khởi xướng từ năm 1992 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu và Việt Nam tham gia Chương trình này từ năm 2007. Đến nay, Việt Nam đã có bảy di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh (ba Di sản Tư liệu thế giới, bốn Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương). Qua 15 năm là quốc gia thành viên tham gia Chương trình nhưng ở trong nước, di sản tư liệu vẫn chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị.

Việc đề nghị đưa di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa sửa đổi lần này nhằm khắc phục hiện trạng loại hình di sản này chưa được quy định bởi bất kỳ luật nào trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Theo TS Vũ Thị Minh Hương, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, trên thế giới, luật về di sản văn hóa không phải là mô hình duy nhất áp dụng cho việc bảo vệ và phát huy di sản tư liệu: "Vấn đề di sản tư liệu được các quốc gia trên thế giới quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau, có quốc gia đưa vào Luật Lưu trữ, có quốc gia đưa vào Luật Di sản văn hóa". Bà Hương dẫn chứng, ở Australia và Senegal, di sản tư liệu được quản lý theo Luật Lưu trữ; ở Canada là Luật Lưu trữ và Thư viện; ở Trung Quốc, Luật Bảo vệ di sản văn hóa và Bộ luật Hình sự xử phạt những vi phạm về di sản văn hóa trong đó có di sản tư liệu. Chính vì khả năng tương thích đa dạng của loại hình di sản này với một số lĩnh vực quản lý khác, bà Hương đề nghị cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung cần có một báo cáo cụ thể và chi tiết hơn về vấn đề này.

Cùng chung hướng nhìn nhận, PGS, TS Nguyễn Tuấn Cường (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) nhấn mạnh, di sản tư liệu có hai đặc tính quan trọng: đặc tính hiện vật bởi nó là vật mang tin (sách, bia, sắc phong, chiếu chỉ...) và đặc tính có nội dung thông tin được thể hiện qua các ký hiệu (văn tự, âm thanh, hình ảnh...). Chính vì đặc tính hiện vật như vậy nên ở một số nước, di sản tư liệu còn được xếp chung vào loại hình di sản văn hóa vật thể với các quy định đặc thù để bảo vệ và phát huy giá trị. "Một quả chuông cổ có khắc chữ thì rõ ràng mang đặc tính song trùng, vừa là di sản văn hóa vật thể lại vừa là di sản tư liệu. Tính giao thoa của một hiện vật với các Luật Thư viện, Luật Lưu trữ và Luật Di sản văn hóa sửa đổi là có, chính vì vậy cần có sự phân định minh bạch để bảo đảm cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy trọn vẹn giá trị di sản, trong đó có giá trị sử dụng"- ông Cường phân tích.

Tại Hội thảo Góp ý Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi ngày 28/7 vừa qua, là phiên họp lần thứ ba, đã có 37 bản ý kiến, tham luận của cá nhân các nhà quản lý, nghiên cứu, khoa học, 123 trang ghi nhận ý kiến, kiến nghị, đề xuất của 16 bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phố.