Họa sĩ Lương Lưu Biên

Cuộc đời là giấc mộng

“Người ta vẫn cho rằng cuộc đời là một giấc mộng, vậy nên thân thể chúng ta vừa là sinh thể vật lý, vừa là cái gì đó ảo mộng. Nó như con thuyền đưa chở linh hồn chúng ta đi qua cuộc đời này, đi qua một thế gian tuyệt đẹp tràn đầy hạnh phúc và đồng thời cũng là nơi bi thảm, một bể khổ của muôn vạn sinh linh”.
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa chân dung họa sỹ Lương Lưu Biên của họa sỹ Đỗ Hoàng Tường
Ký họa chân dung họa sỹ Lương Lưu Biên của họa sỹ Đỗ Hoàng Tường

Họa sĩ Lương Lưu Biên (sinh năm 1975 tại Bình Thuận, hiện đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh) nói về cái cớ của bộ tranh mới Ở giữa cơn mơ triển lãm tại Flatto Artspace, Phú Mỹ Hưng, Quận 7... Là người đạt nhiều giải thưởng mỹ thuật quan trọng, các bức tranh của anh đã được trưng bày, giới thiệu tại Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia... Triển lãm cá nhân cách nhau vài năm, có khi là mỗi năm một lần, nhưng Lương Lưu Biên rất kín tiếng và tự hạn chế bản thân xuất hiện trên truyền thông.

Có nhiều chuyển dịch, khám phá, sáng tạo trong bộ tranh mới Ở giữa cơn mơ này, khi họa sĩ Lương Lưu Biên đi sâu vào siêu thực, những bộ phận thân thể người cuộn xoáy, trộn lẫn vào nhau trong những mảng đồng màu đậm nhạt. Những phóng khoáng của những đường gân cơ bắp thịt nổi tự nhiên, theo các ngẫu hứng của trừu tượng, được kiềm chế một cách có ý thức theo lối biểu hiện và ấn tượng. Tranh của họa sĩ Lương Lưu Biên luôn mang lại cảm giác mạnh khi xem trực tiếp. Có những khi, có gì đó như năng lượng đau đớn hằn lên bề mặt tranh, làm người xem bị mệt hay choáng váng. Tranh Lương Lưu Biên là để nhìn ngắm soi tỏ, tác động trực tiếp lên cảm giác, thay vì nói ra. Giống như chỉ khi nhai nuốt thưởng thức một món ngon được chế biến khéo, mới rõ được sự tác động vào mọi giác quan, việc kể lại, chẳng thể nào là trải nghiệm thực sự tốt.

Cuộc đời là giấc mộng ảnh 1

Một tác phẩm trưng bày tại Triển lãm Ở giữa cơn mơ của họa sỹ Lương Lưu Biên

Tôi quen biết họa sĩ Lương Lưu Biên nhiều năm, thường gặp ở những tụ hội của giới văn chương hay triển lãm ở Sài Gòn. Lương Lưu Biên lúc nào cũng dáng dấp nhanh nhẹn, nụ cười thường trực trên môi, mang theo vẻ thân thiện ấm áp niềm nở. Nhưng nhìn vào đôi mắt buồn sâu thăm thẳm, thì hiểu ngay những tương tác xã giao chỉ là sợi dây mỏng neo đậu anh vào cõi người với tình cảm cũng mong manh như tơ nhện. Có lẽ, con người bên trong của Lương Lưu Biên được bày tỏ rõ nhất qua mỗi bức tranh anh vẽ và lúc một mình, phải đối mặt với bóng đen nỗi trầm cảm, ám ảnh đeo đẳng từ quá khứ.

Khi nhỏ, Lương Lưu Biên kể lại, anh yêu thích việc đọc sách văn học, trong đó có nhiều sách viết về các họa sĩ. Những cuộc đời theo cảm nhận của anh là tuyệt vời, đáng sống. Những câu chuyện đó đã mê hoặc và vô tình dẫn hướng tương lai của anh: “Tuổi thơ xê dịch và nhiều bất ổn do phân tán gia đình cũng làm tôi nhút nhát và trầm tính. Nó làm tôi thích ngồi yên quan sát và chiêm nghiệm về đời sống, về các mối quan hệ con người. Tính cách hay suy tư và thích một mình có lẽ phù hợp với việc vẽ vời hơn các nghề khác. Tôi nhớ lúc nhỏ mình hay vẽ chân dung các văn hào Nga, châu Âu mà người ta thường in trên bìa sách, làm một số đồ chơi và trang trí linh tinh”.

Học xong phổ thông, Lương Lưu Biên thi vào trường Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai rồi sau đó là Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Từ nhỏ, anh đã nghĩ mình sẽ làm việc này và từ đó tới nay, anh vẫn chỉ làm và sống với hội họa. “Trong suốt thời trẻ, tôi luôn hạnh phúc với đam mê của mình bên cạnh những ủng hộ và khích lệ của thầy cô, bạn bè. Tôi cũng may mắn nhận được những tôn trọng đủ để mình vững bước với công việc”, họa sĩ Lương Lưu Biên tâm sự.

Cũng như nhiều bạn bè đại học, Lương Lưu Biên phải tự trang trải cuộc sống và tiền mua họa phẩm để vẽ. Nghề vẽ mang lại cho anh nhiều việc để làm thêm. Những việc này cũng giúp ích nhiều cho việc học mỹ thuật. Những bức tranh đầu tiên Lương Lưu Biên vẽ từ năm thứ hai, thứ ba đại học may mắn đã lọt vào chung kết các giải thưởng lớn cho họa sĩ chuyên nghiệp thời bấy giờ. Điều đó tạo nên động lực, khích lệ anh tiếp tục con đường mà chắc rằng anh sẽ đi hết cuộc đời của mình.

Lương Lưu Biên học khoa sơn mài. Ở đó, anh gặp những người thầy giỏi, đã truyền đạt nhiều kỹ thuật và cảm hứng với một chất liệu đậm chất phương Đông: “Nó sâu sắc thâm trầm trong cả việc thực hành từng công đoạn vẽ. Làm việc với chất liệu sơn mài mang tới cho tôi một tư duy tổng hợp sau này, trong khi việc thực hành nó lại chứa nhiều yếu tố mỹ nghệ và nguyên tắc quy củ”. Sơn mài mang lại cho họa sĩ Lương Lưu Biên nhiều cảm xúc chất liệu và sự rèn luyện hình, bố cục chậm, chắc cần thiết. Tuy vậy, thời gian kéo dài và nhiều nguyên tắc bài bản đã trói buộc tự do sáng tạo.

Thời đại nhanh mạnh, tuổi trẻ nhiều ý tưởng buộc anh phải tìm cách làm việc khác phù hợp hơn sau khi ra trường: “Acrylic lúc này mang tới sự thuận tiện, tự do thể nghiệm hơn bên cạnh sơn dầu” - Lương Lưu Biên bày tỏ. “Tôi cũng dùng các chất tạo bề mặt như chất trắng dẻo, sơn nước hay gesso... Thay vì chọn bút pháp với những tút tát dày của sơn bên trên bề mặt tranh như thường thấy, tôi làm việc đó trước và dìm tất cả xuống bên dưới những lớp màu mỏng. Tự nhiên loang chảy và trông như thời gian và mưa nắng đã phủ qua tất cả, những dấu vết khẳng định duy ý chí bị che lấp bởi ngẫu nhiên, dù rằng vẫn nương nhau với một ít sự kiểm soát”.

Khi làm tranh theo cách tổng hợp, họa sĩ Lương Lưu Biên thấy mình được thể hiện nhiều hiệu quả bề mặt khác nhau, những khâu chuẩn bị hình, bố cục, những bước tạo chất bên dưới: “Nó dễ đạt được những bề mặt như điêu khắc ngoài trời trải qua nắng mưa, những trong mỏng hiển lộ những khối cơ thịt, những phủ dày và đặc quện...”. Lương Lưu Biên thích nghiên cứu hình họa người cũng như thích quan sát tâm trí, đời sống tinh thần của họ. Bởi anh nhạy cảm với nỗi buồn, niềm đau hơn những gì vui tươi, hạnh phúc. Cùng với sự sống, những chuyển động sống của va chạm, hạnh phúc và đau khổ, tất cả đi vào trong sáng tạo của anh, để bày tỏ sự kỳ diệu.

Lương Lưu Biên đã mô tả tất cả với những tút tạo chất dày thô, cuồn cuộn trước khi xử lý lại bằng màu. “Có một ít chuyển dịch, thay đổi trong bộ tranh mới này và tôi treo cùng một số tranh các thời kỳ trước để người xem có được cái nhìn so sánh”. Lương Lưu Biên chỉ cho tôi xem một số bức tranh cũ được treo trong phòng triển lãm. “Lúc trước tôi vẽ những bố cục người đơn lẻ, những dáng người, nhóm người co cụm với cô đơn. Đó là những trạng thái sống độc lập và chiêm nghiệm. Ở loạt mới này, tôi trộn nhiều phần cơ thể con người vào nhau, chúng chỉ cuồn cuộn sống, chúng mất đi tính độc lập và nhân vị. “Cái tôi” bị ràng buộc và che lấp bởi “cái chúng ta”

Đó là một xã hội phức tap của các mối quan hệ mà chúng ta sống trong đó, những đám đông chỉ còn là những con số với những giao thoa lẫn lộn về cách nghĩ, cách sống và văn hóa. Những yêu thương, sở hữu, ràng buộc, ngọt ngào, hạnh phúc và oán hận. Người ta biết nhiều hơn những kiến thức dư thừa, kiến thức rác, những hiểu biết công nghiệp đóng hộp, những niềm tin chế biến sẵn, những lý tưởng theo trào lưu mới ... Và họ hoang mang, bất an tìm mình, họ ngộp thở nhưng cũng trốn tránh chính mình trong công việc và tốc độ của đời sống công nghệ. Sự nhanh mạnh đó làm cho những con người găp gỡ hằng ngày trông như những hình hài vút qua, thấp thoáng mơ hồ, lẩn khuất.

Như trong một giấc mơ, cách tạo hình với cấu trúc bán trừu tượng như vậy mang đến sự tự do lớn hơn trong tạo hình, nó không bị gò bó trong một sự hợp lý kiểu ảnh chụp mang tính thời điểm, nó là kiểu ký ức mơ màng, lẫn lộn và sống động của những con người đang sống với mọi trạng thái; tin yêu, đau khổ, đề phòng, tham vọng, cuồng nhiệt, nương tựa, bất an...”.

Với chất liệu tổng hợp và kỹ thuật từ nhiều chất liệu truyền thống, Lương Lưu Biên luôn mong muốn chuyển tải được những cảm xúc sống động của tồn tại, của hiện sinh làm người lên bề mặt tranh từ một hình thức tạo hình riêng biệt của chính mình. Ở giữa cơn mơ của họa sĩ Lương Lưu Biên, như một cách tự ý thức rằng mình vẫn đang bước trên hành trình nghệ thuật, hành trình cuộc đời của mình. Đồng thời, nó cũng là ý hướng phản tỉnh, tìm cách nhận diện Sự thật.