Cơn khủng hoảng của bóng đá TP Hồ Chí Minh

Sau giai đoạn hoàng kim của những tên tuổi lớn như Hải quan hay Cảng Sài Gòn, bóng đá TP Hồ Chí Minh hiện tại đang khiến người hâm mộ tương đối thất vọng, nhất là khi phải chứng kiến phong độ yếu kém của hai đội bóng "con cưng" đang chơi tại V-League 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Chặng đường đưa bóng đá TP Hồ Chí Minh trở lại chắc chắn sẽ còn rất nhiều chông gai.
Chặng đường đưa bóng đá TP Hồ Chí Minh trở lại chắc chắn sẽ còn rất nhiều chông gai.

Những sai lầm nối tiếp

Trận derby giữa hai câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh và FC Sài Gòn tối 20/8 được xem như "trận chung kết ngược". Hai tập thể khi ấy chia sẻ hai vị trí cuối cùng, và phải chiến đấu để trụ hạng ở V-League. Dù CLB TP Hồ Chí Minh chiến thắng 2-1 và vươn lên vị trí thứ 11 sau 13 vòng đấu, câu lạc bộ này vẫn sở hữu hàng công kém cỏi nhất khi chỉ ghi được vỏn vẹn chín bàn. Còn FC Sài Gòn tiếp tục đứng cuối bảng (vị trí thứ 13) với bảy điểm, cùng thành tích phòng ngự tồi tệ nhất (thủng lưới tới 26 bàn).

Thực tế, màn trình diễn kém cỏi của hai đội bóng trên sân cỏ trái ngược hoàn toàn với những tuyên bố, dự án đầy tham vọng mà lãnh đạo của họ từng "vẽ" ra. Đầu năm 2020, sau khi giành ngôi á quân V-League, CLB TP Hồ Chí Minh mang về hai ngôi sao là Công Phượng và Bùi Tiến Dũng. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng muốn câu lạc bộ phải đá đẹp, chơi kiểm soát bóng và sở hữu những cầu thủ tên tuổi để lôi kéo khán giả đến sân.

CLB TP Hồ Chí Minh không tiếc tiền, mang về tới tám ngoại binh trong năm 2020. Đến năm 2021, đội lại chi hàng chục tỷ đồng nhằm chiêu mộ Lee Nguyễn và huấn luyện viên Alexandre Polking. Tuy nhiên, thành tích của đội bóng có biệt danh "Chiến hạm đỏ" lại không được như mong đợi. Vụ lùm xùm giữa huấn luyện viên Chung Hae-seong và ban lãnh đạo khiến đội bóng sớm tụt lại trong cuộc đua vô địch năm 2020. Hai năm nay, tập thể này luôn giậm chân ở nhóm cuối bảng và chỉ chiến đấu cho mục tiêu trụ hạng. Mới nhất, vào ngày 23/8, đội bóng này đã bổ nhiệm ông Trương Việt Hoàng là tân huấn luyện viên trưởng.

Với FC Sài Gòn, sau thành tích xếp thứ ba V-League năm 2020, Chủ tịch Trần Hòa Bình hướng đội bóng theo con đường "Nhật hóa". Đội nhanh chóng chiêu mộ ngoại binh và chuyên gia Nhật Bản, rồi cử cầu thủ sang đất nước "Mặt trời mọc" thi đấu. Quá trình "thay máu" diễn ra ồ ạt khi có tới 19 cầu thủ bị loại bỏ, cùng với việc bổ nhiệm chuyên gia Masahiro Shimoda vào ghế huấn luyện. Tuy nhiên, sau khi "vỡ mộng" với vị trí đứng áp chót, huấn luyện viên và các ngoại binh Nhật Bản rời đi, để lại "đống ngổn ngang" của một chiến lược phát triển "chết yểu", chỉ sau vỏn vẹn một năm.

Những lỗ hổng cần được lấp đầy

Theo ghi nhận của phóng viên, trận derby TP Hồ Chí Minh tối 20/8 chỉ có khoảng vài nghìn người hâm mộ đến sân. Đây cũng là tình cảnh chung mỗi khi hai đội thi đấu tại sân Thống Nhất. Số lượng khán giả ít ỏi chính là câu trả lời của người hâm mộ bóng đá thành phố dành cho hai đội bóng "con cưng". Cả hai chẳng những thất bại, mà còn đang đánh mất dần tình yêu của cổ động viên.

Cựu cầu thủ Lưu Ngọc Hùng của Cảng Sài Gòn hồi tưởng: "Những đại diện lẫy lừng của bóng đá TP Hồ Chí Minh trước đây có thể thắng hoặc thua, nhưng sân luôn đầy ắp khán giả. Các câu lạc bộ được yêu mến bởi lối chơi hào hoa cùng những con người mang bản sắc bóng đá của thành phố như Đặng Trần Chỉnh, Hà Vương Ngầu Nại... và sau này là Lê Huỳnh Đức, Võ Hoàng Bửu…".

Tuy nhiên, cả hai đội bóng hiện tại đều thiếu nguồn cầu thủ địa phương để bồi dưỡng và phát triển như trong quá khứ. Họ thiếu hệ thống đào tạo trẻ cũng như hệ thống cơ sở vật chất xứng tầm. Điều này dẫn đến hệ lụy: hai đội bóng TP Hồ Chí Minh phải "nhặt nhạnh" nhân sự từ nơi khác, đồng thời "mất kết nối" với người hâm mộ.

Ông Lưu Ngọc Hùng khẳng định: "Các câu lạc bộ không cho thấy tham vọng làm bóng đá lâu dài. Nếu trong đội hình có từ năm đến bảy cầu thủ TP Hồ Chí Minh thi đấu, chắc chắn sân bóng sẽ đông. Bởi khán giả và gia đình sẽ đến xem con em họ chơi bóng. Làm bóng đá cần quá trình dài, có thể không dưới 10 năm".

Trước khi "xây nóc", các đội bóng phải có nền móng, đó là đào tạo con người. Việc các CLB không chú trọng công tác đào tạo trẻ khiến nhân tài bóng đá của địa phương ngày càng khan hiếm. Bóng đá TP Hồ Chí Minh không có đại diện nào khoác áo Đội tuyển Việt Nam trong nhiều năm qua. Thành tích các đội trẻ ở các giải U17, U19, U21 quốc gia đều yếu kém. Năm 2016, Liên đoàn Bóng đá TP Hồ Chí Minh (HFF) cũng đặt vấn đề liên kết với CLB Lyon (Pháp). Song, đã không có thỏa thuận hợp tác nào được ký kết, và nhiều cầu thủ trẻ không tìm được "đầu ra".

Với lực lượng chắp vá, bấp bênh và xáo trộn theo từng mùa, chặng đường đưa bóng đá TP Hồ Chí Minh trở lại đỉnh cao chắc chắn sẽ còn rất nhiều chông gai.

Chuyên gia bóng đá Ðoàn Minh Xương:

"Các câu lạc bộ tại TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn bởi sự nôn nóng và thiếu kiên nhẫn. Điểm chung của họ là đều giành được thành tựu nhất định, nhưng vội vàng thay đổi toàn diện dẫn đến thất bại. Sau đó, họ tiếp tục thay đổi để sửa sai, nhưng rốt cuộc chỉ dẫn đến sai lầm lớn hơn. Để thành công ở V-League, các đội bóng cần có nền móng từ con người đến chiến lược, đơn cử như CLB Hà Nội với lối chơi được xây dựng suốt 10 năm, hay Viettel với chiến lược đào tạo trẻ. Đây là những yếu tố cả hai đội bóng của TP Hồ Chí Minh đều thiếu".