Lý Sơn không còn xa
Hơn một giờ lênh đênh, tàu cao tốc Hoàng Sa cập đảo. Bến đón rộn ràng. Khách du lịch người còn nôn nao cơn say sóng, người muốn thu ngay biển trời vào đáy mắt, nên đa phần thường nấn ná thêm quanh âu tàu. Còn lại, lỉnh kỉnh hàng hóa, những cư dân đảo nhanh chóng chuyển đồ lên xe, xuôi con đường trục chính hướng vào trung tâm đảo.
Theo những chuyến tàu vào ra khi biển êm, khách du lịch đến mỗi ngày một nhiều hơn. Sự tấp nập mang đến làn gió đổi thay, không chỉ dừng lại ở kiến trúc phố thị của những ngôi nhà lớn chạy sát nhau bên biển, ở mức sống đang được cải thiện. Sâu xa và lặng lẽ, điều đó âm thầm thấm vào cách nghĩ - cách làm của dân đảo.
Sinh ra và lớn lên từ đảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương hẳn là một trong những người “ngấm” nhất về tiến trình ấy! Chị say sưa nói về sự chuyển mình và chiến lược phát triển của huyện nhà với điểm xuất phát là cơ hội đến từ dòng điện lưới quốc gia. Sợi cáp điện ngầm vượt biển tới Lý Sơn đã thay đổi cả cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội và bộ mặt nông thôn của huyện đảo. Nếu trước kia, mức độ đóng góp vào “giỏ GDP” có thứ tự là ngư nghiệp, nông nghiệp rồi mới đến dịch vụ du lịch, thì nay vị trí thứ ba đã vươn lên thứ hai. Có 1.253/5.572 hộ với 1.769 lao động tham gia lĩnh vực thương mại - dịch vụ (tăng 291 hộ với 326 lao động so với cùng kỳ năm 2016), hay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 38,01%... Những con số biết nói. Những thước đo...
Và điều vị nữ phó chủ tịch tâm đắc nhất, chính là việc Lý Sơn đã không còn quá xa xôi. Khoảng cách địa lý thì vẫn vậy, nhưng thời gian để nối đảo và đất liền ngày một rút ngắn. Hơn thế, khoảng cách về thông tin, về cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của người dân Lý Sơn mỗi lúc một thu hẹp hơn so với đất liền. Viễn thông phát triển mạnh mẽ, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi… cũng giúp cho việc đưa chính quyền điện tử hiện hữu trong thực tế. Để nhờ đó, khoảng cách giữa chính quyền và người dân trên đảo, thông qua các thủ tục hành chính, đã được lấp đi đáng kể.
Sắc màu trên cát trắng
Tự bao đời, dân Lý Sơn vẫn vào lộng ra khơi. Mưu sinh đấy, mà cũng là dòng chảy bất tuyệt tiếp nối sứ mệnh “cột mốc sống” của những người con đảo tiền tiêu. Ngư nghiệp, xét về chiến lược dài hạn, vẫn được xác định là mũi nhọn trong phát triển của huyện đảo. Cho đến nay, Lý Sơn luôn tự hào vì đội tàu cá khá hùng mạnh, lên đến 529 tàu với tổng công suất khoảng 68.706 CV. Khi điện ra tới đảo, ngư dân Lý Sơn cũng thay đổi cung cách đánh bắt truyền thống. Những chuyến ra biển dài hơn, hiệu quả cao hơn. Tới đây, khu hậu cần nghề cá rộng 3 ha đang được triển khai sẽ giúp nâng cao thêm nữa năng lực đánh bắt xa bờ cho ngư dân.
Đảo xa khắc nghiệt về thời tiết và điều kiện thổ nhưỡng, nhưng trời cũng ưu ái cho nơi đây một thứ đặc sản lừng danh: Hành, tỏi Lý Sơn. Ở xứ này, vào mùa thu hoạch, đến gió cũng cay cay và không khí thì quanh quánh. Trung thu là mùa thu hoạch hành. Những búi to búi nhỏ chất đầy trong căn nhà chính, tràn xuống cả khu bếp và theo luôn vào phòng ngủ.
Nhà ông Lê Sang, khu dân cư số 6, thôn Tây, xã An Vĩnh, là mẫu gia đình mấy đời làm nông điển hình ở Lý Sơn. Con cái trưởng thành, đứa làm nghề cá, đứa nhanh nhạy mở nhà hàng Hoàng Khuyên, thuộc loại to nhất khu trung tâm. Còn ông, 76 tuổi nhưng cũng “chẳng chịu ngồi yên”.
Ông nhớ ngày xưa, khi chưa có điện lưới quốc gia, tỏi thu hoạch về được phơi từ 18-20 nắng (trong điều kiện nắng tốt), khi nào tách củ thấy bên trong vỏ khô giòn mới đưa vào bảo quản. Nay, công đoạn sơ chế sử dụng điện để sấy khô, nên “mùa mưa vẫn thu hoạch được tốt!”. Điện về, hệ thống tưới tự động cũng theo về. Không những giảm được sức và nhân lực lao động, mà nguồn nước tưới bằng cách này còn luôn giữ được độ ẩm cho cây tỏi. Mỗi năm ba vụ hành, tỏi, mỗi vụ thu được 1,5 tấn, cả trăm triệu đồng, giờ ông bà còn dự định mở mang trồng trọt.
Nhìn dài hạn, nông nghiệp chỉ giữ vị trí thứ ba trong ưu tiên phát triển, nhưng hơn 230 ha diện tích nông nghiệp sẽ vẫn được duy trì. Có điều, cây tỏi, cây hành được đầu tư bài bản hơn. Nếu không có gì thay đổi, sang năm 2018, tỏi Lý Sơn sẽ được cấp chỉ dẫn địa lý, tiếp theo những nho Ninh Thuận, bưởi Đoan Hùng... Cánh cửa vào thị trường trên khắp cả nước và vươn xa đến những thị trường ngoài nước đã rộng mở. Nghe bảo dự án sản xuất tỏi đen Đảo Ngọc đã nên hình hài… Tỏi Lý Sơn sẽ không chỉ còn xuất thô, như bao đời vẫn thế!
Sau một năm trở lại, tôi ngỡ ngàng khi thấy trên con đường đến với Cột cờ Lý Sơn, có một tấm biển lớn thu hút sự chú ý của người qua. Đó là thông tin về 30 gia đình tham gia dự án “homestay” do Chính phủ Lúc-xăm-bua (Luxemburg) hỗ trợ, với đầy đủ thông tin liên lạc. Nhưng, tính rộng ra trên toàn đảo lớn và bé, số hộ dân tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch lớn hơn rất nhiều. Điểm thú vị là những con người vốn sống xa đất liền, chỉ quen với nắng gió và cát trắng, đã nhập cuộc rất nhanh. Những ngôi nhà được sơn sửa nâng cấp sẵn sàng đón khách. Những con người sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng “thử sức”… Cuộc sống với cư dân Lý Sơn quả đã khác rất nhiều…
Một bước chuyển mạnh mẽ, mà vẫn cứ nhẹ nhàng như không...
Ước mong gửi lại
“Diện mạo Lý Sơn sẽ còn thay đổi rất nhiều”, Giám đốc Điện lực Lý Sơn Đoàn Yên khẳng định. Con đường ven biển sẽ được tôn cao thêm để tầm mắt không bị chắn bởi tường đê bao… Khi cao hơn, tầm nhìn hướng ra biển được thênh thang hơn, đó là thực tế mang đầy ngụ ý trong quy hoạch.
Điểm nhấn của Lý Sơn tương lai là khu cảng Bến Đình, được khởi công vào tháng 11-2016, tại thôn Đông, xã An Vĩnh. Theo thiết kế, Cảng được xây dựng trên diện tích 8 ha (bao gồm trên bờ và mặt nước), với hệ thống kè bao bảo vệ dài 506 m, đường dẫn cầu tàu dài 240 m, có năng lực tiếp nhận cùng lúc một tàu trọng tải 2.000 tấn, một tàu trọng tải 1.000 tấn, một tàu khách công suất 400 ghế. Cảng trở thành một mắt xích không thể thiếu để hoàn thiện hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa, vừa góp phần tăng cường củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh chủ quyền vùng biển phía đông của Tổ quốc, vừa trở thành khu trung tâm vận tải hành khách và hàng hóa.
Lý Sơn đang chạy nước rút để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch, bao gồm cả nâng cao chất lượng tàu thuyền, gia tăng cơ sở lưu trú, và quan trọng hơn là tôn tạo di tích, đa dạng hóa sản phẩm du lịch… Cuối năm nay, chậm nhất là đầu năm 2018, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của ngư dân Lý Sơn và tục “hát hố” - nét đặc sắc trong sinh hoạt cộng đồng - sẽ được tái hiện dưới hình thức một sản phẩm du lịch, đem đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách.
Lúc này, ở đảo lớn, mới chỉ có một khu nghỉ dưỡng quy mô 93 phòng của Tập đoàn Mường Thanh. Nhưng cứ nhìn vào việc tiết giảm điện tối đa từ hệ thống chiếu sáng của khách sạn, có thể mường tượng được phần nào hiệu quả đầu tư. Anh Bùi Xuân Nghĩa, Phó giám đốc khách sạn Mường Thanh, trăn trở: Sau một năm đi vào hoạt động, lượng khách mới chỉ tăng từ 3-7%, công suất phòng năm nay dự kiến đạt từ 29-35%... Khó lòng thúc đẩy doanh thu, khi mà đa phần khách đến với Lý Sơn lựa chọn loại hình du lịch khám phá, chứ không phải nghỉ dưỡng. Mường Thanh đã chọn cách đón đầu cơ hội, nhưng mọi tính toán có vẻ còn nhiều biến số.
Rõ ràng, các nhà đầu tư lớn khác cũng sẽ nhìn vào Mường Thanh để tính toán triển vọng rót vốn. Song, chị Phạm Thị Hương vẫn tin tưởng: Những nỗ lực trong thu xếp mặt bằng, trong việc tạo cơ chế ưu đãi sẽ thu hút được những tên tuổi đầu tư lớn về với Lý Sơn. Và trên bản đồ du lịch thế giới sẽ có thêm một địa chỉ thu hút du lịch nghỉ dưỡng cao cấp… Nếu không có niềm tin, rằng “viên ngọc còn vùi trong cát” này sẽ được đánh thức, thật khó lòng để tính chuyện xa xôi.
Nhưng từng đến được nhiều vùng miền đã thay đổi chóng mặt nhờ du lịch, tôi vẫn mong ngóng một cơ hội phát triển nhân văn hơn cho đất và người Lý Sơn. Nếu như người dân được học và làm du lịch trên chính mảnh đất quê hương, điều ấy sẽ tốt hơn rất nhiều lần việc họ phải ly hương, thay đổi nghề để nhường đất lại cho các dự án nghỉ dưỡng xa xỉ… Những đứa trẻ đang say sưa với màn múa lân diễu phố đêm hội Trung thu trong các ngõ xóm kia xứng đáng được lớn lên và có cuộc sống sung túc ở nơi chôn rau cắt rốn.
Muốn phóng mắt trên tầm cao, móng nền phải vững. Mà có thứ nền móng nào vững chắc hơn chính những người con của mảnh đất này? Mong ước ấy, tôi xin gửi lại miền đảo xanh, “viên ngọc thô” của Tổ quốc!