Lan tỏa lòng yêu nước theo cách của người trẻ...
Trở thành một xu hướng phổ biến trong giới trẻ dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, trên mỗi cung đường, mỗi điểm đến, nhiều bạn trẻ đã check-in với lá cờ Tổ quốc, để thể hiện tinh thần yêu nước. Đã có hàng nghìn video thông qua hashtag #NgayQuockhanh, đạt trên hàng trăm triệu lượt xem. Đó là kết quả thật ấn tượng của chiến dịch truyền thông được phát động trên mạng xã hội với thông điệp: Người Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu, luôn hướng về Tổ quốc.
"Có rất nhiều tòa nhà lớn và hàng trăm màn hình LED trên toàn quốc chuyển sang hình lá cờ Tổ quốc. Những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, khơi dậy tình yêu đất nước, tình yêu dân tộc", anh Nguyễn Lạc Huy (Quản lý Schannel Network) chia sẻ.
Những con phố, ngõ nhỏ rợp sắc cờ hoa cũng được các bạn trẻ giới thiệu, chia sẻ rộng rãi, bên cạnh những "dòng thác" hình ảnh các bạn trẻ vận trang phục truyền thống với nón lá, áo dài hoặc sơ-mi trắng chụp ảnh cùng Quốc kỳ tại những địa điểm lịch sử nổi tiếng như: Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà tù Hỏa Lò... Những địa danh lịch sử này không chỉ là nơi lưu giữ ký ức của dân tộc, mà còn là nơi để thế hệ trẻ kết nối với quá khứ, tôn vinh những giá trị cha ông để lại.
Theo Thạc sĩ Đinh Văn Mãi, chuyên ngành Công tác xã hội, giảng viên Trường đại học Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh): "Thời đại 4.0 mang đến nhiều cơ hội để người trẻ thể hiện lòng yêu nước, thông qua việc tận dụng sức mạnh của khoa học, công nghệ và kỹ thuật. Dưới sức ảnh hưởng của truyền thông và mạng xã hội, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những hành động thể hiện lòng yêu nước, hành động nhân văn, những video ý nghĩa truyền đi động lực tích cực sẽ được lan tỏa mạnh mẽ hơn. Đó chính là sứ mệnh, là trách nhiệm của người trẻ".
… với sự tỉnh táo và cẩn trọng
Mạng xã hội giúp giới trẻ kết nối dễ dàng với nhau. Đây cũng là công cụ hữu hiệu giúp thế hệ trẻ sáng tạo nội dung, từ bài viết, video, hình ảnh đến các chiến dịch truyền thông về lòng yêu nước. Từ đó, hình thành nhiều hoạt động và phong trào vì lợi ích xã hội, quốc gia và dân tộc.
Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, vì thiếu chín chắn trong suy nghĩ và hành động, đặc biệt khi tiếp cận những thông tin mới, nên vẫn có một bộ phận thanh niên dễ dàng tiếp nhận những dạng thức không phù hợp với chuẩn mực xã hội và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch, phản động cũng triệt để lợi dụng không gian mạng, nhằm gây nhiễu loạn dư luận xã hội và tác động trực tiếp đến nhận thức, lập trường của thế hệ trẻ.
Hằng ngày, hằng giờ những thông tin sai lệch, mang tính chất xuyên tạc, bóp méo bản chất của sự vật, hiện tượng vẫn đang tràn ngập trên không gian mạng, cản trở thế hệ trẻ tiếp cận các luồng thông tin chính thống và sự thật. Ở mức độ tinh vi hơn, sự cài cắm những chi tiết thông tin giả, tiêu cực, xuyên tạc, phản động trong các thông tin dưới dạng bài viết, tư liệu... có thể khiến ngay cả những người có nhận thức, bản lĩnh chính trị tốt cũng khó có thể nhận ra.
Trong khi đó, nhiều bạn trẻ dành nhiều thời gian mỗi ngày để "lướt mạng", đọc tin, xem video, chia sẻ, bình luận,… mà không cần cân nhắc tính xác thực, chỉ chú trọng đến việc không bị "lạc hậu". Trong mớ hỗn độn của các luồng thông tin đúng-sai, thật-giả, tốt-xấu ấy, nhiều thanh, thiếu niên hoang mang, mất định hướng, không thể kiểm soát nhận thức, cảm xúc và hành vi của mình, bị thao túng, dẫn dắt bởi "hội chứng đám đông", dẫn đến lệch lạc trong nhận thức, sai trái trong một số hành động, việc làm.
Chính vì vậy, để tăng cường giáo dục khả năng "miễn dịch" với các quan điểm sai trái, thù địch cho thanh niên, theo các chuyên gia: Cần tiến hành rà soát toàn diện như: Về hành chính, cần quản lý tốt việc sử dụng internet, website, fanpage trên mạng xã hội…; thực hiện nghiêm công tác bảo mật; bảo đảm không có sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, cũng như các hiện tượng xấu có thể xảy ra (thí dụ hoạt động truyền đạo trái phép, tụ tập băng nhóm, đông người và các hoạt động phi chính trị trong sinh viên).
Song song đó, các cơ quan, tổ chức cũng cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng Đoàn Thanh niên vững mạnh, đẩy mạnh quản lý đoàn viên thông qua ứng dụng Thanh niên Việt Nam, giúp thanh niên có môi trường, có điều kiện rèn luyện bản thân và góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không kém phần quan trọng là việc kịp thời cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ, nhanh chóng với cách thức phù hợp đối tượng là thanh niên qua internet, mạng xã hội, báo in, báo điện tử, truyền hình, đài phát thanh về đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cần định hướng để thanh niên phân biệt được đâu là thông tin chính thống và đâu là thông tin sai trái, thù địch, từ đó nâng cao sức đề kháng của đội ngũ thanh, thiếu niên đối với các mầm độc hại.
Mình luôn cảm thấy tự hào khi được chụp ảnh với Quốc kỳ, biểu tượng của sự đoàn kết, tự hào dân tộc. Chụp ảnh cùng Quốc kỳ, đối với mình, không chỉ là một hành động cá nhân, mà còn thể hiện sự tôn trọng và lòng tri ân đối với đất nước".
Lê Hà My, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền