Con người và vũ trụ, thiên nhiên trong dân ca Lự

Dân ca có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn ngôn ngữ của một tộc người. Đặc biệt với những tộc người không có chữ viết riêng. Qua nội dung và nghệ thuật ngôn từ của các bài dân ca người ta sẽ nhận biết cấu trúc ngữ pháp và đặc điểm ngôn ngữ của một tộc người. Cũng như nhiều tộc người khác, người Lự có một kho tàng dân ca vô cùng phong phú.
0:00 / 0:00
0:00
Hát dân ca than thân. Ảnh: Ngọc Thắng
Hát dân ca than thân. Ảnh: Ngọc Thắng

Từ đồng dao, hát ru đến dân ca tình yêu, dân ca nghi lễ, dân ca sinh hoạt, dân ca lao động sản xuất... Trong kho tàng này con người, vũ trụ, môi trường thiên nhiên có quan hệ tương thông, tương hỗ với nhau. Người Lự theo đạo phật và tín ngưỡng đa thần. Họ tin có luân hồi, nhân-quả. Họ có niềm tin tuyệt đối rằng: Vua trời (pô Phạ) và các vị thần (then) sáng tạo ra trời đất, con người và vạn vật muôn loài. Các ngài ngự ở trên trời. Mọi việc nơi trần gian được cai quản trực tiếp bởi các vị thần được cử xuống trái đất. Người Lự tin mỗi thành viên trong cộng đồng đều có những vị thần bảo hộ riêng. Đặc biệt, những người tài giỏi trong lĩnh vực nào đó còn có vị thần lớn trên trời dẫn dắt trực tiếp. Người có tài săn bắn thì được thần săn bắn phù hộ; người làm mo, then có thần chủ mo-then trên trời ban phép; người thợ rèn có thần rèn đúc chỉ bảo... và người giỏi đàn ca có thần ca hát dẫn dắt.

Người Lự cũng cho rằng đấng sáng tạo đưa con người từng lứa, từng lứa xuống trần gian để con người thay mình kiến tạo một thế giới giống như thiên đường nơi trái đất. Công việc này vô cùng nhọc nhằn, gian nan và mạo hiểm. Để con người nguôi ngoai những cơ cực, nhọc nhằn thân xác. Để con người bước qua được nỗi đau do chính họ mang đến cho nhau. Và để con người, vạn vật, muôn loài gần gũi, yêu thương nhau hơn. Với một niềm tin như vậy, những người Lự giỏi đàn, ca, sáo, kèn... trước khi hát, vào dịp lễ, Tết hay hội bản, hội mường thì đều hát câu chú (cằm thặp) để cầu xin: Xin thần lớn ngự ở hòn đá to nơi rừng gianh bên dưới/ Cầu xin linh hồn tổ tiên trong gia đình xuống giúp/ Các vị thần cai quản bản mường cũng xin về đỡ/ Về ngồi bên cho giọng hát của tôi ngân vang/ Về đứng cạnh cho tiếng sáo tôi không ngắt... Khi cảm nhận các vị thần bảo hộ đã về thì hát để đón nhận Một vị bay về đậu ở cổ tay phải cầm quạt của tôi... (tôi cảm thấy) nặng trĩu... đấy rồi.../ Một vị về ngồi bên cạnh để cho tôi không quên câu hát... đấy rồi...

Con người và vũ trụ, thiên nhiên trong dân ca Lự ảnh 1

Thiếu nữ Lự.

Người kinh cấy mạ xuống ruộng xong, họ Trông trời, trông đất, trông mây/ trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm... Người Lự cũng vậy thôi, họ cầu xin sự ban phước của thần mưa, thần gió, thần sấm sét, thần sâu bệnh. Họ trông cây lúa mỗi ngày. Cả khi ngồi cán bông, dệt vải họ vẫn canh cánh trong lòng Chảo... hơ...hơi... tháng mười một ơi... lá sạch như dội nước/ Hơ... hới... Tháng mười hai ơi... lúa đã trổ bông dày hạt rồi đấy.../ Lúa ở ruộng trổ đều bông cong xuống rồi... người ơi... Thì niềm vui của họ như lửa bếp sáng bừng, nhảy nhót Hơ... hới... đã đến lúc mừng vui như có bếp lửa trong tim rồi đấy... Câu hát với ngôn từ giản dị mà đa nghĩa và chứa đựng trong đó biết bao hàm xúc. Chỉ một câu hát ví von mộc mạc nhưng đã mang cả triết lý sống của một tộc người. Người Lự có câu "Đàn ông là nhà, đàn bà là bếp lửa". Bếp lửa không chỉ mang khát vọng ấm no. Bếp lửa ở đây còn là hình tượng về sự đầm ấm đủ đầy cả về vật chất và tình yêu thương của mỗi gia đình. Cũng cần nói thêm, câu hát: Tháng mười một ơi... lá sạch như dội nước. Tháng mười một, theo lịch Lự cổ là tháng năm của lịch hiện đại. Chỉ có những trận mưa tháng năm thì mới làm cho "lá sạch như dội nước".

Dân ca Lự cho ta thấy sợi dây vô hình nhưng vô cùng bền chắc nối tâm hồn con người với vũ trụ bao la, với đất mẹ hiền hòa. Sống giữa nương đồi, khe bãi, sông suối, núi rừng rộng lớn là vậy nhưng khát vọng đi để thấy, để biết thêm những điều mới lạ luôn là niềm vui, là động lực của mỗi con người.

"Ơ... điếu ơi ới... em đây, vào rừng to càng đi càng thấy (nhiều chuyện) hay hơn ở bản... người ơi... phải rồi ...

Ơ... điếu ơi...ới... út đây, vào rừng rộng càng đi càng gặp (nhiều điều) vui hơn ở mường... hỡi chàng trai ơi... ới..." (Hát tìm rau rừng).

Trai gái Lự rủ nhau vào rừng kiếm củi bằng câu hát: Ơ... điếu hơi... hới... anh chị em ơi... về đến đi anh chị em ơi.... đến đây đi.../ Hơ... điếu hơi... hới... anh chị em ơi... giắt dao vào bao lên rừng lấy củi đi... đi nào... (Hát khi kiếm củi).

Thành quả lao động dẫu chỉ là những cây măng rừng cũng được các cô gái hát để ngầm "khoe" sự chăm chỉ của mình: Điếu hơi... hới... em... cô nàng đi tìm măng... được một cái măng cao đến lách nàng tôi đấy... ơi... ời... /Ơ... điếu hơi... hới... em... cô nàng đi tìm măng... được măng về chất cao bằng xà nhà đấy... người ơi... ơ... hời... (Hát khi tìm măng rừng).

Bãi rộng, khe rừng cũng là nơi trai bản, gái mường hẹn hò nhau.

Ơ... điếu ơi... ới... chỗ này là bãi rộng các nàng hay đến tìm rau đấy... người ơi...

Ơ... điếu ơi... ới... khe rừng cây xa, cây mòn nàng em đây hay đến một mình ... người ơ... ới... thương yêu ơi... (Hát khi tìm măng).

Nơi ấy, trai bản mang chài lưới đi kiếm cá. Cá ở suối là cá đấy. Cá đánh bắt được mang về làm thức ăn. Nhưng con cá trong dân ca sinh hoạt của người Lự cũng rất khác thường: "Cá ơi... ới... cá pôộc vào dưới chiếu/ Cá ơi... ới... cá chát lướt dưới khung cửi" (Hát khi kiếm cá).

Sông suối, núi rừng nuôi dưỡng con người khi sống. Đó cũng là nơi đón con người về khi hết kiếp. Hãy nghe chàng trai Lự nói gì với những con cá dưới sông, dưới suối về cái chết mai sau của mình: Cá ơi... ới... chết (trên rừng) sẽ thành con hươu con hoẵng/ Cá ơi ới... (chết dưới sông, suối) sẽ thành cá được nói chuyện dưới nước... (Hát khi đi kiếm cá).

Sự sống và cái chết nhẹ nhàng thế thôi. sống nương nhờ vào sông suối, núi rừng. Chết đi hóa kiếp thành nai, hoẵng, thành cá cũng vẫn gắn bó với môi trường ấy thôi. Thú vị là chàng trai Lự lại tâm sự về nhân-quả, luân hồi với cá. Kiếp này ta làm người ta săn bắt mi. Kiếp sau ta làm cá, làm con hươu, con hoẵng để người săn, bắt. Rồi ta lại được sống trong nước và nói chuyện trong nước với mi.

Cuộc sống của người Lự thời xưa rất vất vả. Sáng dậy từ canh ba, đi đến nương trời còn chưa sáng. Tối đêm mới đốt đuốc từ nương, từ rừng về bản. Cuộc sống như vậy nhưng họ không bi quan. Họ vẫn tìm niềm vui, sức mạnh ở lời ca tiếng hát. Họ mượn lời ca tiếng hát để xua đi nỗi mệt nhọc. Vào hát để trêu đùa nhau:

... cá chuối lên thác cạnh nương anh lấy nỏ ở đầu mà bắn

anh đói cá thì lại vác chài lên ruộng cháy

muốn ăn thịt sóc khô lại lấy nó đi vứt...

Với người Lự rừng núi đất đai như cha, như mẹ dưỡng nuôi con người. Núi rừng hùng vĩ luôn ẩn chứa những điều bí ẩn, bất trắc. Có khi núi rừng lại gần gũi, thân thiết như người bạn. Hãy xem, cô gái đợi người yêu cùng rời núi về nhà sau một ngày kiếm củi nhưng không thấy chàng đâu. Cô nàng mang nỗi buồn còn nặng hơn gánh củi trên vai quay bước về bản. Suốt dọc đường về, cô gái hát chào núi: Núi ơi... muộn quá rồi... tôi phải về nhà thôi... tôi về nhà thôi... núi ở lại nhé.../ Ở lại (núi) mọc ngọn cao lên nhé.../ Ở lại... (cho cây) vươn cành lá nhé.../ Ở lại... mọc nhiều cây to tươi tốt... núi nhé.

Cô gái biến nỗi buồn thành yêu thương, dịu dàng giành cho núi. Nỗi buồn thật đẹp biết bao. Hãy hình dung trong khu rừng vào buổi chiều chạng vạng. Một cô gái bé nhỏ đặt gánh củi lên vai bước đi. Cô vừa đi, vừa hát. Lời hát như dỗ dành, như động viên, như mong đợi. Cô dặn dò cả cánh rừng. Cô dặn dò cả ngọn núi.

Với một cô gái đang yêu thì có nỗi đau nào hơn khi bỗng chốc tình yêu sâu đậm từ thời bé nhỏ của mình bỗng chốc thành tình xưa và người yêu thành người tình cũ. Người tình bội bạc đã vứt bỏ tình yêu sâu nặng của mình nhưng cô gái cũng chỉ hỏi: Cá suối ơi, sao vội bơi đi đẻ trứng vũng sâu/ Tình yêu sâu nặng thế giờ thành người tình xưa cũ.../ Người tình xưa của em ơi, rừng tre, núi dốc nào dưỡng nuôi anh/ Để anh thành chàng trai của em, anh còn nhớ hay đã quên?

Và dù Chín lần (anh) quên thì em vẫn sẽ nhặt tình yêu này cất vào trong vạt áo của em/ Mười lần (anh) quên thì em vẫn nhặt tình yêu ấy cất vào túi áo lót mà em luôn mặc sát thân thể của mình. Cách ứng xử của cô gái thật tinh tế nhưng vô cùng mãnh liệt. Bởi vậy mà tình yêu sống mãi cả khi nó không còn. Cả khi cô gái bị nỗi nhớ tình xưa khiến cô như hoa lau hoa chít bị gió dứt lìa bông. Tình đầu của em ơi, tình yêu từ thơ bé của em ơi.../ Giờ đây nỗi nhớ anh làm trái tim em thổn thức như hoa chít, hoa lau bên suối gió thổi lìa bông bay lơ lửng giữa không trung (Hát gửi người tình cũ).