Công phải ra công, tư phải ra tư

Chúng ta đang có sự lẫn lộn quan niệm về cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, dẫn đến việc thiết kế mô hình công-tư bất hợp lý, gây những thiệt hại to lớn cho ngành y và xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Y, bác sĩ Phòng khám Bình Minh, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định khám cho bệnh nhân. Ảnh: Phan Công Minh
Y, bác sĩ Phòng khám Bình Minh, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định khám cho bệnh nhân. Ảnh: Phan Công Minh

Bởi, đã có yếu tố kinh doanh thì phải đặt nặng lợi nhuận lên trên, nên khó tránh khỏi việc bệnh viện lạm dụng các dịch vụ cận lâm sàng, kê đơn không cần thiết để thu được nhiều tiền hơn từ người bệnh, từ Bảo hiểm y tế.

Hiểu đúng để thực hiện đúng

Sẽ không có một quy trình nào đủ hiệu quả để ngăn những biến tướng đó. Nếu quy trình lỏng lẻo thì sẽ khiến y đức tiếp tục tha hóa và bệnh nhân tiếp tục là nạn nhân. Còn quy trình quá chặt thì sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, sẽ làm tê liệt hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc và thiết bị y tế, mà thực tế đã diễn ra, khiến hiện nhiều bệnh viện thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị và bệnh nhân cũng lại là nạn nhân.

Phải chấp nhận đã là bệnh viện công thì dịch vụ ở mức cơ bản. Đầu tư nhà nước ban đầu là đầu tư cơ bản để các bệnh viện công có thể trang bị được các máy móc bảo đảm phục vụ khám, chữa bệnh cơ bản của nhóm người dân cần đến bệnh viện công. Tất nhiên, Nhà nước cần phải ngày càng tăng nguồn vốn đầu tư, thậm chí kêu gọi từ thiện, hiến tặng để trang bị được càng nhiều máy móc tốt hơn cho bệnh viện công.

Thông lệ là mọi quốc gia, khách hàng của bệnh viện công chỉ giới hạn vào những đối tượng ưu tiên nhất định, thí dụ người thu nhập trung bình, nghèo, người thu nhập thấp. Bệnh viện công không thể bố trí riêng mỗi bệnh nhân một phòng, mà phải chấp nhận nằm phòng chung, miễn là đáp ứng mỗi giường một người.

Trường hợp có điều kiện hơn thì người dân phải bỏ thêm tiền sang bệnh viện tư để được đáp ứng. Đây chính là xã hội hóa y tế đúng nghĩa: tư nhân được cung cấp dịch vụ y tế cho những nhóm đối tượng có khả năng chi trả và có nhu cầu cao hơn mức cơ bản.

Cũng cần lưu ý, phải rạch ròi để đừng nhầm lẫn giữa bệnh viện công và Bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế chi trả ở một mức cơ bản dù người dân vào bệnh viện công hay tư. Người dân được lựa chọn: dùng mức Bảo hiểm y tế chi trả cơ bản, còn đến bệnh viện công hay tư thì tùy ý.

"Ðại phẫu", bắt đầu từ gốc

Để giải quyết vấn đề trên, không phải bằng cách lẫn lộn công-tư, mà phải khắc phục bằng giải pháp chính sách ở cấp độ nền tảng hơn với hai giải pháp song song.

Đó là, một mặt, khuyến khích xã hội hóa đúng bản chất, bằng cách tạo môi trường cho bệnh viện tư phát triển. Mặt khác, trả bệnh viện công về đúng bản chất "công", là chỉ cung cấp dịch vụ y tế công cho những nhóm người dân nhất định, ở một mức độ chất lượng cơ bản. Không thể đòi hỏi bệnh viện công vừa đồng thời phục vụ đối tượng phổ thông, lại vừa có chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tối ưu.

Với bệnh viện công, cần từng bước giới hạn đối tượng phục vụ là những nhóm dân cư có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp, và đáp ứng mức độ chăm sóc y tế cơ bản. Nhà nước sẽ có trách nhiệm đầu tư đầy đủ để bệnh viện công đáp ứng mức độ cơ bản đó. Đương nhiên, mục tiêu này cần có lộ trình để thực hiện từng bước: Chỉ khi y tế ngoài công lập phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu người dân, thì bệnh viện công mới có thể thu hẹp phạm vi phục vụ vào các nhóm ưu tiên.

Vài thập niên trước, khi khu vực y tế tư nhân còn yếu, ngân sách thiếu tiền, thì liên kết công-tư giúp hài hòa lợi ích giữa hai bên. Nhưng hiện nay, khu vực y tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ với nhiều phân khúc, từ cao cấp đến cơ bản, đáp ứng các nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Thậm chí, nhiều bệnh viện tư còn chú ý đầu tư, mua sắm các trang thiết bị y tế hiện đại nhất, để thực hiện các kỹ thuật cao.

Y tế tư nhân sẽ nhanh chóng phát triển hơn nữa, mở rộng mạng lưới đến tận vùng nông thôn, miền núi, khi chúng ta có chính sách hợp lý, chú trọng vào tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, như minh bạch và bình đẳng tiếp cận nguồn chi trả của Bảo hiểm y tế. Đặc biệt, thị trường dịch vụ y tế tư nhân cần là một thị trường có cạnh tranh, với nhiều phân khúc khách hàng, nhiều mức giá. Vì thế, không thể kiểm soát hành chính về giá cả đối với dịch vụ y tế tư nhân. Công cụ kiểm soát chỉ có thể là tiêu chuẩn, quy chuẩn và đánh giá chất lượng dịch vụ. Người bệnh có quyền lựa chọn dịch vụ khám, chữa bệnh cho cá nhân.

Thay vì yêu cầu tự chủ, thì tiêu chí để đánh giá bệnh viện công là hiệu quả vận hành và hiệu quả hoạt động. Tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ y tế, từ đó Bảo hiểm y tế trả mức cơ bản; phần vượt quá người dân tự bù đắp là yêu cầu bắt buộc. Thiết kế chính sách theo hướng: các bệnh viện công phải cạnh tranh lẫn nhau; và cạnh tranh với bệnh viện tư trong việc tiếp cận nguồn chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế, cũng là một giải pháp nâng cao hiệu quả khác. Tiến trình này sẽ mất thời gian, nhưng chắc chắn khả thi. Đến lúc đó, người dân muốn dùng các kỹ thuật cao, sẽ vào bệnh viện tư. Điều này mới thật sự là xã hội hóa y tế đúng nghĩa khi tư nhân được cung cấp dịch vụ y tế cho những nhóm đối tượng có khả năng chi trả và có nhu cầu cao hơn mức cơ bản. Trường hợp những bệnh nhân nghèo, cận nghèo không đủ tiền chi trả, thì các nguồn từ thiện nguyện sẽ hỗ trợ để giải quyết một phần. Thực tế hiện nay, bệnh nhân nghèo vào bệnh viện công thì cũng không được miễn phí.

Đã đến lúc xem lại tư duy tiếp cận. Việc "đại phẫu" ngành y cần được thảo luận và nhìn lại từ gốc chính sách, từ những triết lý gốc rễ nhất.