Cuối năm, lại thấy... đào đường

Thời điểm này, nhiều vỉa hè, tuyến đường trên địa bàn TP Hà Nội lại bị xới tung, bụi bay mù mịt gây ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Điều đáng nói, tình trạng này lặp đi lặp lại hằng năm như một điệp khúc quen thuộc, nhưng rồi mọi chuyện không có gì thay đổi.
0:00 / 0:00
0:00
Việc chỉnh trang, sửa chữa hè phố còn nhiều bất cập.
Việc chỉnh trang, sửa chữa hè phố còn nhiều bất cập.

1/Có những con đường, hè phố bị đào xới nhiều đến nỗi hiếm khi thấy hoàn chỉnh, bởi đơn vị này vừa thi công xong thì lại có đơn vị khác đến… đào lên. Thế nên nhiều tuyến đường, hè phố dù được đầu tư rất lớn, khi xây xong cũng rất đẹp nhưng chẳng bao lâu sau đó lại bị xới lên, vá chằng vá chịt rất lộn xộn.

Năm 2016, UBND thành phố Hà Nội thay thế các loại gạch lát vỉa hè truyền thống bằng đá tự nhiên, tập trung tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng… Đây là loại đá được giới thiệu bền vững 50-70 năm, có thể hạn chế các hư hỏng trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, vỉa hè tại không ít tuyến đường đã sớm nứt vỡ chỉ sau 2-3 năm khiến thành phố liên tục phải thay thế, sửa chữa.

Có thể thấy việc đào xới vỉa hè ở Hà Nội thường xuyên hơn nhiều nơi trong cả nước. Nhiều thời điểm trong năm, đâu đó đều thấy cảnh đào lên lấp xuống. Cứ thế, những tuyến đường được đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang bằng phẳng nhưng chỉ được một thời gian thì lại bị đào xới, cào bóc lên. Đặc biệt, đến thời điểm cuối năm, tình trạng đào đường, thay đá, lát đá vỉa hè lại diễn ra khá nhộn nhịp khiến không ít người phàn nàn chẳng khác nào đến “mùa” đào đường. Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao cứ phải tập trung lát đá vỉa hè vào dịp này? Liệu có phát sinh tiêu cực trong việc chạy vốn, hay còn vì lý do nào khác nữa? Hoặc như nếu không kịp giải ngân số tiền được phân bổ, đơn vị chức năng sẽ phải trả lại thành phố nên cố làm cho xong?...

Đáng nói hơn là nếu chỉnh trang hè phố, lát đá ở những đoạn vỉa hè xuống cấp thì đã đành, nhưng có những đoạn vỉa hè không vấn đề gì, vẫn còn mới cũng “bỗng dưng” bị lật lên để thay mới thì rất khó hiểu. “Đá vỉa hè nứt, vỡ ảnh hưởng việc đi lại của người dân nên phải thay thế là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan chức năng nên tính toán thời gian sửa chữa sao cho phù hợp để vừa bảo đảm chất lượng, độ bền cho vỉa hè, đồng thời không gây ảnh hưởng đời sống người dân”, bà Nguyễn Thị Hiền (Khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai) bày tỏ ý kiến.

2/Cuối năm, lưu lượng phương tiện giao thông luân chuyển hàng hóa phục vụ thị trường Tết ra, vào khu vực nội đô rất lớn, vì thế, đây không phải là thời điểm thích hợp để đào bới, sửa chữa vỉa hè, đường phố. Nhất là với tình trạng giao thông lộn xộn như hiện nay, nếu xuất hiện thêm các lô cốt, các điểm sửa chữa thì đường phố vốn đã ùn tắc sẽ lại càng tắc hơn. Ngoài ra, việc thi công hàng loạt công trình cũng tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, môi trường do phát sinh lượng bụi lớn, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Cùng với đó, việc dồn dập cải tạo, sửa chữa cũng khiến người dân không khỏi băn khoăn về chất lượng công trình khi mà một số đơn vị thi công có tâm lý lợi dụng tình hình gấp gáp, đơn vị quản lý dễ bỏ qua sai sót nhỏ, tiến hành nghiệm thu sớm… để làm ẩu, miễn sao đúng tiến độ. Đây cũng được cho là nguyên nhân khiến vỉa hè nhanh xuống cấp, hư hỏng chỉ sau vài ba năm đưa vào sử dụng.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, vỉa hè làm xong nhanh hỏng là do công tác quản lý vỉa hè chưa tốt. Vỉa hè vốn là không gian dành cho người đi bộ, nhưng ở nhiều nơi, vỉa hè thường xuyên bị các phương tiện giao thông thoải mái leo lên, thậm chí có nơi lại trở thành bãi đậu xe. Mà vỉa hè không được thiết kế để chịu được sức nặng của ô-tô, xe cộ chèn lên, chưa kể có khi vỉa hè vừa lát xong thì đơn vị thi công đường ống nước, cống, cáp điện thoại, internet… lại đào xới. Cho nên, Hà Nội cần tìm cách để bảo vệ vỉa hè, thay vì “đánh trống bỏ dùi” như trước đây. Bởi hiện nay, từng m2 vỉa hè vẫn đang bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích vào rất nhiều việc, ngoại trừ dành cho người đi bộ.

Sau nhiều chiến dịch ra quân “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, tới nay phần lớn vỉa hè lại trở về hiện trạng bị sử dụng sai mục đích, bị chiếm dụng làm chỗ đậu xe máy, ô-tô, vận tải và đồng thời cũng là nơi buôn bán nhộn nhịp của các hộ kinh doanh có mặt tiền hè phố. Những năm trước đây, ở một số nơi còn có tấm bảng ghi rõ tuyến đường này do hội phụ nữ phường tự quản, tuyến đường kia do đoàn thanh niên phường tự quản…, nhưng nay thì hầu như không còn nữa hoặc nếu còn thì cũng không phát huy tác dụng. Phải chăng ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường thành phố của người dân không những không được nâng lên mà còn đi xuống theo thời gian? Do đó, dù các cơ quan chức năng có liên tục “làm mới” vỉa hè ra sao đi nữa, nhưng nếu không thay đổi được ý thức của người dân cũng như không có kế hoạch cụ thể về việc hoàn thiện, đồng bộ quy hoạch, chỉnh trang đô thị thì việc đào xới vỉa hè, đường phố sẽ còn tiếp diễn.